Sáng 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 khai mạc kỳ họp thứ 9. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025.
13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra
Tại kỳ họp, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.840 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%. Nhiều loại hình du lịch được đưa vào khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản.
Tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 8.500 tỷ đồng.
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 10,4% do sản lượng một số sản phẩm chủ lực tăng và một số dự án tạo năng lực sản xuất mới đi vào hoạt động. Ước giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 là 6.679 / 6.957, đạt 96% kế hoạch.
Ước giải ngân tổng kế hoạch vốn được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giao năm 2024 (Tỉnh giao bổ sung trong năm hơn 2.069 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) đạt 74% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.
Với các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến của năm 2025, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5 - 9%. GRDP bình quân đầu người từ 3.200 - 3.500 USD. Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 48 - 49%, công nghiệp và xây dựng 32 - 33%, nông nghiệp 9 - 10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9%.
Dự kiến 6 chương trình trọng điểm, định hướng nhiệm vụ năm 2025
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin về dự kiến 6 chương trình trọng điểm, cùng với đó là các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2025.
Theo đó, trong năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, văn minh, thân thiện”; quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu Huế - Kinh đô xưa trải nghiệm mới; Huế - điểm đến của 8 di sản thế giới, Huế - Kinh đô của lễ hội, Huế - Kinh đô ẩm thực và Huế - Kinh đô áo dài.
Các dự án đi vào hoạt động trong năm 2024 hứa hẹn sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu từ 3 sao trở lên.
Thu hút 30 - 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng, trong đó địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp thu hút 15-18 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt khoảng 800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 9.500 tỷ đồng; 10-15 hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới.
Duy trì và nâng cao vị thứ xếp hạng PCI nằm trong TOP 10 và thuộc vào “nhóm tốt” của cả nước.
Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.