Thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng xanh thân thiện với môi trường

Vừa qua, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022, đã diễn ra Hội thảo Chuyên đề với tên gọi: "Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững".

Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng xanh thân thiện với môi trường, khai thác tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên tái tạo, hướng tới bảo tồn giá trị văn hóa gắn phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ số phát triển xanh, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển công nghệ; sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu giảm thiểu tác động đến môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng: Tỉnh Lai Châu có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã xác định, tỉnh Lai Châu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trồng rừng, trồng dược liệu, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong tình hình khí hậu có nhiều biển đổi như hiện nay.

Hội thảo công nghệ gắn với phát triển năng lượng xanh
Hội thảo công nghệ gắn với phát triển năng lượng xanh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả, chuyên gia chia sẻ các tham luận: Thí điểm bộ chỉ số "Tam giác vàng năng lượng"; mô hình làng thông minh gắn với năng lượng xanh, chuyển đổi số nông thôn, định hướng phát triển xanh và bền vững; chuyển đổi năng lượng: Giải pháp và ứng dụng cho Lai Châu; chia sẻ một số công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm và giải pháp bảo vệ môi trường…

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề liên quan đến chủ đề "Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững" như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh; phát triển kinh tế số; kinh nghiệm, giải pháp, công tác quản lý Nhà nước, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong lĩnh vực công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững.

Đồng thời khuyến nghị một số vấn đề tỉnh Lai Châu cần quan tâm: Trong phát triển du lịch, cần xác định người dân là trung tâm, khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng với mô hình làng/xã thông minh, chuyển đổi số bao trùm là du lịch sinh thái xanh, kinh tế xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời thì cần có chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, tạo cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn liên kết triển khai, phát huy tiềm năng phát triển năng lượng tại địa phương…

Tại Hội thảo, bà Tita Thy Nguyễn Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam và ông Nguyễn Việt Hưng - Chuyên gia Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam đã tập trung vào những nội dung: thúc đẩy phát triển năng lượng xanh; phát triển kinh tế số; kinh nghiệm, giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; công tác quản lý nhà nước; thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước của một số tỉnh: Bắc Giang, Sơn La, Thừa Thiên Huế; các huyện: Nậm Nhùn, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu); các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu, công nghệ (Công ty Cổ phần Sông Đà 705, Công ty Cổ phần năng lượng Nậm Na 3, Công ty Cổ phần kinh doanh ximăng Miền Bắc…) chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thu hút đầu tư và nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ cao; đầu tư lĩnh vực thủy điện, phát triển điện gió; chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường…

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề nghị tỉnh Lai Châu cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đây được coi là "đặc sản" hiện có của tỉnh cũng như của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, tỉnh nên phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá thí điểm áp dụng chỉ số tam giác vàng chuyển năng lượng xanh thành nền kinh tế tuần hoàn; có cơ chế hỗ trợ đặc thù trong áp dụng ứng dụng công nghệ mới theo mô hình Start up để Lai Châu trở thành nơi hấp dẫn trong áp dụng các mô hình công nghệ mới; tiếp tục thay đổi tư duy mới, lựa chọn công nghệ phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Ngay sau Hội thảo cần triển khai ngay một số dự án, đưa những kinh nghiệm ứng dụng của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu vào thực tiễn.

Năng lượng xanh là gì?

Năng lượng xanh là loại năng lượng mà khi được sản xuất, nó có ít tác động tiêu cực đến môi trường hơn so với năng lượng hóa thạch. Những loại năng lượng xanh mà ngày nay người ta thường đề cập đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng và năng lượng địa nhiệt.

PV