Thúc đẩy chuyển giao, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Thông tư quy định tổ chức quản lý Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 1851) nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng.

Kết quả tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai Đề án 1851 cho thấy các đơn vị đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1851 phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, ngành và điều kiện phát triển của từng địa phương trên cả nước. Các nội dung triển khai đã tập trung chủ yếu vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra các chuyển biến tích cực trong hoạt động chuyển giao, hấp thụ công nghệ nước ngoài, trong đó có các dự án FDI.

Ngoài các kết quả được ghi nhận, đa số các Bộ, ngành, địa phương vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 1851 như: Chưa chủ động xây dựng các chính sách, cơ chế xác định nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp cũng như khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và chuyển giao nguồn cung công nghệ nước ngoài phù hợp với Việt Nam; thiếu các chính sách cụ thể, phù hợp giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/01/2022 bổ sung, sửa đổi Đề án 1851 dựa trên quan điểm nhất quán là kế thừa ưu điểm của chính sách đã có, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục tốt nhất những hạn chế do thiếu mục tiêu cụ thể và giải pháp chưa hiệu quả, tính hành động thấp, đặc biệt là một số nội dung chưa được triển khai mạnh mẽ.

Nhằm hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đề án 1851 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1851/QĐ-TTg và Quyết định số 138/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định tổ chức quản lý Đề án 1851.

Các nội dung quản lý, hướng dẫn triển khai Đề án 1851 được nghiên cứu, xây dựng với mục tiêu giúp Bộ, ngành, địa phương triển khai thuận tiện ở hoàn cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị, vùng, miền và khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai ở giai đoạn trước.

Dự thảo Thông tư tập trung vào việc quy định cụ thể các nội dung hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án 1851, trong đó xác định các loại hình nhiệm vụ trong dự thảo Thông tư để hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính của Đề án 1851, chủ yếu thông qua thực hiện các đề tài, đề án khoa học, dự án, dự án đầu tư.

Mở rộng hình thức, phạm vi, đối tượng được đào tạo và nội dung đào tạo nâng cao năng lực về tìm kiếm, chuyển giao cho doanh nghiệp, là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hấp thụ, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài.

Xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cung cấp các thông tin về nguồn cầu công nghệ trong nước, nguồn cung công nghệ/chuyên gia công nghệ nước ngoài, các dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài.

Quy định nội dung hỗ trợ đặc thù cho các hoạt động của Đề án 1851 nhằm giải quyết các hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai Đề án 1851 ở giai đoạn cũ và đảm bảo bao quát đầy đủ hoạt động, nội dung của Đề án 1851.

Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1851/QĐ- TTg Phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đề án hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đề án tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: Thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường; trong đó chú trọng một số lĩnh vực: công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chuẩn đoán và điều trị bệnh. Đồng thời, nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

T.Xuân