Thúc đẩy cung cấp nội địa trong công nghiệp điện tử tại Việt Nam

Trước những cơ hội và thách thức để công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, ngày 3/7/2014 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Điệ

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành; các tổ chức, cá nhân cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để công nghiệp điện tử (CNĐT) Việt Nam phát triển bền vững là sự phát triển lớn mạnh của ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Bởi vậy, Hội thảo này được tổ chức nhằm mục đích để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp (DN) nắm bắt rõ hơn vai trò, thực trạng, lợi thế và cơ hội của ngành CNHT, qua đó đưa ra các giải pháp và huy động mọi nguồn lực phát triển ngành CNHT Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: Trình bày các nghiên cứu, tham luận về CNHT ngành điện tử, chính sách phát triển CNHT ngành điện tử tại Việt Nam; Nhận định, đánh giá về tình hình đầu tư, năng lực sản xuất, nhu cầu sản phẩm CNHT của các DN ngành điện tử Hàn Quốc tại Việt Nam; Giới thiệu chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNHT giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Đề xuất các giải pháp phát triển CNHT cho CNĐT ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thiết bị điện tử tăng cao. Cụ thể, năm 2010 đạt 3,4 tỷ USD; năm 2011 là 6,9 tỷ USD; năm 2012 là 20,5 tỷ USD và năm 2013 là 32,1 tỷ USD, và là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á. Tuy kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng rất lớn, chiếm khoảng 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng là thách thức lớn đối với các DN. Để thực hiện tốt, các DN cần có sự nỗ lực cao; liên doanh, liên kết với các đơn vị, ngành hàng khác nhau; cần có bước đi và lộ trình thích hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm với các công ty đa quốc gia; các cơ quan chức năng Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ; Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN hoạt động có hiệu quả cao nhất.

Tại Hội thảo, ông Lưu Hoàng Long – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã trình bày tổng quan về CNĐT Việt Nam và đề ra các vấn đề cần trao đổi. Theo đó, CNĐT Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 1975 – 1990: Thời kỳ này, lực lượng chính của ngành Điện tử là Liên hiệp các xí nghiệp Điện tử Việt Nam, các đơn vị tập trung chủ yếu ở phía Nam; sản phẩm chính được sản xuất là các sản phẩm tiêu dùng, như: Xí nghiệp Z181, sản xuất dụng cụ bán dẫn; Điện tử Bình hòa, sản xuất điện trở, tụ điện; Điện tử Tân bình, sản xuất loa, mạch in... Vào đầu những năm 90, khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, vì thiếu nguồn cung cấp nguyên, vật liệu nên ngành Điện tử Việt Nam mất thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp điện tử lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giai đoạn 2, từ sau năm 1990 – nay: Trong giai đoạn này, ngành Điện tử có nhiều bước thay đổi do có những yếu tố tác động lớn như: Chủ trương đổi mới và hội nhập của Đảng, ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ với các nước, cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á và Việt Nam tham gia WTO. Những năm gần đây, ngành CNĐT có những bước đột phá rất mạnh trong cơ cấu ngành Công nghiệp nói chung và hiện nay, Việt Nam đang được coi là trung tâm gia công lớn trên thế giới về hai lĩnh vực: Điện thoại di động và phụ kiện; máy in, máy photo và phụ kiện. Nhưng để đạt được thành quả như trên thì chủ yếu là sự thành công của các DN FDI, như Samsung, Nokia, Canon... Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các DN FDI chỉ chiếm 1/3 trong tổng số các DN điện tử Việt Nam, nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm 80% thị phần cả nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng tỷ trọng CNĐT đóng góp vào GDP cả nước rất thấp, không tương xứng với tỷ trọng của ngành điện tử trong kim ngạch xuất khẩu. Một thực tế đáng buồn đang xảy ra là ngay tại chính nước chủ nhà, rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện cho các DN FDI tại Viêt Nam, mà hầu hết các DN trong CNHT ngành Điện tử là các DN FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Ông Long cũng cho biết, DN Việt Nam bị hạn chế khi tham gia vào CNHT là do một số nguyên nhân như chưa có kinh nghiệm cung ứng cho các nhà sản xuất lớn, chưa có hệ thống marketing tiếp cận được với khách hàng, thiếu về vốn và yếu về công nghệ...

Theo đại biểu Vũ Dương Ngọc Duy – TGĐ TCT điện tử Tân Bình: Cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng các nhà sản xuất theo vùng, lãnh thổ, ngành nghề; các dự án đầu tư cần được bổ sung cho nhau... Chính phủ cần hỗ trợ về thuế, cơ sở hạ tầng để tăng cường năng lực cho các DN CNHT; tập trung nghiên cứu sản xuất các phần mềm điều khiển, vì thực chất đây cũng là một dạng công nghệ hỗ trợ; trong khi đó, chi phí cho phần điều khiển trong giá thành của sản phẩm cuối không hề nhỏ; cần duy trì tốt công nghệ lắp ráp các sản phẩm cuối, bởi nếu không thì toàn bộ các hoạt động của CNHT không có ý nghĩa gì.

Ông Trương Thanh Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho ý kiến: Bộ Công Thương sẽ làm cầu nối tích cực giữa DN Việt Nam với các tập đoàn, công ty đa quốc gia để DN Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm; thời gian tới sẽ đưa vào website của Bộ các sản phẩm CNĐT; các DN gửi năng lực, nhu cầu của đơn vị để Bộ giới thiệu tới các đối tác; Bộ đặc biệt quan tâm tới các dự án lớn hợp tác với các DN Hàn Quốc, nhằm nhanh chóng thúc đẩy khả năng hỗ trợ của các tập đoàn Hàn Quốc đối với các doanh nghiệp VN; sắp tới Bộ thành lập Trung tâm hỗ trợ CNHT tại 3 miền; từ nay đến năm 2018, Bộ tiếp tục đề nghị Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách mới và loại bỏ những văn bản kém hiệu quả nhằm tăng cường năng lực cho các DN ngành CNHT như ban hành Nghị định về hỗ trợ CNHT, điều chỉnh chính sách thuế, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính...

Cũng tại Hội thảo này, nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất quan trọng; nhiều DN cũng đã có cơ hội giới thiệu, quảng bá năng lực của đơn vị và đưa ra những kinh nghiệm đáng quý trong hoạt động sản xuất kinh doanh như Công ty TNHH ITO Việt Nam, Công ty 4P, Công ty Kitech...

Quang cảnh Hội thảo

Những năm qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của ngành CNHT trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành CNĐT nói riêng và ngành Công nghiệp nói chung, Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành một số văn bản quan trọng: Quyết định 34/2007/QĐ – BCN năm 2007 của Bộ Công Nghiệp v/v Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2011 về Chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 1556/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2012 về Phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT”; Quyết định số 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6/2011 v/v Ban hành danh mục CNHT ưu tiên phát triển.

Qua Hội thảo này, để phát triển ngành CNHT thì còn có quá nhiều vấn đề tiếp tục phải giải quyết như các chính sách phù hợp của Nhà nước; năng lực của các DN về cung ứng các sản phẩm; cơ sở hạ tầng, vốn, thị trường... Và để giải “bài toán lớn” này, một đại biểu cho biết: Chúng ta không biết nên bắt đầu từ đâu? Như thế nào? Hướng phát triển ra làm sao? Bởi mục tiêu đưa ra thì rất dễ, nhưng có thực hiện được hay không mới là vấn đề.