Mục tiêu là nhìn nhận sâu sắc hơn về tiềm năng cơ hội, thách thức, thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành Giấy tại Việt Nam. Sự kiện là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia đầu Ngành, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy – ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững.
Xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải
Tham dự Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Kinh tế tuần hoàn được coi là một giải pháp "xanh" nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tập trung vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái chế chất thải, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế.
Làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến Kinh tế tuần hoàn ông Nguyễn Trung Thắng cho biết, Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ dừng lại ở việc tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế, tạo ra các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Theo ông Thắng đây được xem là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thực tế các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại những kết quả rất tích cực, là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy. Số liệu cho thấy đến năm 2022, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó 20 doanh nghiệp lớn đóng góp 65% sản lượng. Sản lượng toàn ngành đạt 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, trong đó giấy bao bì chiếm trên 80%. Giấy thu hồi, từ trong nước và nhập khẩu, vẫn là nguồn nguyên liệu chủ lực. Ngành giấy được xem là hình mẫu lý tưởng cho kinh tế tuần hoàn khi gần như toàn bộ chất thải đều có thể được tái chế, tái sử dụng.
Trong thực tế Luật Bảo vệ Môi trường 2020 - bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, đã định nghĩa kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”.Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. Kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào nhiều nội dung như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường... với mục tiêu thúc đẩy việc thu hồi, tái chế và giảm thiểu lượng chất thải.
Phát biểu tai Hội thảo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, với áp lực ngày càng tăng về phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường, việc xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để các ngành công nghiệp, trong đó có ngành giấy, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ, không chỉ về mặt công nghệ, mà còn về tư duy phát triển bền vững trong chuỗi giá trị sản xuất giấy; với khả năng tái chế cao, ngành Giấy đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết, giúp giảm thiểu tiêu hao tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường sống. Ngành giấy cần nắm bắt những cơ hội này để tăng cường áp dụng mô hình sản xuất bền vững, từ khâu nguyên liệu đến khâu xử lý chất thải, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ TN&MT cũng cho biết hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thiện và sửa đổi các quy định trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhằm cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn cho việc triển khai các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Các sửa đổi và bổ sung này nhằm mục tiêu không chỉ tạo ra khung pháp lý đồng bộ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và địa phương triển khai KTTH, quản lý chất thải hiệu quả hơn, cũng như tăng cường vai trò của cơ chế EPR trong việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên.
VPPA đề xuất 6 nội dung thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy
Trình bày về hiện trạng kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy tại các nước trên thế giới và Việt Nam ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, định hướng Kinh tế tuần hoàn ngành Giấy sẽ hướng tới: Tiết kiệm tài nguyên ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất và tiêu dùng như Phát triển sản phẩm giấy có định lượng thấp với chất lượng cao, có độ trắng thấp phù hợp hoặc không tẩy trắng; Giảm tiêu hao năng lượng (điện, hơi sấy) và nước sạch, giảm phát thải trong sản xuất; Tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu gom và tái chế sản phẩm giấy đã qua sử dụng; Tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là việc đưa vào sử dụng lò hơi đồng phát trong sản xuất; Đầu tư cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (ESG).
Chỉ ra nhiều thách thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành Giấy như Các quy định pháp luật hiện tại chưa đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, Chưa có hướng dẫn chi tiết về thực hiện KTTH trong Ngành, Chưa có chính sách phù hợp cho thu gom và phân loại giấy tái sử dụng, làm khó khăn cho đầu tư và thu gom trong nước; Ký quỹ cao và giới hạn lượng nhập khẩu làm giảm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp…
Đang có một nghịch lý là Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới và ngành Giấy vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu bột giấy do chưa tận dụng hết tiềm năng nguồn nguyên liệu trong nước.
Ông Đặng Văn Sơn đồng thời đề xuất 6 nội dung thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn trong Ngành như: Xây dựng khung pháp lý chắc chắn giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền hạn và nghĩa vụ trong phát triển kinh tế; Ban hành hướng dẫn cụ thể về thuế VAT và tiêu chí tín dụng xanh để thúc đẩy thu gom và tái chế nguyên liệu; Có giải pháp hiệu quả về quản lý hóa đơn điện tử để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; Giảm tỷ lệ ký quỹ và cho phép tăng khối lượng nhập khẩu nguyên liệu tái chế; Cho phép xử lý chất thải rắn thông thường tại nhà máy với các điều kiện đảm bảo môi trường; Cho phép nhập khẩu nguyên liệu tái chế OCC và SOP như nguyên liệu thứ cấp; Hướng dẫn cụ thể quy trình chuyển đổi tro xỉ thành vật liệu san lấp và xây dựng; Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong thu gom và phân loại giấy tái chế như nguyên liệu thứ cấp.
Nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả trong vận dụng Kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy cũng đã được chia sẻ tại Hội thảo như: Những kinh nghiệm thực tiễn từ Chu trình tuần hoàn phát triển xanh, bền vững tại Nhà máy giấy; Việc Tối ưu hóa việc tuần hoàn, sử dụngchất thải rắn và xử lý khí thải trong ngành Giấy cho phát điện lò hơi; Kiểm kê khí nhà kính, tích hợp ESG và kinh tế tuần hoàn tại nhà máy sản xuất giấy tissue Giải pháp sấy bùn và tái chế nước thải trong sản xuất giấy theo mô hình kinh tế tuần hoàn; Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy tại Châu Âu; Kinh nghiệm từ Nhật Bản trong thu hồi tái chế giấy... Qua đây ngành Giấy khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững.
Thực tế việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, mà đòi hỏi sự nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng trong đó dn đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong quản lý sản xuất, đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến. Đồng thời Chính phủ cũng cần tạo ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy và khuyến khích các sáng kiến bền vững.