Ngày 22/7/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức chương trình hoạt động Đối thoại báo chí năm 2022 với chủ đề “COP 26 và Xây dựng một nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”.
Chương trình Đối thoại báo chí về phát triển bền vững là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI), được triển khai thường niên từ năm 2018, nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, và thúc đẩy các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm.
Trước đó, tháng 12/2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Theo đó, không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, phát triển ít phát thải sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn và là xu thế chủ đạo.
Cũng tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”; cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Bên cạnh đó, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Ông Phạm Nam Hưng - Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: kết quả tại COP26, có 196 quốc gia đồng ý với "Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow" – hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1.5 độ C; cam kết giảm dần than và chuyển đổi công bằng cho các nước đang phát triển, tăng tài chính xanh lên mức 100 tỷ đô la/năm vào năm 2023.
Vào năm 2022, các nước sẽ đề xuất Đóng góp quốc gia tự quyết định tham vọng hơn để phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C; tuyên bố toàn cầu về việc chuyển từ than sang năng lượng sạch; thông qua Chương trình hành động chính sách về chuyển đổi sang nông nghiệp và lương thực bền vững với sự tham gia của 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo ông Hưng, tổ chức và phát triển thị trường cacbon trong nước là một nội dung quan trọng được đưa ra cả ở trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường quy định lộ trình phát triển thị trường các bon bao gồm 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2027 tập trung vào xây dựng quy định quản lý và quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon, vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2026; từ năm 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức, kết nối trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu bao gồm: Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậụ; phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về các giải pháp và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, TS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay:
Theo đánh giá của Cơ quan môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) năm 2021, sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này được được dự báo là 2,7°C nếu tất cả các cam kết 2030 vô điều kiện được thực hiện đầy đủ và 2,6°C nếu tất cả các cam kết có điều kiện cũng được thực hiện. Nếu các cam kết đưa phát thải ròng về 0 được thực hiện đầy đủ, thì ước tính nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,2° C.
Tuy nhiên, nguồn lực để hiện thực hóa được các mục tiêu này rất hạn chế do nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của các nước đang phát triển lớn hơn các dòng tiền mà các quỹ tài chính công quốc tế hiện tại huy động được cho ứng phó BĐKH từ 5 đến 10 lần.
Do đó, để thực hiện kế hoạch cần huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, kêu gọi hỗ trợ quốc tế và huy động các nguồn lực từ khối tư nhân và nguồn xã hội. Thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng BĐKH, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh…
Chia sẻ về "Vai trò và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới cam kết Net Zero", ông Phạm Phú Ngọc – Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam cho rằng: "Cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết Phát thải ròng bằng “0” – Net Zero - vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này. Kiểm đếm phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy gần 2/3 lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp.
Vì vậy giải quyết lượng khí thải này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé để đạt được cam kết Net Zero, trong đó nông nghiệp tái sinh là yếu tố chủ đạo.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó bao gồm đất, đa dạng sinh học và nước, mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung.
Những lợi ích này bao gồm thu giữ carbon trong đất và sinh khối thực vật; cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải ròng khí nhà kính."
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Tọa đàm "Thúc đẩy hợp tác đa bên trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam" đón nhận sự tham gia, trao đổi sôi nổi giữa các diễn giả và đại biểu.
Thông qua tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về các thông lệ tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hướng đến kiểm soát, cắt giảm phát thải, cách doanh nghiệp hợp tác với các bên liên quan để thực hiện các mục tiêu giảm thải của doanh nghiệp;
Khuyến nghị từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, cắt giảm phát thải; các hoạt động phát triển nông nghiệp bền vững đang được triển khai tại tỉnh Đắk Lăk; cũng như các kiến nghị để có thể liên kết tốt hơn các nguồn lực của các bên khác nhau để thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã cùng tham gia chuyến tham quan và trao đổi thực địa tại Viện Nông lâm nghiệp Tây nguyên và Vườn nông dân Y Hưng thuộc Dự án Nescafe Plan tại Buôn Pu Hue, Xã Ea Ktur, Huyện Cư Kuin, Tỉnh Đăk Lăk.