Theo công bố của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE), trong tháng 11/2024, công ty ghi nhận sản lượng sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.497 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng nông sản thành phẩm giảm tới 59%, còn 42 tấn.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.648 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm giảm 16%, còn 95 tấn.
Kết quả, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 13,38 triệu USD doanh số chung trong tháng 11/2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh số chung của công ty đạt 228 triệu USD, vượt 9% kế hoạch cả năm nay.
Hoạt động kinh doanh mảng tôm của Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhu cầu về thủy sản nói chung và tôm nói riêng của các thị trường quốc tế đang dần hồi phục. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 11/2024 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, một số hãng chứng khoán ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm nay của nước ta có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng phán quyết của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) vào ngày 5/12 về vụ kiến chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam sẽ thuận lợi cho ngành tôm Việt Nam nói chung, công ty nói riêng.
Theo đó, nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Hoa Kỳ, mức thuế 2,84% sẽ được áp dụng chính thức, trở thành một rào cản không nhỏ cho sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường này. Ngược lại, nếu ITC cho rằng mức trợ cấp này không ảnh hưởng đáng kể tới ngành tôm Hoa Kỳ thì vụ kiện sẽ bị hủy bỏ.
Trong tiến trình diễn biến, các lô tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ đầu tháng 4/2024 đến đầu tháng 7/2024 đã tạm nộp khoản thuế trên cho Hải quan Hoa Kỳ. Các lô hàng từ 1/7/2024 hiện chưa cần nộp thuế theo quy định từ phía Hoa Kỳ và các doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm Thực phẩm Sao Ta đã trích dự phòng trên sổ sách các khoản tiền này để giảm thiểu rủi ro.
“Khoảng chục năm trước, ngành tôm Việt Nam cũng từng bị kiện tương tự nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện. Với lần này, nếu phán quyết cuối cùng thuận thì các doanh nghiệp tôm Việt Nam bán hàng vào Hoa Kỳ sẽ hết sức phấn khởi vì thị trường này vẫn còn cơ hội và tiềm năng thâm nhập và mở rộng và các doanh nghiệp sẽ được phía Hải quan Hoa Kỳ trả lại phần tiền tạm nộp cho các lô hàng bán vào đây ở quý 2/2024 và khoản tiền trích dự phòng trên sổ sách sẽ chuyển thành khoản thu lãi”, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta chia sẻ.
Đối với Thực phẩm Sao Ta, theo ước tính của ban lãnh đạo công ty thì công ty có thể thu về ít nhất 40 tỷ đồng cho khoản dự phòng thuế, qua đó đóng góp trực tiếp vào kết quả kinh doanh năm nay.