Thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon: Nhiều bất cập, khó thực thi!

Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định, túi nilon là 1 trong 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế với mức thu từ 30 – 50 nghìn đồng/kg. Sau gần 3 tháng thực hiện, Luật


THỰC TIỄN BẤT CẬP

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, hầu hết các chủ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đều cho rằng, việc ban hành và thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là cần thiết, nhưng các quy định trong Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ và Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính, đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất, nhập khẩu Trường Giang (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết, các quy định trong các văn bản dưới luật đối với các sản phẩm túi nilon quá chung chung, nên Trường Giang không nắm rõ dòng sản phẩm nào của đơn vị phải chịu thuế, dòng nào không. Trong khi, mức áp thuế đối với tất cả các sản phẩm của DN phải chịu thuế suất 40.000 đồng/kg thành phẩm. Ngày 20/2/2012, công ty đã gửi công văn đến Chi cục Thuế huyện Thanh Trì để hỏi lại cho rõ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

Công ty Trường Giang chuyên sản xuất sản phẩm túi nilon và màng nhựa PE, PP, HDPE, BOPP cung cấp cho các DN ngành dệt may, da giày, thủy sản, bánh kẹo… Theo ông Thắng, thời điểm hiện tại, giá hạt nhựa nguyên liệu chỉ giao động khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi thuế môi trường đối với sản phẩm thành phẩm là 40.000 đồng/kg, đã làm giá thành sản phẩm tăng gấp đôi. Khó khăn của năm 2011 cộng thêm mức thuế những tháng đầu năm 2012, khiến Trường Giang đã phải cắt giảm hơn 50% số lao động thường xuyên.

Cùng cảnh, ông Nguyễn Duy Điền, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phát (Văn Giang-Hưng Yên), cho hay, từ cuối năm 2011 đến nay, Thuận phát phải sản xuất cầm chừng và bán hàng tồn kho từ năm trước để đợi hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường Hưng Yên và Chi cục Thuế huyện Văn Giang.

“Thực tế, với mức thuế hiện nay, các DN đối tác đang tìm mọi cách “né” khoản nộp này” - ôâng Nguyễn Duy Điền, “bật mí” với phóng viên Báo Công Thương. Khảo sát tại nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn TP.Hà Nội, thuế cao thì mặc thuế cao, việc sử dụng túi nilon hầu như không giảm. Ông Điền cho biết thêm: “Đã có những đối tác yêu cầu Thuận Phát “lách” thuế bằng cách thay đổi tên đơn hàng trên hóa đơn, thậm chí không cần xuất hóa đơn khi mua hàng”.

VƯỚNG VĂN BẢN

Ngày 20/12/2011, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã có công văn 50/CV-HHNVN lên tiếng về việc bị áp thuế lên tất cả các bao bì nhựa khiến nhiều DN khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Theo VPA, nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm túi nilon đã lựa chọn sản phẩm khác, hoặc tìm nguồn khác từ nhập khẩu và thậm chí cắt đơn hàng với DN sản xuất.

3 hiệp hội: Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP); Dệt may Việt Nam (VITAS) và Da giày Việt Nam (LEFASO), đã khẩn cấp gửi công văn tới các cơ quan chức năng kiến nghị, xem xét lại việc áp dụng quy định thu thuế BVMT đối với bao bì nilon.

Theo tính toán của VITAS, LEFASO và VASEP, khoản chi phí cho bao bì túi PE, PA trong giá thành sản phẩm của họ chiếm lần lượt 5%; 1,5 – 2% và khoảng 0,1 USD/kg sản phẩm thủy sản. Từ khi Luật Thuế BVMT có hiệu lực đã làm chi phí bao gói tăng từ 30% đến 50%. Hiện, các chi phí khác tiếp tục xu hướng tăng giá, đã làm cho sản phẩm dệt may, da giày và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh.

Các quy định trong Nghị định 67/2011/NĐ-CP và Thông tư 152/2011/TT-BTC quá chung chung. Việc định nghĩa túi nilon bao gồm hầu hết ngành bao bì nhựa. Nhưng trong Luật Thuế BVMT lại giải thíchõ: “Túi nilon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp”.

VPA cho rằng, Luật Thuế BVMT hàm ý những túi dân gian gọi là túi xốp (T-Shirt Shopping bags) mọi người xách hàng hóa về từ chợ, siêu thị. Loại túi này làm từ HDPE+LLDPE từ mỏng đến siêu mỏng và thường chỉ sử dụng một lần. Trong khi đó, hầu hết các loại túi thuần LLDPE/LDPE không có quai xách (do bản chất mềm dẻo) và người ta không gọi túi LLDPE là túi xốp. Bản thân loại túi này có giá trị tái sinh cao hơn nhiều so với túi xốp.

Nghị định 67/2011/NĐ-CP và Thông tư 152/2011/TT-BTC quy định, túi nilon thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo VPA, Nghị định 67 và Thông tư 152 đã “đi quá xa so với tinh thần của Quốc hội và Luật Thuế BVMT” khi “đưa thêm hai thành phần nhựa LLDPE/LDPE vào”. VPA phân tích, 1kg túi LLDPE dùng xong, rửa qua và tạo hạt có giá từ 23.000-26.000 đồng/kg, tương đương 85% giá nhựa LLDPE chính phẩm. Trong khi túi LDPE sau công đoạn tương tự chỉ có giá từ 12.000-16.000 đồng/kg, chưa bằng 50% giá nhựa LDPE chính phẩm vì trong thành phần nhựa này có màu và rất nhiều taical - phụ gia được trộn vào trong quá trình sản xuất túi nilon xốp PP, PE.

Xuất phát từ những quy định thiếu rõ ràng này, nên “hầu hết các cán bộ thực hiện thu thuế môi trường không biết rõ thế nào là túi nhựa PE, PP hay BOPP hoặc nhựa khác, túi màng đơn hay màng ghép phức hợp PE nhiều lớp, túi làm từ màng ghép 2 lớp PE/PA, màng ghép 3 lớp BOPP/PET/PE hoặc túi làm từ màng ghép 5 lớp BOPP/PET/nhôm/PET/PE…

Như vậy dễ gây gian lận khi thực hiện thu thuế”. VPA kiến nghị, cần “trả mọi thứ về với tinh thần của Quốc hội và tinh thần chung của cả thế giới. Chỉ nên hạn chế túi xốp mỏng như quy định trong Luật Thuế BVMT”.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Duy Điền phân tích: “Nếu nói về khả năng tự phân hủy thì màng ghép hay phức hợp (từ 2 lớp trở lên) khó phân hủy và cũng khó tái chế hơn rất nhiều so với màng đơn. Tuy nhiên, Luật lại chỉ quy định đánh thuế đối với sản phẩm túi nhựa màng đơn là không thỏa đáng”. Vì vậy, cần phải có quy định rõ ràng thế nào là túi nilon “đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường”.

Theo Điểm 2.4, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 152 quy định về đối tượng không chịu thuế: Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT để xuất khẩu. Theo ông Vũ Văn Thắng, quy định như vậy, nếu các DN, cơ sở, cá nhân sản xuất túi nilon thuộc diện chịu thuế nhưng trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu ra nước ngoài mà không tiêu thụ trong nước thì không phải nộp thuế BVMT.

Ngày 30/1/2012, Bộ Tài chính có công văn 1199/BTC-TCT hướng dẫn thực hiện Thông tư 152, khẳng định: Các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế BVMT. Nhưng đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu (thủy sản, dệt may, da giày...) thì túi PE, PA là loại vật tư không thể thiếu. Với quy định này, thì chỉ túi nilon nhập khẩu để bao gói hàng xuất khẩu mới được xếp vào đối tượng không chịu thuế BVMT. Còn túi nilon mua trong nước để bao gói hàng xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước, không ảnh hưởng tới môi trường Việt Nam hoặc có thể xem như hàng hóa xuất khẩu vẫn phải chịu thuế sẽ trở thành nghịch lý.

KIẾN NGHỊ TẠM DỪNG ÁP DỤNG LUẬT

Trước những vướng mắc, khó thực thi Luật Thuế BVMT, các hiệp hội, ngành hàng và DN liên quan đã kiến nghị tạm ngừng áp dụng Luật Thuế BVMT đối với "túi nilon thuộc diện chịu thuế" từ thời điểm này (cuối tháng 3) cho đến khi có văn bản hướng dẫn điều chỉnh cụ thể.

Các hiệp hội DN cũng đề nghị Bộ Tài Chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, rà soát sớm ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể những quy định để làm rõ về đối tượng túi nilon thuộc diện chịu thuế, định nghĩa bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, quy định tiêu chuẩn đối với túi nilon chịu thuế, túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường, giúp các DN có kế hoạch điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với năng lực và đảm bảo được sự ổn định và cạnh tranh của DN
  Bà Đặng Phương Dung - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may

Không nên xếp nilon gói hàng dệt may xuất khẩu vào đối tượng chịu thuế 

Trong sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, bao bì, túi PE, PA các loại là vật tư không thể thiếu.

Khoản chi phí này trong giá thành sản phẩm dệt may chiếm tới 5%, khoảng 600 triệu USD/năm toàn ngành dệt may.

Về nguyên tắc, túi PE sử dụng ở DN dệt may là vật liệu bao gói không được xem là hàng hóa xuất khẩu để hưởng quy chế miễn thuế BVMT. Nhưng xét về bản chất có thể xem là hàng hóa xuất khẩu đi kèm sản phẩm do tính đồng nhất trong quy cách đóng gói và khi xuất khẩu sản phẩm phải có túi PE, PA để chứa đựng và chưa thể thay thế bằng các loại bao bì làm bằng vật liệu khác do yêu cầu trang trí, vệ sinh đối với sản phẩm dệt may. Vì vậy, đối với bao bì túi nilon (cả mua trong nước và nhập khẩu) phục vụ đóng gói hàng dệt may xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới môi trường Việt Nam, có thể xem như hàng hóa xuất khẩu, thuộc đối tượng được miễn thuế BVMT theo quy định.

Để hỗ trợ DN dệt may giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, VITAS đề nghị, xem xét cho phép xếp bao bì nilon bao gói hàng dệt may xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế BVMT.

Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Không thể chỉ nghe phản ánh một chiều!

Thông thường, sau khi Luật được ban hành sẽ giao cho Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng không phải là giao cho Chính phủ ban hành văn bản dẫn thi hành toàn bộ luật mà chỉ một hoặc một số điều, khoản đã quy định trong luật. 

Với Luật Thuế BVMT, cụ thể là các quy định liên quan đến đối tượng chịu thuế 
là túi, bao bì nilon sẽ thực hiện tương tự các quy định trên. Tuy nhiên, khi ban hành các văn bản dưới luật, có thể các cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu kỹ, chưa đánh giá hết tác động đối với DN sản xuất, kinh doanh, dẫn đến những phàn nàn của các DN trong và ngoài ngành nhựa như vừa qua. Với ý kiến cho rằng Nghị định 67/2011/NĐ-CP và Thông tư 152/2011/TT-BTC đã “đi quá xa tinh thần của Luật Thuế BVMT”, gây khó khăn cho DN và kiến nghị tạm dừng thực thi Luật, tôi cho rằng, chúng ta không thể chỉ nghe phản ánh một chiều. Lúc này, các cơ quan quản lý cần thu thập thông tin, rà soát, đánh giá một cách cụ thể, toàn diện các ý kiến của DN và đối chiếu với Luật, các văn bản dưới luật liên quan để có giải pháp tháo gỡ