Năm 2018, thị trường hàng hóa thế giới bị tác động lớn bởi nhiều yếu tố, từ những thay đổi kinh tế vĩ mô tại nhiều nền kinh tế, xung đột thương mại, sự tăng giá của đồng đô la Mỹ và sức ảnh hưởng của công nghệ đến các chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa trên toàn cầu.
Căng thẳng thương mại gia tăng kể từ đầu năm 2018, đáng chú ý là việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ một số quốc gia và các hành động đối ứng của các nước bị ảnh hưởng, đã có tác động lớn đến thị trường hàng hóa. Hơn nữa, việc các nước đàm phán lại các thỏa thương mại và đầu tư, tại khu vực Bắc Mỹ hay xung quanh chiến lược Vành đai - Con đường của Trung Quốc cũng làm thay đổi cung - cầu hàng hóa trên phạm vi rộng.
Giá hàng hóa thế giới trong xu hướng tăng so với dự báo đầu năm
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới, giá năng lượng tăng 3% trong quí 3/2018 so với quí 2/2018 nhưng tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2017 do giá dầu, than đá và khí ga tự nhiên đều tăng. Sau khi đạt mức đỉnh 4 năm vào đầu tháng 10/2018, đến tháng 11/2018, giá dầu đã giảm do nguồn cung tăng. Tính cả năm 2018, giá trung bình ước tăng 30% so với năm 2017 (cao hơn so với mức dự báo 13% được Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 4 năm 2018).
Các lực đẩy đối với giá dầu bao gồm tác động của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu dầu của Iran, sự suy giảm sản xuất ở Venezuela và các thành viên OPEC khác không mở rộng sản xuất. Giá có thể sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2019 nhưng sau đó giảm do sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng trở lại. Theo dự báo của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm 2019 sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 12,06 triệu thùng/ngày, tăng 1,18 triệu thùng so với năm trước đó. Mức tăng này được điều chỉnh lên so với dự báo trước đó là 1,16 triệu thùng/ngày.
Sau khi tăng mạnh trong năm 2018, giá khí đốt và than đá dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2019, chủ yếu do cải thiện ở phía cung.
Trong khi đó, các mặt hàng phi năng lượng ước chỉ tăng dưới 2% trong năm 2018 và tăng 1% vào năm 2019. Thị trường các mặt hàng phi năng lượng sẽ chịu tác động lớn nhất bởi các vấn đề liên quan đến chính sách, đặc biệt là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tác động của thuế quan hoặc biện pháp trừng phạt thương mại từ một quốc gia trong trung hạn sẽ không lớn bởi các nhà sản xuất và kinh doanh sẽ có xu hướng tìm kiếm các thị trường mới.
Giá kim loại trung bình của thế giới ước tăng 5% trong năm 2018 và tăng nhẹ năm 2019, thấp hơn so với dự báo trước đây. Các yếu tố chính làm giảm giá bao gồm căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tăng trưởng toàn cầu yếu hơn. Ngược lại các yếu tố làm tăng giá bao gồm nhu cầu mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc do chính sách kích cầu để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ bên ngoài trong khi hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường.
Giá nông sản có mức trung bình năm 2018 tương đương với năm 2017, được dự báo sẽ tăng gần 2% trong năm 2019 khi chi phí đầu vào (bao gồm cả năng lượng và phân bón). Theo đó, giá năng lượng, phân bón tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Một số nước khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học có thể làm tăng nhu cầu đối với các loại cây trồng được dùng để sản xuất năng lượng, đặc biệt là ngũ cốc và hạt có dầu.
Những thay đổi ở phía cầu
Trong 20 năm qua, cầu về hàng hóa đã tăng mạnh, do tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, làm thay đổi căn bản cấu trúc của thị trường hàng hóa toàn cầu. Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào các ngành ít thâm dụng lao động hơn; đồng thời thu nhập của người dân cao hơn kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp hơn, danh mục hàng hóa tiêu thụ cũng đa dạng hơn.
Trong năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc chững lại do tác động bởi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, xu hướng chuyển hoạt động sản xuất, đầu tư ra khỏi Trung Quốc của một số nhà đầu tư quốc tế và Trung Quốc. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi khác, với một số vấn đề của chính họ, chưa thể lấp đầy khoảng trống này, nên tăng trưởng nhu cầu hàng hóa toàn cầu chậm lại.
Sang năm 2019, thị trường sẽ vẫn có những dấu hiệu tích cực ở phía cầu. Công nghệ phát triển giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn và tiện lợi hơn trong tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn. Một số nước đã có chính sách kích cầu nội địa trở lại. Tuy nhiên, cầu sẽ không thể phục hồi nếu áp lực thuế quan tạo ra gánh nặng chi phí lớn qua nhiều tầng nấc và cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều không thể cân đối được thu nhập để duy trì hoặc tăng chi tiêu.
Tác động của thuế quan lên thị trường hàng hóa thế giới
Việc Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ một số đối tác thương mại và các hành động đối ứng của các quốc gia bị ảnh hưởng đã có tác động lớn đến thị trường hàng hóa thế giới.
Tác động của thuế quan phụ thuộc vào việc được áp dụng trên một hàng hóa cụ thể hay áp đặt cho một loạt các sản phẩm từ một hoặc một số quốc gia… Thuế quan đặc thù đối với một số hàng hóa nhất định dẫn đến chênh lệch giá và làm thay đổi dòng thương mại hàng hóa đó giữa các quốc gia.
Trong khi đó, thuế quan được áp dụng trên phạm vi rộng hơn không chỉ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa quốc tế thông qua tác động của chúng đến thương mại mà còn tác động đến các chỉ số về niềm tin kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng trên toàn cầu, tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế.
Thuế quan đối với một hoặc một nhóm hàng hóa cụ thể
Loại thuế này làm tăng giá trong nước của hàng hóa bị ảnh hưởng so với giá toàn cầu. Điều này có thể làm giảm thương mại hàng hóa và thay đổi mô hình thương mại đối với các quốc gia và hàng hóa không chịu thuế. Họ cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong sản xuất hàng hóa bị ảnh hưởng, cũng như hàng hóa thay thế.
Những tác động này có thể khác nhau tùy thuộc vào việc áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ một quốc gia (ví dụ: nhập khẩu đậu nành từ Trung Quốc từ Hoa Kỳ) hoặc sang nhiều quốc gia (ví dụ: nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ từ Canada, EU, Trung Quốc…). Tác động của thuế quan cũng phụ thuộc vào cung và cầu của loại hàng hóa này trên thị trường toàn cầu, và trên độ co giãn tương đối của cầu đối với giá, cũng như của giá với thu nhập.
Việc Trung Quốc áp đặt mức thuế 25% đối với nhập khẩu đậu nành của Hoa Kỳ-như một biện pháp trả đũa đối với thuế quan mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc, đã góp phần làm thay đổi đáng kể giá cả và dòng chảy thương mại. Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất trên thế giới, phần lớn được nhập khẩu. Trong một thời gian dài, mặt hàng này được nhập khẩu chủ yếu từ Brazil và Hoa Kỳ (khoảng 40% từ mỗi nước). Kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, giá đậu tương của Hoa Kỳ đã giảm đáng kể, vì người mua Trung Quốc đã tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Do đó, giá đậu nành ở Brazil đã tăng lên, phản ánh nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Đổi lại, các quốc gia thường mua đậu nành từ Brazil, như Liên minh châu Âu, đã tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Nhập khẩu đậu nành từ Hoa Kỳ vào EU tăng hơn 280% trong tháng 7 năm 2018 so với cùng kỳ năm trước. Tổng hợp một số ước tính cho thấy tổng xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ có thể giảm khoảng một phần tư trong vòng ba đến năm năm tới và các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ buộc phải tìm kiếm các thị trường khác. Ngược lại, xuất khẩu đậu nành của Brazil dự kiến sẽ tăng 15%, do nhu cầu lớn hơn từ Trung Quốc.
Thuế quan trên diện rộng đối với nhiều loại hàng hóa
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn làm tăng quan ngại về tăng trưởng toàn cầu, triển vọng thương mại và đầu tư, và do đó làm giảm nhu cầu đối với một loạt các mặt hàng. Thuế quan có thể làm giảm thương mại song phương, sau đó ảnh hưởng lan rộng ra, thậm chí gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động của thuế quan trên diện rộng có thể được thấy rõ thông qua diễn biến giá của các mặt hàng cơ bản trên thị trường sau khi Hoa Kỳ thông báo sẽ áp thuế trên diện rộng đối với 34 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2018. Giá kim loại đã giảm 14% kể từ tháng 6 và giá nông sản giảm 7%. Kim loại công nghiệp đặc biệt phản ứng với những lo ngại về căng thẳng thương mại, một số kim loại, chẳng hạn như niken, giảm giá hơn 20%.
Tác động của thuế quan của Hoa Kỳ đối với nhập khẩu nhôm và thép: Trái ngược với tác động của thuế quan đối với một mặt hàng từ một quốc gia, thuế quan áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia có thể có tác động toàn cầu và lâu dài. Sau khi Hoa Kỳ công bố thuế nhập khẩu thép và nhôm vào tháng 3/2018, giá của các kim loại này ở Hoa Kỳ so với các nước khác tăng mạnh, gây ra áp lực lớn cho chính các nhà nhập khẩu và người sử dụng nhôm, thép tại Hoa Kỳ. Giá thép của Hoa Kỳ đã tăng hơn khoảng 25% so với giá thép tại Vương quốc Anh kể từ đầu năm 2018 và chênh lệch giá nhôm Hoa Kỳ so với mức chuẩn của Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn tăng 11 điểm phần trăm. Mặc dù điều này có thể giúp khuyến khích sản xuất trong nước, chi phí mà người tiêu dùng phải chịu thêm có thể dẫn đến tổn thất phúc lợi chung cho Hoa Kỳ.
Tóm lại nếu các biện pháp hạn chế thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục tăng, có thể sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể và tăng chi phí thương mại và làm giảm hiệu quả của các chuỗi cung ứng toàn cầu.