Tại buổi làm việc này, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC – sàn: UpCOM) cho biết, Thủy sản Minh Phú dự kiến hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO), các đơn vị khoa học Việt Nam và các đối tác của Tập đoàn để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tôm Việt Nam trên diện tích 50 ha.
Trung tâm này sẽ có hệ thống phòng thí nghiệm, các khu nuôi thử nghiệm và cơ sở đào tạo nghề cho người nuôi tôm. Đây sẽ là nơi Thủy sản Minh Phú hợp tác với CSIRO và các đối tác khác xây dựng, thử nghiệm và chuyển giao các quy trình nuôi tôm thương phẩm có hiệu quả kinh tế, tính bền vững cao, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hệ thống nuôi tôm thử nghiệm của Trung tâm sẽ giúp Thủy sản Minh Phú đánh giá khả năng phát triển, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường trên các dòng tôm bản địa Việt Nam (sú, đất, bạc thẻ) trong chương trình gia hóa, chọn giống tôm giai đoạn 2023 – 2053.
Bên cạnh đó, Thủy sản Minh Phú cũng có kế hoạch xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao quy mô khoảng 300 ha tại huyện Bình Đại (Bến Tre) và một Nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh Bến Tre để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủy sản Minh Phú hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc trong chuỗi giá trị tôm khép kín. Về phía CSIRO, được thành lập từ năm 1916, đây là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất của Chính phủ Úc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh Bến Tre rất sẵn sàng tạo điều kiện để Thủy sản Minh Phú và các đối tác thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu tôm Việt Nam.
Đối với đề xuất đầu tư dự án đầu tư 300 ha nuôi tôm công nghệ cao và xây dựng nhà máy chế biến tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đồng tình với đề xuất của Thủy sản Minh Phú và cho biết hoạt động đầu tư có thể được triển khai dưới hình thức liên kết, hợp tác thuê đất dài hạn của những hộ dân trong vùng dự án.
"Dự án 300 ha nuôi tôm công nghệ cao là mô hình rất tiêu biểu trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu. Do đó địa phương sẽ tập trung hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thực hiện thành công dự án, tạo sự lan tỏa về tính hiệu quả, giúp ổn định phát triển kinh tế địa phương", Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Thủy sản Minh Phú, hiện nay giá tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguyên nhân chính là vì tỉ lệ nuôi thành công ở Việt Nam còn thấp, dưới 40%. Một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất, sản lượng tôm nuôi tại Việt Nam đạt thấp là do chất lượng con giống chưa đồng đều, chưa có con giống kháng bệnh.
Do vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất tôm giống chất lượng cao, khép kín chuỗi sản xuất cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng xuất khẩu tôm Việt Nam.
Một trong những chiến lược kinh doanh trọng tâm của Thuỷ sản Minh Phú hiện là phấn đấu đến năm 2030 giá tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ bằng với giá của Ấn Độ và đến năm 2035 sẽ bằng với giá của Ecuador.
Tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Bên cạnh đó, Thủy sản Minh Phú dự kiến và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ và Ecuador.