Theo tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV) lên kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Đáng chú ý, mức lãi sau thuế được doanh nghiệp này đặt mục tiêu lên đến 306 tỷ đồng, cao gấp 8 lần năm trước.
Trong năm ngoái, Thuỷ sản Nam Việt chỉ ghi nhận 39 tỷ đồng lãi ròng, giảm 94% so với năm 2022 và chạm mức thấp nhất trong 7 năm. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này chỉ hoàn thành 20,9% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Thuỷ sản Nam Việt từng cho biết mặc dù đơn hàng về công ty khá tốt nhưng lợi nhuận gần như không có do giá thành đầu ra đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt trong khi chi phí đầu vào neo cao.
Cụ thể, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và các xung đột địa chính trị phức tạp tại Trung Đông đã khiến chi phí vận tải biển tăng vọt, đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi cá tra, qua đó khiến giá thành cá nguyên liệu tăng.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm ảnh hưởng đến kinh tế nước này và toàn cầu, khiến giao thương của các nước giảm sút, thị trường xuất khẩu đối với cá tra gặp nhiều khó khăn. Một số thị trường tăng cường áp dụng các hàng rao phi thuế quan để hạn chế và thắt chặt kiểm soát hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, việc các loại cá thịt trắng khác như các minh thái, cá tuyết giảm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng tiêu thụ và giá cá tra trên thị trường.
“Dù lợi nhuận giảm, công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động, bảo vệ công ty trước tác động bên ngoài, chờ kinh tế phục hồi, từ đó trở thành điểm mạnh để chiến đấu”, Tổng giám đốc Thuỷ sản Nam Việt nhấn mạnh.
Thuỷ sản Nam Việt cũng cho biết, trong năm 2023, công ty đã đạt mục tiêu đảm bảo tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tạo lập chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng thuỷ sản, và chế biến thuỷ sản.
Trong đó, Thuỷ sản Nam Việt đang vận hành 10 lines nhà máy thức ăn với công suất hơn 1.000 tấn thành phẩm/ngày, và 14 vùng nuôi với tổng diện tích mặt nước đạt 152 ha, gần 600 ha vùng nuôi của Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt - Bình Phú và 4 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ngày.
Đáng chú ý, vùng nuôi của Thuỷ sản Nam Việt tập trung chủ yếu ở tỉnh An Giang – khu vực không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trong nhiều thập niên qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng nguồn cá nguyên liệu.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Thuỷ sản Nam Việt sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay khi doanh nghiệp này đã mở rộng thành công thêm tệp khách hàng mới cũng như phát triển sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, ban lãnh đạo Thuỷ sản Nam Việt chia sẻ, tiến độ phát triển thị trường hiện tương đối khả quan nhờ công ty hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn, và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Tập khách hàng của Thuỷ sản Nam Việt chủ yếu là khách hàng sẵn có của 2 doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu sang Mỹ là Biển Đông và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) nhưng có nhu cầu đa dạng hóa 1 phần nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn.
Về Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Hội đồng Quản trị Thuỷ sản Nam Việt đã thống nhất việc gia hạn tổ chức, chậm nhất đến ngày 30/06, do công tác tổ chức chưa hoàn tất và cần có thêm thời gian để chuẩn bị chu đáo tài liệu.