Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã có một số động thái siết chặt lệnh cấm nhập khẩu cá minh thái xuất xứ từ Nga. Cụ thể, trong tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đã công bố Sắc lệnh 14068 (E.O 14068) nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản có xuất xứ từ Nga. Tuy nhiên, sắc lệnh này không nêu rõ cấm nhập khẩu các sản phẩm từ quốc gia thứ 3 sử dụng thuỷ sản Nga làm nguyên liệu chế biến.
Đến tháng 12/2023, Chính phủ Mỹ đã ban hành thêm một Sắc lệnh mở rộng phạm vi EO 14068 với việc mở rộng định nghĩa “xuất xứ từ Nga”, cấm tất cả các sản phẩm đã được chế biến và xuất khẩu từ nước thứ 3 mà có sử dụng nguyên liệu thuỷ sản từ Nga. Đồng thời, nhấn mạnh các sản phẩm thuỷ sản bị cấm bao gồm: cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, và cua.
Chính phủ Mỹ cũng chỉ cho phép các đơn hàng đã đặt hàng trước ngày 22/12/2023 sẽ được phép thông quan vào Mỹ trước ngày 31/5/2024.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá việc Chính phủ Mỹ mở rộng E.O 14068 sẽ “tái lập lại một trật tự mới” trên thị trường thuỷ sản thế giới, ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Trung Quốc vốn sử dụng nhiều nguyên liệu từ Nga. Việc thị trường thuỷ sản Mỹ xuất hiện khoảng trống lớn, do nguồn cung từ Nga và Trung Quốc bị thu hẹp.
Theo đánh giá của chuyên trang tin thuỷ sản Undercurrent News (Anh), việc mở rộng lệnh cấm có thể khiến nước Mỹ thiếu hụt khoảng 55.000 - 57.000 tấn cá tuyết thành phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng cá tra của Việt Nam vốn được coi là mặt hàng thay thế cho cá minh thái và cá tuyết.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Circana (Mỹ), cá tra hiện nằm trong top 5 loại thủy sản đông lạnh được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, nguồn cung lớn nhất đến từ Việt Nam (chiếm 84% thị phần). Do đó, với việc lượng hàng tồn kho thuỷ sản tại Mỹ đã hạ nhiệt kể từ nửa cuối năm 2023 kết hợp với lệnh cấm hải sản từ Nga, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ dự kiến sẽ sớm hồi phục tích cực.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC), doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng cá tra cho tới hết nửa đầu năm nay và dự kiến nhu cầu sẽ tăng mạnh khi bước vào giai đoạn nửa cuối năm.
Thuỷ sản Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Thị trường Mỹ cũng là thị trường lớn nhất, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, giá cá tra của Việt Nam còn được thúc đẩy từ việc thiếu hụt nguồn cung. Giá cá thấp kéo dài trong năm ngoái cùng với xuất khẩu hồi phục chậm đã khiến nhiều hộ nông dân hạn chế thả nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên vật nuôi và thời tiết bất lợi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến tỷ lệ hao hụt cá giống tăng lên, tác động tiêu cực đến nguồn cung cá giống.
Dựa theo chu kỳ nuôi cá tra hiện nay, một số tổ chức tài chính đánh giá, nguồn cung cá tra Việt Nam sẽ ở mức thấp trong cả năm nay, trước khi hồi phục dần từ những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam còn hưởng lợi từ việc giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt. Kể từ sau dịp tết Nguyên đán đến nay, một số nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn như Việt Thắng, USFEED, Proconco… tiếp tục thông báo giảm giá, tiếp tục đà giảm từ quý 3/2023 tới nay. Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm khoảng 75% chi phí chăn nuôi thuỷ sản.