Hoàn thành mục tiêu và hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020
Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước nói chung, các tập đoàn kinh tế nói riêng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, cùng với yêu cầu về đảm bảo điện cho đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, EVN còn thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, đổi mới, cổ phần hóa… doanh nghiệp theo lộ trình Chính phủ giao.
Trong 5 năm qua, Đảng ủy Tập đoàn và các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong Tập đoàn hoàn thành mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II đề ra, đó là: Đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Về các chỉ tiêu Đại hội, có 03/03 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TW và Nghị quyết Đảng bộ Tập đoàn đề ra, cụ thể:
(i) Số tổ chức đảng trực thuộc hằng năm đều đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đảm bảo theo quy định của Trung ương, không có tổ chức đảng trực thuộc yếu kém;
(ii) Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt trên 93%;
(iii) Tính đến hết Quý 1 năm 2020, toàn Đảng bộ đã kết nạp hơn 774 đảng viên, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (600 đảng viên).
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, có 06 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức:
(i) Tỷ lệ tổn thất điện năng hằng năm đều giảm, đến cuối năm 2019, giảm còn 6,49%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, vượt trước 01 năm so với kế hoạch Chính phủ giao;
(ii) Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết;
(iii) Đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo đến nay 100% số xã trên cả nước có điện, 99,25% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và hoàn thành sớm Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện);
(iv) Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,4%/năm và
(v) Sản lượng điện thương phẩm bình quân/CBCNV đến cuối năm 2020 đạt 2,6 triệu kWh/người, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 2,5 triệu kWh/người;
(vi) Hoàn thành, đưa vào vận hành 20 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.093 MW, trong đó dự án TĐ Lai Châu đã hoàn thành vượt trước 1 năm so với Qui hoạch; hoàn thành và vượt tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam, như NĐ Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, NĐ Duyên Hải 3.
Trong 5 năm qua, Tập đoàn đã đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, kinh tế, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 59.210MW, trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ Tập đoàn và các Tổng Công ty Phát điện sở hữu, chi phối là 29.970MW (chiếm 50,6% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống).
Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 dự kiến đạt 227,99 tỷ kWh, tăng 8,7% so năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm đạt 9,67%/năm. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 2.320 kWh/người, gấp gần 1,5 lần so với năm 2015.
Hoạt động điều hành hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế; huy động hợp lý các nguồn điện, trong đó các nhà máy thủy điện đã đảm bảo phát điện, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và sinh hoạt của nhân dân.
Công tác dịch vụ khách hàng chuyển biến vượt bậc, đã cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4. Các dịch vụ về điện tiếp tục phát triển và đa dạng hóa hình thức cung cấp nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch đã được ghi nhận và phản ánh khách quan thông qua điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng ngày càng cao.
Việc chú trọng ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, nên cuối năm 2018, Tập đoàn đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, đến cuối năm 2019 đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tại 63/63 tỉnh/thành phố. Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp từ EVN là 28,03 triệu khách hàng, tăng gần 20% so với năm 2015.
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 4 năm, giai đoạn 2016-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển
Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng, Chính phủ xác định là giai đoạn quan trọng nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
Ngành điện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia, trong đó đề ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng liên quan trực tiếp đến sự phát triển của ngành Điện.
Quá trình 65 năm xây dựng, phát triển của ngành Điện đã tạo được lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động có bản lĩnh chính trị, có tinh thần đoàn kết, có trình độ và ý thức chấp hành kỷ luật cao, là nguồn lực quan trọng để Tập đoàn tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tới, Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Việc hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, đồng nghĩa phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Thiên tai, địch hoạ, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường; tình hình thiếu điện, cấp điện rất căng thẳng cho miền Nam và cả nước, giá đầu vào đối với sản xuất điện tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tăng có thể dẫn đến lỗ do chênh lệch tỷ giá; việc chậm tiến độ của các nguồn điện ngoài EVN, thiếu vốn đầu tư và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo môi trường trong sản xuất điện… ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Từ bối cảnh đó, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi toàn Đảng bộ Tập đoàn phải nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm chính trị vượt bậc đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đảng, Chính phủ giao.
Mục tiêu của Đảng bộ Tập đoàn là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; giữ vai trò chính trong cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, EVN sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Đối với công tác xây dựng Đảng: Đại hội xác định 05 nhiệm vụ và giải pháp về công tác xây dựng Đảng trong, gồm: (i) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trên các mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức; (ii) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng; (iii) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (iv) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội; (v) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.
Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đại hội đã xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ tới với 8 nội dung chủ yếu gồm:
(i) Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với các Nghị quyết của Đảng;
(ii) Đảm bảo sản xuất, vận hành hiệu quả, tối ưu hệ thống điện và thực hiện thị trường điện theo lộ trình đã được duyệt;
(iii) Đầu tư nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước;
(iv) Tiếp tục đổi mới công tác kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng;
(v) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp hiện đại; Đảm bảo tình hình tài chính của EVN lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các doanh nghiệp khác
(vi)Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Tập đoàn; tích cực thực thi chính sách bảo vệ môi trường;
(vii) Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn; đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên;
(viii) Thực hiện tốt công tác truyền thông và quan hệ cộng đồng; thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; thực thi văn hóa doanh nghiệp, giữ gìn và phát triển thương hiệu EVN.
Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Tập đoàn là Đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và những bài học kinh nghiệm quý báu những nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và sự nỗ lực của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, CNVC trong Tập đoàn, Đảng bộ Tập đoàn sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, lãnh đạo Tập đoàn hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra.