Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Tại Ninh Thuận, hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Trong ngày, giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, cụ thể: gạo thường 10.000 đồng/kg; gạo Thơm Lài 12.000 - 13.000 đồng/kg; thịt lợn 130.000 - 160.000 đồng/kg tùy loại; thịt bò loại 1: 240.000 - 250.000 đồng/kg; thịt gà ta: 90.000-100.000 đồng/kg.
Các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, nước rửa tay khô được các cơ sở kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán ra với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng sử dụng.
Trong đó, khẩu trang vải kháng khuẩn do các Công ty dệt may đạt chuẩn cung cấp ra thị trường với giá 7.000-8.000 đồng/chiếc và bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân trên địa bàn.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã xử lý 16 vụ việc, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 59,6 triệu đồng.
Ngoài ra, các Đội Quản lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền, vận động 430 cơ sở ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận tiếp tục yêu cầu các Đội chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế, xăng dầu, hàng tiêu dùng... để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Cùng với đó, tiếp tục bố trí lực lượng tổ chức trực đường dây nóng 24/7 tiếp nhận xử lý kịp thời các phản ánh của nhân dân và thông tin đường dây nóng về các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua gom hàng hóa, định giá bán hàng bất hợp lý với mục đích trục lợi đối với các mặt hàng vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu khác.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục đôn đốc lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.
Trong ngày 13/5/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 22 vụ việc. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 13/5/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.041 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4.705 tỷ đồng.