Tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình: Từ nhận thức đến hành động

Trong khi nguồn điện sụt giảm đáng kể do thiếu nước tại các hồ thủy điện cùng nhiều nguyên nhân, thì tốc độ tiêu thụ điện năng của toàn xã hội lại tăng vào mùa hè và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh

Từ thay đổi nhận thức
Theo kết quả điều tra ở Việt Nam cho thấy lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Trung bình, mỗi người dân ở thành phố lớn chi khoảng 6-8 triệu đồng/năm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng... Cùng với sự tiêu thụ năng lượng này là lượng khí, rác thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.Thói quen của người dân dùng điện sinh hoạt,có thể nói là “xa xỉ”. Trong ý thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình hầu như đều cho rằng, người trả tiền cho một dịch vụ nào đó thì nghiễm nhiên là có quyền sử dụng dịch vụ. Từ cái nhìn cố hữu về sử dụng điện năng của đa số người này không những thế mà việc dùng xa xỉ như vậy đã và đang gây lãng phí năng lượng và góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Điều này cho thấy, việc tiết kiệm năng lương (TKNL) cần thực hiện ngay ở mỗi gia đình và phải trở thành ý thức tự giác của mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình. Vậy, làm thế nào để mỗi người dân hiểu rõ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), để từ đó, thay đổi cách nhìn cũng như hành động về sử dụng năng lượng. “Tôi chưa hề biết như thế nào về mục tiêu SDNLTK&HQ, qua đợt phát động “Hộ gia đình SDNLTK&HQ” của thành phố Hà Nội, tôi mới biết mình cần phải sử dụng tiết kiệm điện năng trong sinh hoạt gia đình...” chị Lê Thị Ngọc, tổ 47, cụm 5A, phường Hàng Bột cho biết suy nghĩ của mình ngay trong buổi lễ phát động. Trước thực tế như vậy, đòi hỏi phải đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ xuống các phường, xã, tổ dân phố, đưa chỉ tiêu TKNL, đây cũng là một trong các chỉ tiêu đánh giá Gia đình Văn hóa là rất cần thiết trong cộng đồng cư dân. 

Đến hành động

Trước nhận thức hạn chế về sử dụng điện năng của tầng lớp người dân thì các cấp, bộ ngành đã phối hợp tuyên truyền tới tổ dân phố, phường xã về SDNLTK&HQ. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh thì, để thoát khỏi nhóm các nước nghèo vào năm 2010 và phấn đấu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, nền kinh tế Việt Nam cần duy trì một tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 7-8%/năm. Vì vậy, nguồn năng lượng đáp ứng tăng trưởng nền kinh tế là vấn đề vô cùng quan trọng.
Xác định đối tượng hộ gia đình sẽ mang lại hiệu quả cho Chương trình, vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Cuộc vận động thí điểm phong trào “Hộ gia đình SDNLTK&HQ” trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2010, với thông điệp “SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ TRONG MỖI HỘ GIA ĐÌNH LÀ TIẾT KIỆM CHO CÁC BẠN HÔM NAY VÀ THẾ HỆ TƯƠNG LAI” được triển khai trên địa bàn 10 quận nội thành. Cùng hưởng ứng tham gia cuộc vận động, Hội LHPN TP. Hà Nội, đã vận động 90% trở lên các hộ gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu đi đầu trong việc đăng ký tham gia và thực hiện tốt các tiêu chí của cuộc vận động, vận động mỗi gia đình sử dụng ít nhất 3 trong 5 loại sản phẩm TKNL trong sinh hoạt gia đình... Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố cho biết, Hội sẽ tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ và các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, kỹ năng và ý thức tự giác SDNLTK&HQ trong sinh hoạt gia đình. Phối hợp thực hiện tốt việc bình chọn các gia đình SDNLTK&HQ tiêu biểu các cấp; tạo động lực thi đua của các gia đình tại cơ sở.
Ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng ban Tổ chức Cuộc vận động cho biết: Cuộc vận động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm thay đổi bắt đầu từ nhận thức của người dân. Từ việc xây dựng mô hình TKNL trong các hộ gia đình sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân nói riêng và cho đất nước nói chung, đồng thời sẽ thu hút các thế hệ trong gia đình, trong xã hội tích cực tham gia, thực hiện TKNL.
Chị Nguyễn Thị Yến - tổ 33 Lương Sử C cho biết, tổ dân phố họp tuyên truyền về TKNL và đưa tiêu chí TKNL lồng ghép vào với các tiêu chí gia đình văn hoá tôi mới biết đến Chương trình SDNLTK&HQ, gia đình đã thay bóng đèn compact ở một số vị trí trong nhà như bếp, nhà vệ sinh, cầu thang... và mọi người trong gia đình cũng đã có ý thức hơn, tắt điện khi không cần thiết.
Có thể nói, hành động của các cấp, ngành đã tạo bước đột phá chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể, thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả của người dân. Mỗi hành động TKNL của từng người dân, hộ gia đình, sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia