Tiểu thủ công nghiệp làng nghề Hải Dương – 5 năm nhìn lại

Gặt hái nhiều thành công Năm năm qua (2003 - 2008), sản xuất TTCN và làng nghề của Tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Số lượng làng có nghề tăng, quy mô nhiều làng nghề được

Nhiều làng nghề được công nhận đã tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư thiết bị, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giá trị sản xuất TTCN và làng nghề toàn Tỉnh có tốc độ tăng nhanh: Năm  2003 đạt 430,5 tỷ đồng, tăng 30,6%; năm 2004 đạt 625,5 tỷ đồng, tăng 45,3%; năm 2005 đạt 887,7 tỷ đồng, tăng 41,9% (3 năm 2003-2005 đạt 1.943,5 tỷ đồng, chiếm 7,3% GTSX công nghiệp toàn tỉnh). Giá trị sản xuất TTCN, làng nghề, từ năm 2006-2008 đạt 4.958,9 tỷ đồng, chiếm 10,23% giá trị SXCN toàn Tỉnh (năm 2006 đạt 1.265 tỷ đồng, tăng 42,5%; năm 2007 đạt 1.628,4 tỷ đồng, tăng 28,7%; năm 2008 ước đạt 2.065,5 tỷ đồng, tăng 26,8%). Bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất TTCN và làng nghề 5 năm (2003-2008) đạt 35,9%. Nhiều sản phẩm làng nghề đã nổi tiếng lâu nay, vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển như: gỗ Đông Giao, rượu Phú Lộc (huyện Cẩm Giàng); vàng bạc Châu Khê, gốm sứ Cậy, cơ khí Kẻ Sặt (huyện Bình Giang); mộc Cúc Bồ, bánh  gai Ninh Giang (huyện Ninh Giang); thêu Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ); giầy da Tam Lâm (huyện Gia Lộc); gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách); làng nghề làm chiếu cói, xã Thanh Hồng (huyện  Thanh Hà).v.v... Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: sản phẩm gốm sứ, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu, hành chiên, vải sấy khô, bánh đậu xanh.v.v... Sản xuất TTCN và làng nghề phát triển đã giải quyết việc làm cho 130.345 lao động, chiếm 13,9% tổng số lao động xã hội toàn tỉnh; bình quân mỗi năm thu hút thêm 10.680 lao động vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, tăng 14,2%/năm.

Bên cạnh cạnh việc khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống; các huyện, thành phố trong Tỉnh đã coi trọng việc du nhập, nhân cấy nghề mới, đặc biệt là đưa nghề vào các làng sản xuất thuần nông. Các chương trình khuyến công của trung ương và địa phương đã có tác dụng tích cực thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và người lao động trong việc đào tạo truyền nghề. Kết quả 5 năm, đã có 5.943 lao động được đào tạo nghề, trong đó riêng năm 2008 đã đào tạo được 1.480 lao động, bằng 24,9% tổng số lao động được đào tạo trong 5 năm. Các chương trình đào tạo đã tập trung chủ yếu vào các nghề trong làng nghề CN-TTCN như chế biến nông sản ở các huyện Nam Sách, Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Hà; mây tre đan ở Thanh Miện; ươm tơ ở Kinh Môn; thêu ren ở huyện Tứ Kỳ và huyện Ninh Giang, bước đầu phát triển mạnh. Một số làng nghề đã hình thành doanh nghiệp, HTX CN-TTCN nông thôn, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất TTCN.

Cùng với phát triển sản xuất TTCN - làng nghề, đến nay, các huyện, thành phố trong toàn Tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng được 33 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.429,6 ha và đã thu hút được 106 dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp nông thôn, làng nghề ngày càng phát triển.

Đạt được những kết quả nói trên là do cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, đã tích cực chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, HTX vào phát triển TTCN, làng nghề nông thôn. Nhờ đó, sản xuất TTCN, làng nghề những năm qua, đã góp phần tích cực vào việc thu hút lao động tại chỗ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phân công lại lao động trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH.

Và những giải pháp trong giai đoạn tới

Có thể thấy rất rõ là, hầu hết quy  mô của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề còn nhỏ bé, sản xuất phân tán, khó triển khai sản xuất quy mô lớn đáp ứng các đơn hàng lớn. Vốn đầu tư thấp, cơ cấu, chủng loại sản phẩm nghèo nàn, thiếu đa dạng; mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, chậm đổi mới, trong khi đó thì giá thành vẫn cao, từ đó ẫn đến cạnh tranh kém, tiêu thụ khó khăn. Một trong những hạn chế đáng quan tâm là công nghệ và thiết bị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề lạc hậu, chủ yếu là thủ công, năng suất thấp, cường độ lao động cao, thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Tính đến nay, đã có một số nghề truyền thống bị mai một, làng nghề bị thất truyền như Lược Vạc (Bình Giang); đẽo đá Kính Chủ (Kinh Môn); gốm Chu Đậu (Nam Sách); nón Mao Điền... Việc du nhập, dạy nghề, truyền các nghề mới, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, xã nghèo, làng thuần nông trong Tỉnh còn chậm, chủ yếu do khó khăn về kinh phí và thị trường tiêu thụ. Nói đến làng nghề và phát triển TTCN là nói đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Hải Dương cũng không là ngoại lệ. Tình trạng ô nhiễm môi trường khá phổ biến tại nhiều cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề, do nước thải, khí thải, rác thải, nhất là của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm, đồ uống, chất thải công nghiệp.v.v...nhưng chưa có biện pháp thu gom, phân loại, xử lý theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng dân cư. Để phát huy những thành quả đã đạt được trong 5 năm qua, UBND tỉnh Hải Dương đã đề ra một số biện pháp quan trọng.

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường" trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Tích cực phấn đấu để đạt các mục tiêu đã đề ra, tạo bước chuyển biến quan trọng trong phát triển TTCN và làng nghề trong Tỉnh. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân GTSX TTCN và làng nghề đạt 25%/năm trở lên. Trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng quy hoạch 300 điểm sản xuất TTCN, làng nghề, từng bước tập trung các cơ sở sản xuất trong làng nghề, tạo điều kiện bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; 100% số xã và hầu hết các làng, khu dân cư trong Tỉnh có nghề sản xuất TTCN, trong đó có 70 làng trở lên, được công nhận danh hiệu làng nghề theo tiêu chuẩn của Tỉnh; từ (2009-2010) bình quân mỗi năm thu hút 10.000-12.000 lao động vào sản xuất TTCN, làng nghề.

Phấn đấu đến năm 2010, Hải Dương sẽ có 15,31 vạn lao động tham gia sản xuất TTCN, làng nghề, chiếm 15,1% tổng số lao động toàn Tỉnh. Ngoài ra, Hải Dương đang tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất TTCN và làng nghề trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, gắn quy hoạch làng nghề với quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường... Trước mắt, mỗi huyện chọn 2-3 xã làm điểm về quy hoạch phát triển TTCN và làng nghề gắn với việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một nhiệm vụ quan trọng không kém của Hải Dương trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác khuyến công phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề theo Nghị định 134/2004/ NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ và Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012. Trong đó, tập trung kinh phí hàng năm (bao gồm: trung ương và địa phương) cho các đề án dạy nghề, truyền nghề, khôi phục nghề truyền thống; du nhập nghề mới, nhân cấy nghề mới vào các làng còn thuần nông; chuyển giao công nghệ; xúc tiến thương mại; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong khu vực công nghiệp nông thôn và làng nghề; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các nghệ nhân, tổ chức các lớp đào tạo nghề, trong đó ưu tiên lao động ở những địa bàn thuần nông hoặc những nơi diện tích canh tác bị thu hẹp, do thu hồi đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhằm đẩy nhanh tốc độ phủ nghề cho lao động ở nông thôn.