PV: Thưa ông, việc lựa chọn các sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng đến phát triển ngành công nghiệp của các địa phương và của đất nước. Với góc độ là nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, theo ông để chọn sản phẩm chủ lực cần dựa trên những tiêu chí nào?
TS. Phạm Ngọc Hải: Để lựa chọn các sản phẩm công nghiệp chủ lực cần căn cứ vào một số tiêu chí như sau: thứ nhất, đó là các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò quyết định đến sự phát triển của các ngành có liên quan và làm đầu tàu thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển; thứ hai, là các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và thân thiện với môi trường; thứ ba, là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp đi vào mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới, phù hợp với xu thế thời đại và có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai; thứ tư, là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp có điều kiện hội nhập và tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế; thứ năm, là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp phù hợp với năng lực và nguồn lực của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (từ nay đến năm 2020).
Như chúng ta đã biết, hiện nay các ngành công nghiệp vẫn phát triển theo bề rộng, có giá trị gia tăng còn thấp. Do đó, để nâng cao chất lượng tăng trưởng cần định hướng phát triển các ngành, các sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao và thuộc nhóm các ngành công nghiệp có vai trò quyết định, làm đầu tàu để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, chúng ta chưa thể có được những ngành chủ lực có giá trị gia tăng cao, vì nhóm ngành này đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao, mà chúng ta lại chưa đủ nguồn lực để đầu tư. Vì vậy, theo tôi nên có chiến lược dài hạn và xây dựng lộ trình cụ thể phát triển các ngành công nghiệp chủ lực trong giai đoạn tới nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, tiến tới đuổi kịp và ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
PV: Trong các tiêu chí trên, tiêu chí thứ năm là chọn các sản phẩm chủ lực thuộc các ngành công nghiệp phù hợp với năng lực và nguồn lực của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định. Được biết, hiện nay một số địa phương đang lúng túng khi lựa chọn sản phẩm chủ lực theo tiêu chí này, ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Phạm Ngọc Hải: Theo tôi, đối với các địa phương, trước khi lựa chọn và đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực cần xem xét đến các yếu tố sản phẩm đó có phù hợp với năng lực và nguồn lực của địa phương hay không và nên tập trung đầu tư trong một thời gian ngắn, hay lâu dài.
Tuỳ vào đặc thù của từng vùng, miền, các địa phương có thể lựa chọn các sản phẩm chủ lực cho phù hợp. Đối với các tỉnh, thành phố có tích lũy đầu tư cao, có ngành công nghiệp phát triển có thể lựa chọn các sản phẩm của Ngành Điện tử-Tin học là ngành công nghiệp áp dụng nhanh nhất các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới và có ảnh hưởng đến hầu hết các ngành công nghiệp khác; Ngành Cơ khí cũng là ngành có điều kiện hội nhập và tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế (tập trung vào sản xuất các máy công cụ, máy CNC) phục vụ cho nhu cầu của các ngành kinh tế khác. Còn đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể lựa chọn sản phẩm của các ngành phục vụ cho chế biến nông sản- thuỷ, hải sản.
Các ngành Luyện kim, Hoá chất, Điện là những ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên liệu cho hầu hết các ngành. Ngành Luyện kim cung cấp nguyên liệu thép; ngành Hoá chất cung cấp các hoá chất cơ bản, phân bón, nguyên liệu cho ngành Nhựa và trong tương lai ngành Hoá dược được dự báo rất phát triển; Ngành Điện cung cấp năng lượng cho sản xuất của nền kinh tế quốc dân.
Ngành Chế biến nông - lâm, thủy hải sản cũng là một ngành quan trọng cần đầu tư phát triển ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để hướng tới chế biến sâu các sản phẩm nông sản, thuỷ hải sản là thế mạnh của các tỉnh trong vùng, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.....
Các sản phẩm của Ngành Dệt may-Da giầy đối với một số tỉnh, thành phố là sản phẩm chủ lực, nhưng với một số tỉnh, thành phố khác lại không được coi là sản phẩm chủ lực. Nhóm ngành này có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động giản đơn, tuy nhiên hiện nay đó lại là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, thu được nhiều ngoại tệ và giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, ngành Dệt may- Da giầy ở một số địa phương vẫn được coi là ngành chủ lực, nhưng sau 2015, cần từng bước tiến tới làm ra những sản phẩm dệt may-da giầy có chất lượng cao hơn, điều đó đồng nghĩa với việc hàm lượng thiết kế mẫu mã, các ý tưởng sáng tạo cũng phải cao hơn. Dựa trên những nghiên cứu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, khi thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1.800-2.000 USD, nhóm ngành này sẽ chuyển dịch dần sang các nước có thu nhập thấp hơn.
Ngoài những nhóm ngành trên, ngành công nghiệp khai khoáng cũng được coi là ngành công nghiệp chủ lực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Như chúng ta đã biết, các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản kim loại rắn. Đây là nhóm ngành có giá trị gia tăng cao và trong thời gian tới cần được đầu tư theo hướng tăng hàm lượng chế biến sâu, giảm tỷ lệ xuất khẩu quặng thô để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
PV: Thưa ông, trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp nào để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực?
TS. Phạm Ngọc Hải: Để phát triển sản phẩm chủ lực quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn. Các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao, đồng nghĩa với đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Để giải quyết vấn đề này, cần khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài có tiềm lực về tài chính, có công nghệ sản xuất tiên tiến tham gia đầu tư vào sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao nhằm tranh thủ nguồn vốn và trình độ KHCN của họ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng tiến hành rà soát lại các mục tiêu đầu tư, xác định rõ các trọng tâm, trọng điểm đầu tư và chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao trong giai đoạn tới.
Tiếp đến là chú trọng thực hiện các giải pháp thị trường. Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường; Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương, của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc định hướng phát triển sản phẩm, điều chỉnh cơ cấu đầu tư các ngành hàng cho phù hợp với từng thời kỳ.
Một giải pháp khác cũng không kém phần quan trọng đó là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Đối với các thương hiệu đã nổi tiếng, có uy tín trong nước, cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, củng cố và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng; Chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng như mã vạch, tem sản phẩm… để chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Các giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng cần được đẩy mạnh. Vấn đề đổi mới công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Do đó, để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, cần lựa chọn đổi mới từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất và việc đổi mới này phải đi vào những khâu quan trọng nhất, các khâu quyết định đến chất lượng sản phẩm. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, mua công nghệ tiến tới làm chủ công nghệ, nhập thiết bị tiên tiến từ các nước phát triển, nhận chuyển giao công nghệ từ các Công ty hàng đầu trên thế giới.
Giải pháp tiếp theo là đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Rõ ràng là muốn có sản phẩm chất lượng cao thì đồng thời cũng cần phải có nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cho sản xuất. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải có định hướng chiến lược lâu dài về phát triển nguồn nhân lực. Chẳng hạn như xây dựng các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn, theo chuyên đề và đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu của doanh nghiệp.....
PV: Ông có đề xuất gì với Nhà nước và chính quyền các địa phương về các cơ chế chính sách phát triển sản phẩm chủ lực trong thời gian tới.
TS. Phạm Ngọc Hải: Để khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực trong thời gian tới, nhằm làm hạt nhân, lan toả thúc đẩy các ngành khác phát triển, theo tôi, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi đầu tư; bên cạnh đó, công tác đào tạo phải được chú trọng hơn nữa. Chúng ta cần có một chính sách đào tạo đồng bộ, mang tầm vĩ mô, có chiến lược dài hạn như tôi đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược về phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực đã lựa chọn, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra Nhà nước cũng cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển trong giai đoạn tới như mạng lưới giao thông, hệ thống cung cấp và phân phối điện, nước,… Phát triển hài hòa giữa các vùng, miền trên cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, ổn định về chất là những mục tiêu chúng ta cần đạt được trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tìm giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
TCCT
Trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Dựa trên những tiêu chí nào để lựa chọn các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đáp ứng