Toạ đàm với sự điều phối của ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư. Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Lãnh đạo một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Nguồn thu cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: "Hiện nay nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới. Qua thực tế, nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo ngày càng nhiều hơn trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube…"
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phân tích: Các cơ quan báo chí đang đứng trước thách thức lớn về nguồn thu. Nguồn thu chính từ quảng cáo đang suy giảm mạnh. Các doanh nghiệp có xu hướng tìm những phương thức quảng cáo hiệu quả hơn so với quảng cáo trên báo chí. Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí.
Tìm hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí
Trong bối cảnh nguồn thu gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất một hướng khả quan: phát triển “nội dung sạch”. Các cơ quan báo chí có thể hướng tới phân khúc bộ phận độc giả muốn có trải nghiệm tốt, sẵn sàng trả tiền để đọc nội dung tin bài không bị xen quảng cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “những người làm kinh tế báo chí không chỉ biết làm nội dung mà sẽ phải có kiến thức về xu thế của nguồn thu và dòng tiền trên không gian mạng”. Hiện tại, người tiêu dùng có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ quan báo chí nên tận dụng kết nối những hệ sinh thái không dùng tiền mặt để đồng hưởng lợi trên hệ sinh thái này.
Cũng theo Thứ trưởng, một nguồn thu mới khác mà các cơ quan báo chí có thể khai thác, đó là tham gia chuỗi giá trị thương mại điện tử, liên kết phân phối sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến độc giả…
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Nhà nước có vai trò quản lý báo chí, định hướng hoạt động cho các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực, tạo đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể trở thành khách hàng lớn của cơ quan báo chí khi đặt hàng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách. Vì thế, cơ quan báo chí cần phải “nâng mình lên” để đón nguồn thu đến từ phần đặt hàng của Nhà nước.
Xu thế đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí
Dựa trên dữ liệu nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, hiện có 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử.
Trong bối cảnh nguồn thu còn nhiều khó khăn, để đề xuất hướng đi cho kinh tế báo chí, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đề xuất Lãnh đạo Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Trong đó, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
Về dài hạn, cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Là một trong số những cơ quan báo chí có nguồn thu đứng “top” đầu trong cả nước, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Cùng với đó là nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…
Tương tự, sau khi nguồn thu từ quảng cáo và phát hành sụt giảm, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của Báo Tuổi Trẻ thay đổi. Trước đây, 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo giấy, bây giờ đảo lại 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số. Sự đảo chiều đó buộc Báo phải đầu tư thu hút nguồn thu từ nền tảng số, phải thay đổi đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy và thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết: Báo Giao thông là trường hợp đặc biệt (cơ quan của Bộ), có những thuận lợi, khó khăn của một cơ quan báo chí trực thuộc bộ ngành. Để thu hút độc giả, Báo tập trung thực hiện nguyên tắc làm tốt nhất nội dung mình có thể làm, tốt nhất từng ngày. Bên cạnh đó, cần phát huy, mở rộng những sở trường, thế mạnh, linh hoạt đáp ứng theo thị trường và tận dụng hết tất cả những cách để có thể đa dạng nguồn thu. Về nguồn thu mới, hiện tại Báo Giao thông đang tập trung tổ chức sự kiện, hội thảo, ưu tiên thực hiện kết nối cầu truyền hình…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vấn đề quan trọng trong quản trị bộ máy thu chi là cân đối dòng tiền giữa thu và chi. Có những khoản chi hiện nay không cần thiết đối với các cơ quan báo chí, công nghệ sẽ cho chúng ta lựa chọn để tiết kiệm hơn, tối ưu hơn.
"Chúng ta bàn nhiều về đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh hiện tại, thì không thể nào cứ làm báo theo cách cũ, chúng ta phải thay đổi. Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả mọi người, mà chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra cho mình", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.