Tìm kiếm động lực thực hiện "bứt phá" ngành Công Thương năm 2019

Năm 2019, "bứt phá" sẽ là từ khóa mà ngành Công Thương hướng đến, chú trọng tăng trưởng có chiều sâu trong cả lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những thành tựu toàn diện và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động của ngành Công Thương.

"Ngành Công Thương đã liên tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương
"Những kết quả ấn tượng mà ngành đạt được trong năm 2018 đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của nền kinh tế đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

 

Những thành tựu toàn diện và ấn tượng

Năm 2018, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế.

Tính chung 12 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 2%.

Biểu đồ tăng trưởng công nghiệp Việt Nam năm 2018
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng cao, với điểm sáng là ngành chế biến, chế tạo

 

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt mức cao, quy mô xuất khẩu tăng mạnh. Tính chung cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.

Cán cân thương mại duy trì thặng dư với mức thặng dư trong năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018
Với thặng dư thương mại đạt kỷ lục ở mức 7,2 tỷ USD, Việt Nam năm 2018 xuất siêu gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái

 

Năm 2018, tình hình thị trường trong nước tiếp tục được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10-10,5% so với năm 2017.

Thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Biểu đồ tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước qua các năm tính đến 2018
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước năm 2018 lần đầu vượt mốc 4.000 nghìn tỷ đồng

 

Đáng chú ý, Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.

Đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định, theo đó cắt giảm 677 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018, tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm: 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến lên tới 72,1%.

 

Tìm kiếm bứt phá cho ngành Công Thương năm 2019

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những thành tích đã đạt được, Bộ Công Thương không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, trở thành đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Thủ tướng cũng lưu ý một số bất cập còn tồn tại của ngành Công Thương trong năm 2018 liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực thương mại điện tử hay công tác quản lý thị trường và quá trình thực hiện, triển khai các FTA trong thực tế. 

"Việt Nam có thể thành con hổ, trở thành con rồng hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành Công Thương Việt Nam... Vậy bứt phá của ngành Công Thương ở đây là gì?", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Năm 2019, Thủ tướng đề ra 11 mục tiêu, nhiệm vụ cho ngành Công Thương, bao gồm: 

1. Hoàn thành những mục tiêu đã đề ra cho năm 2019 về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, bán lẻ và dịch vụ,...;

2. Đảm bảo cân đối năng lượng, đặc biệt có sự chuẩn bị lâu dài và bền vững cho lĩnh vực này;

3. Chú trọng khoa học công nghệ, đi liền với đào tạo nguồn nhân lực tốt để nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp;

4. Tập trung giải quyết vấn đề thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển. Đổi mới công tác thẩm định, triển khai, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công Thương;

5. Tập trung triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhất Định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết 03 ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị, trong đó có việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu;

6. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền Bộ Công Thương một cách thực chất, chặt chẽ và hiệu quả. Tiếp tục xử lý tồn tại yếu kém, dự án chậm và kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng phương án, kế hoạch được giao;

7. Tiếp tục xử lý căn bản hơn các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Quan tâm hơn nữa dịch vụ thị trường và thị trường trong nước, xuất khẩu hướng vào những thị trường lớn. Đồng thời tăng cường, củng cố phong vệ thương mại, quản lý cạnh tranh,...;

8.  Phản ứng chính sách, điều chỉnh chủ trương một cách mau lẹ, hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, từ đó có những phản ứng kịp thời hơn. 

9. Tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh hơn, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường trong nước. Triển khai có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước;

10. Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí;

11. Chú ý an toàn thực phẩm với hàng hóa trong nước và xuất khẩu, Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm luật An toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ nghiêm túc nhận thức và nghiên cứu các ý kiến được Thủ tướng và các đại biểu nêu trong Hội nghị, bổ sung và hoàn thiện cho cái nhìn toàn diện về ngành Công Thương năm 2018 cũng như những mục tiêu, kế hoạch cho năm 2019. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ trăn trở của Thủ tướng về bứt phá mà ngành Công Thương cần đạt được trong năm 2019

 

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ chú trọng tìm kiếm động lực, thực hiện "bứt phá" của ngành mà Thủ tướng yêu cầu thông qua sự chủ động của ngành Công Thương nói riêng và sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm của toàn nền kinh tế nói chung.

Thy Thảo - Ảnh: Cấn Dũng - Thy Thảo