Sản xuất công nghiệp tăng trưởng: Chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 - 2016..

Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Kết quả này tiếp tục phản ánh những dịch chuyển đúng hướng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chung và triển khai thực hiện của Bộ Công Thương nói riêng đã phát huy hiệu quả tích cực. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) năm 2018 tăng 9% so với năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 11% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 6,5% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 13,3%).

Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết 12 tháng năm 2018 tăng 12,4% so với năm trước (năm 2017 tăng 10,2%). Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như: sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ, tinh chế; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc thiết bị, sản xuất xe có động cơ...), tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Tồn kho các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2017. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 31/12/2018 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm 2017. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2018 là 64,4%, đạt mức tồn kho thấp nhất trong những năm gần đây.

10 điểm nổi bật của lĩnh vực sản xuất công nghiệp năm 2018

 

1. Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 10,2%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao là 9%).

2. Tình hình tiêu thụ thuận lợi, tồn kho toàn ngành công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, kể cả các hàng hóa thông dụng và hàng hóa thiết yếu. Sản xuất liên tục được mở rộng (chỉ số PMI các tháng trong năm 2018 luôn cao hơn 50 điểm) với sự đóng góp tích cực của các ngành như điện tử, dệt, thép, ô tô...

3. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Đóng góp vào tăng trưởng GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng từ năm 2015. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,3% ước cho năm 2018; của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6% ước cho năm 2018.

4. Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tuy xu hướng tăng trưởng chậm dần trong các tháng cuối năm nhưng vẫn giữ vững đà tăng trưởng với mức tăng chung cao 12,3% (cùng kỳ tăng 14,7%), tiếp tục khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

5. Có sự đồng đều hơn trong tăng trưởng sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đặc biệt tăng cao ở các sản phẩm như sắt thép thô, khí hóa lỏng, xăng dầu, alumin, vải dệt, thức ăn cho thủy sản..., trong khi đó nhóm điện thoại di động giảm 0,1% so với cùng kỳ, điều này đã cho thấy, sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đã vươn lên đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng sản xuất nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.

6. Sản xuất của nhóm ngành khai khoáng giảm thấp hơn so với năm trước (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2017 giảm 6,5%). Trong đó, mức giảm chỉ tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, giảm 9,3%. Việc giảm ở nhóm dầu thô và khí đốt được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra của năm 2018. Thực tế, sản lượng khai thác dầu thô và khí cả năm đều đã vượt so với kế hoạch đề ra cho năm 2018. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, ước tính cả năm đạt 12,03 triệu tấn, vượt 716 nghìn tấn, vượt 6,3% kế hoạch năm. Quá trình điều hành khai thác đã bám sát diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới để điều tiết linh hoạt, qua đó bảo đảm lợi ích cho nền kinh tế.

7.Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 10%, cao hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2017 bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân. Tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ cho khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì tốc độ tốt. Chỉ tiêu tiếp cận điện năng tăng 37 bậc, xếp vị trí thứ 27/190 quốc gia (theo Báo cáo Doing Business 2019), đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ.

8. Nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như: Formosa Hà Tĩnh tăng công suất sản xuất với việc đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 - 8 triệu tấn/năm; Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán 600 nghìn tấn trong tháng 8 năm 2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...

9. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH; trong lĩnh vực hóa chất là Công ty Cổ phần Hóa chất Công nghiệp Tân Long, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; trong lĩnh vực sắt thép, kim khí là Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP thép Nam Kim... Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

10. Công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy thực hiện đạt kết quả tích cực, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Kết quả đến nay, đã có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi; 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại; 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi, các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra.

Tuấn Hưng (tổng hợp)