Những trụ cột đức tin
Đạo Islam ra đời ở bán đảo Ảrập vào đầu thế kỷ VII sau Công nguyên. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, với khoảng 1,8 tỷ tín đồ, có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục. Hầu hết người theo Islam giáo thuộc một trong hai hai nhánh chính là Sunni (chiếm khoảng 75-90%), hoặc Shia (chiếm 10-20%).
Sự ra đời của Islam giáo xuất phát từ một loạt nguyên nhân về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng; nó gắn liền với nhu cầu ngăn chặn những xung đột lợi ích kinh tế giữa các nhóm giai cấp, giữa các bộ lạc trong xã hội, để đi đến thống nhất về chính trị và tư tưởng trước nguy cơ bị đế quốc Ba Tư xâm chiếm bán đảo Ảrập. Chính vì vậy, khi Islam giáo trở thành quốc giáo, hoặc có ảnh hưởng mạnh trong trong hệ thống chính trị ở một số quốc gia, thì hệ thống kinh tế ở các nước đó chịu sự chi phối mạnh mẽ về tư tưởng và đức tin của Islam giáo.
Trong suốt chiều dài lịch sử, quá trình truyền bá Islam giáo của người Ả Rập đi khắp Tây Á, Trung Á, Bắc Phi…. thông qua các thương nhân thành thị. Xét trên bình diện văn hóa, các tín đồ Islam giáo trước hết là những thương nhân, cư dân đô thị năng động, đã hình thành nên một hệ thống kinh tế, mà ở đó bên cạnh việc bảo đảm sự tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trở nên dễ dàng bằng những phương thức trao đổi linh hoạt, còn có chức năng xác định những qui tắc và chuẩn mực ứng xử phù hợp với tinh thần Islam giáo.
Tinh thần Islam giáo dựa trên 5 nghĩa vụ linh thiêng, còn gọi là 5 trụ cột đức tin Islam giáo. 5 trụ cột này là cách thức để xây đắp và củng cố các mối quan hệ theo hướng thể hiện sức mạnh đoàn kết giữa các tín đồ, thắt chặt tình hữu nghị và yêu thương giữa các trái tim, và do đó, nó chi phối mạnh mẽ trong mọi quan hệ và giao dịch kinh tế.
Một trong những trụ cột đức tin tưởng như chỉ mang ý nghĩa tôn giáo như Salat (cầu nguyện), nhưng thực tế, việc cầu nguyện năm lần một ngày theo thời điểm đã được ấn định, là cách để người Islam giáo duy trì sự kết nối cộng đồng. Điều đặc biệt là tín đồ Islam giáo không cầu nguyện cho cá nhân mình, mà họ cầu nguyện thanh lọc tâm hồn, ngăn chặn cám dỗ dẫn đến cái ác và làm việc xấu ảnh hưởng đến cộng đồng, thúc đẩy đức tin giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hay bệnh tật. Việc cầu nguyện cũng hướng tới niềm tin với những cá nhân khác trong cộng đồng bằng cách nỗ lực để nhận thấy những người khác không phải chỉ là con người của hiện tại mà còn là con người họ có thể trở thành.
Lịch sử có sức ảnh hưởng, tiếp nối, trao truyền qua hàng trăm thế hệ. Đến nay, các tín đồ vẫn được khuyến khích kết nối cộng đồng như các thương nhân năng động thuở ban đầu truyền bá Islam giáo. Ngày nay, họ vẫn được khuyên tìm kiếm mọi cơ hội để giữ liên lạc; rằng việc để mọi người biết ta quan tâm là điều thiết yếu cho các mối quan hệ lành mạnh. Việc kết nối được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi: thăm viếng nhau thường xuyên; nói chuyện với họ ở nhà thờ; sử dụng bất cứ phương tiện nào thấy phù hợp, như email, Facebook, Instagram, Twitter, Skype, gọi điện thoại, hoặc gửi một tấm thiệp. Việc xây đắp các mối quan hệ này đòi hỏi tín đồ phải vượt ra khỏi quan hệ xã giao, hướng đến sự chia sẻ những cảm nghĩ, niềm tin, mục tiêu, và các mối quan tâm cần thiết để có sự nối kết ý nghĩa hơn, như kịp thời phát hiện và sẵn sàng sàng hỗ trợ nếu ai đó gặp khó khăn.
Một trụ cột khác là Zakat (hiến tặng) bao gồm việc hiến tặng từ thiện để hỗ trợ người nghèo khó, bệnh tật. Theo đức tin Islam giáo, một người phải trao cho người khác “những thứ dư thừa”. Tùy theo quy định doanh thu làm ăn trong năm mà có định mức hiến tặng khác nhau, vật hiến tặng có thể là gạo, tiền, vàng, bạc, trâu, bò,…. thông thường khoảng 2,5% thu nhập hàng năm hay 10 % lợi tức từ sản xuất, kinh doanh. Việc hiến tặng không phải là hành động bác ái hay tự nguyện (trừ trường hợp tự nguyện hiến tặng cao hơn mức quy định) mà là trách nhiệm của mỗi tín đồ Islam. Mỗi năm họ phải tự thân hiến tặng một lần; đây là cách để thực hiện nghĩa vụ tôn giáo và làm trong sạch tài sản mà mình kiếm được. Người Islam giáo có nghĩa vụ giúp đỡ những người nghèo khó, trẻ mồ côi và những người cùng đinh… để giảm bớt những bất công.
Các tín đồ Islam giáo quan niệm hiến tặng là nghĩa vụ chứ không phải là bác ái hay từ thiện. Hiến tặng nhằm khơi dậy và duy trì tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, qua đó, cuộc sống người nghèo khó sẽ được cải thiện, đủ nguồn lực vượt qua thời điểm khó khăn, còn người giàu sẽ được thanh lọc tâm hồn khỏi sự keo kiệt, ích kỷ, và cộng đồng ngăn chặn được sự thù hận, hoặc xung đột thường xảy ra giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau. Những người không tthực hiện sự hiến tặng sẽ bị đối xử như những kẻ trốn thuế và được cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của thánh Allah vào Ngày phán xét.
Nói chung, chia sẻ của cải được gọi là zakat, nhưng với những người nghèo khó không thể thực hiện được zakat bằng cách chia sẻ của cải, thì họ vẫn thực hiện được sự hiến tặng này theo cách chia sẻ hạnh phúc trong cộng đồng, như nói chuyện tử tế, mỉm cười với ai đó, an ủi người đau khổ về tinh thần, chăm sóc động vật và bảo vệ môi trường, v.v. Do đó, Zakat không được coi là gánh nặng thuế (mặc dù quy định hiến tặng tối thiểu 2,5% thu nhập hàng năm) mà là một hệ thống kinh tế xã hội Islam giáo nhờ phân phối lại của cải cho những người nghèo và túng thiếu. Không có bất đồng giữa những tín đồ về tính chất bắt buộc của Zakat. Sự kết hợp giữa kinh tế và đức tin giúp chính quyền các nước Islam giáo dễ dàng xử lý mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo, cũng như sự bất bình đẳng trong xã hội. Người nghèo được đảm bảo các quyền cơ bản của con người thông qua chế độ Zakat, những người giàu và những người có đặc quyền hiểu rằng, trong những tài sản của họ có một phần hoàn toàn thuộc quyền của những người nghèo khổ và kém may mắn. Cho đến nay, không có bất đồng giữa những người theo đạo Islam về tính chất bắt buộc của Zakat. Nó chỉ đơn giản là phải được thực hiện. Trong suốt lịch sử Hồi giáo, phủ nhận Zakat đồng nghĩa với việc phủ nhận đức tin Hồi giáo.
Sawm - Nhịn ăn, thường được biết đến với sự kiện “tháng nhịn ăn Ramadan” hay “tháng ăn chay Ramadan” là một trụ cột đức tin Islam giáo. Trong suốt tháng Ramadan, tất cả những tín đồ Islam giáo phải nhịn chay dưới hình thức không ăn, không uống, nghiêm gặt đến mức thậm chí không được nuốt nước bọt từ lúc mặt trời mọc cho tới lúc mặt trời lặn, ngoại trừ những người đang ốm, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi thì không bắt buộc phải nhịn ăn. Người ăn chay chỉ được phép ăn một cách từ tốn sau khi mặt trời lặn, và không ai được hút thuốc, uống rượu và quan hệ tình dục trong tháng Ramadan.
Ăn chay trong tháng Ramadan hết sức quan trọng với người Islam giáo. Họ tin rằng, ăn chay giúp ích cho việc học cách trân trọng lương thực thực phẩm, rèn luyện sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, và khơi dậy sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc.Từ đó, hướng các tín đồ tích cực hơn trong chia sẻ của cải vật chất cho những người kém may mắn, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh tế, và là một trong những phương thức quan trọng để duy trì sự kết nối cộng đồng.
Duy trì kết nối cộng đồng
Đạo Islam khi truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ XIX. Năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân của An Dương - Campuchia đánh bại phải rút chạy về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc - An Giang ngày nay) mang theo quân lính và người Chàm, người Mã lai theo Islam giáo, lúc đó nhà Nguyễn dựa vào lực lượng này lập các đội quân để giữ biên giới. Từ đó hình thành vùng thứ hai theo Islam giáo chính thống của người Chăm - đạo Islam. Trong quá trình phát triển, cộng đồng Chăm - Islam thường xuyên có quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Đông Nam Á và thế giới.
Đến năm 2021, có 6 tổ chức Islam giáo được Nhà nước công nhận ở cấp tỉnh, thành phố và 1 Ban quản trị thánh đường cho cả hai dòng Hồi giáo (Islam) và Hồi giáo Bà-ni. Trong đó Hồi giáo (Islam) có 4 tổ chức là Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (CĐHG) gồm 2 tổ chức là Ban Đại diện CĐHG tại TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và 2 tổ chức là CĐHG (Islam) tỉnh An Giang và CĐHG (Islam) tỉnh Tây Ninh; Ban Quản trị thánh đường Al-Noor, số 12 Hàng Lược, TP. Hà Nội. Hồi giáo Bà-ni có 2 tổ chức là Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Ninh Thuận và Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Bình Thuận.
Tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu là người Chăm. Tính đến năm 2021, Islam giáo ở Việt Nam (bao gồm cả hai dòng) có trên 80.000 tín đồ, khoảng 90 cơ sở thờ tự (thánh đường, tiểu thánh đường), gần 1.000 chức sắc, chức việc. Hiện tại tín đồ Islam giáo gồm có hai nhánh chính:
-Hồi giáo Bà-ni: Tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với gần 50.000 tín đồ, gần 30 cơ sở thờ tự, gần 500 chức sắc, chức việc.
-Hồi giáo (Islam): Tập trung ở 14 tỉnh, thành phố: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Hà Nội, với khoảng 32.000 tín đồ, trên 60 cơ sở thờ tự, trên 500 chức sắc, chức việc. Thành phần theo Hồi giáo (Islam) khá đa dạng, đa số là người Chăm, ngoài ra, có một số người gốc Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, người Việt lai Ấn Độ, người Kinh, người Khmer và người Hoa, trong đó, cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang có đông tín đồ nhất với trên 15.000 người.
Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác huy động các nguồn lực vật chất và tinh thần của tôn giáo vào tham gia phát triển kinh tế xã hội là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Này 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, trong đó nhấn mạnh “Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo”.
Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa bằng các văn bản, như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Quyết định 306/QĐ-TTg ngày 08/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo… Tiếp đó, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Chỉ thị 18 yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy nguồn lực tôn giáo đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ các tôn giáo.
Đến nay, các địa phương đã chủ động thực hiện các chủ trương chính sách trên một cách sáng tạo, thông qua hoặc lồng ghép với các đề án, chương trình của trung ương vào tình hình thực tiễn ở địa phương. Điển hình là tỉnh Ninh Thuận, một trong những cái “nôi” của cộng đồng người Chăm-Islam. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, lồng ghép nhiều nội dung hỗ trợ đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Islam. Quyết định số 496/QĐ-UBND xây dựng những dự án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các khu vực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bà con theo đạo, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao thu nhập cho người dân. Có thể kể tên các dự án tiêu biểu:
- Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân;
- Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống;
- Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động;
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Cho đến nay, các địa phương có cộng đồng người Chăm – Islam như Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận đều có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và Quyết định của Ủy ban Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có cộng đồng người Chăm – Islam.
Từ chính sách của Nhà nước, đồng bào Chăm-Islam có thêm điều kiện để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Tại các địa phương, cộng đồng người Chăm - Islam cũng được thụ hưởng các chính sách dân tộc như: đầu tư xây dựng cụm văn hóa, chợ; đường giao thông nông thôn; cho vay vốn hộ cận nghèo; vốn nước sạch; vốn giải quyết việc; vốn tiết kiệm phụ nữ; vốn Ngân hàng chính sách; miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, đồng phục cho các em trường tiểu học… Bên cạnh đó, bản thân người Chăm - Islam thấm nhuần 5 trụ cột đức tin Islam giáo, luôn hướng đến xây đắp và củng cố các mối quan hệ và chủ động giúp nhau trong cộng đồng như cho vay vốn, trao đổi tư liệu sản xuất (đất đai), hỗ trợ nhau thực hiện các chính sách khuyến nông của nhà nước như hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cao su, tiêu, trồng nấm, chăn nuôi gà thả vườn...; Do đó, đã phát huy được thế mạnh của mình, như cộng đồng Chăm-Islam Ninh Thuận nổi tiếng với hơn 20 làng Chăm làm nghề lưu trú, du lịch sinh thái, điểm du lịch tâm linh; hay làng gốm ở Bình Đức (tỉnh Bình Thuận); làng nghề dệt lụa ở Tân Châu (tỉnh An Giang). Chính sách của Nhà nước, sự năng động của các địa phương và đức tin Islam giáo trong duy trì sự kết nối cộng đồng là những động lực chủ yếu giúp cộng đồng người Chăm-Islam nước ta có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.