1 – Đặc điểm tình hình.

Vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) có diện tích tự nhiên 95.000 km2, dân số năm 2003 là 10,6 triệu người, chiếm 28,9% diện tích và 13,1% dân số cả nước. Vùng TDMNPB có 43 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 5 triệu người của 42 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 50% số dân của các dân tộc thiểu số nước ta. Toàn vùng có chung đường biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa trên 1.200 km. Hai tỉnh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Lào dài trên 600 km.

Mặc dù là vùng tài nguyên đa dạng, phong phú, có nhiều loại khoáng sản có giá trị cao, nhưng hầu hết các mỏ và điểm quặng của các tỉnh miền núi phía Bắc ở vùng sâu, vùng xa giao thông. Một số tỉnh có tiềm năng thủy điện như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.

Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nhưng hầu hết các tỉnh ở xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trình độ dân trí thấp, thu không đủ chi, hệ thống giao thông tuy có được đầu tư, nhưng thiếu đồng bộ. Đây là vùng kinh tế chậm phát triển so với cả nước. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không những chậm và khó khăn, mà còn không ổn định. Nguồn đầu tư vào vùng TDMNPB chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vốn ngân sách Trung ương đầu tư chiếm tới 70 – 80% tổng mức đầu tư huy động từ các nguồn của vùng. Khả năng tái dầu tư của vùng là rất hạn chế.

Trong 14 tỉnh của vùng có đến 12/14 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Công nghiệp trung ương trên địa bàn không lớn, tình hình sản xuất khó khăn. Công nghiệp địa phương nhỏ bé, sản lượng hàng hóa sản xuất được ít, sức cạnh tranh kém, tiêu thụ khó, thu hút lao động không lớn. Tuy tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng công nghiệp cao, nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP của vùng còn nhỏ bé.

Hạ tầng kỹ thuật công nghiệp còn yếu, lực lượng cán bộ khoa học còn mỏng và yếu, chất lượng lao động thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn.

2 – Họat động sản xuất kinh doanh.

Giá trị SXKD công nghiệp vùng TDMNPB trong năm 2003 đạt 12.876,167 tỷ đồng, trong đó, công nghiệp quốc doanh trung ương  (CNQDT¦) chiếm 6.743.437 tỷ đồng; công nghiệp quốc doanh địa phương (CNQD ĐP) là 1.885,151 tỷ đồng; công nghiệp ngoài quốc doanh(CNNQD) đạt 1.615,677 tỷ đồng và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.622,922 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2004, trong khi CNNQD tăng tới 81,39%, thì CNQDT¦ chỉ tăng 16,06% và CNQD ĐP chỉ đạt 86,78% so với cùng kỳ năm 2003.

9 tháng đầu năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp các tỉnh trong vùng có mức tăng trưởng khá (22,98%), song vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Nhìn chung, các tỉnh trong vùng rơi vào tình trạng các dự án lớn chậm đưa vào hoạt động, nợ thanh toán xây dựng cơ bản lớn làm cho tình hình tài chính của các doanh nghiệp thiếu lành mạnh, dư nợ ngân hàng cao, quay vòng vốn chậm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp QDT¦ ở trong vùng như Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên, Công ty Giấy Bãi Bằng, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Thác Bà, Công ty Super phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Apatit Lào Cai... vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Khu vực dân doanh không những tăng trưởng rất cao (81,39%), mà còn rất năng động.

3 - Hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp trong vùng.

Các tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương về định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoàn thiện từng bước quản lý công nghiệp trên địa bàn theo tinh thần Thông tư liên bộ số 02/2003/TTLB – BCN – BNV, ngày 29/10/2003 của liên Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công nghiệp ở địa phương”.

Các sở công nghhiệp đã thực hiện tốt chức năng tư vấn cho doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, như giới thiệu, hướng dẫn, kêu gọi đầu tư theo quy hoạch. Một số tỉnh đã chủ động trong hoạt động  khuyến công, số còn lại mới bắt đầu triển khai thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP, ngày 09/6/2004 của Chính phủ về hoạt động khuyến công.

Những tỉnh thuộc Dự án Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển giai đoạn 2003-2008 đã thành lập Ban quản lý dự án, phối hợp với Bộ Công nghiệp triển khai tiểu dự án “Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện khí hóa lưới điện nông thôn”.

Từng bước nâng cao vị thế của các tổ chức quản lý công nghiệp các cấp, ngành, nhất là cấp huyện, thị, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp.

Tuy nhiên, công tác quản lý công nghiệp trong vùng còn một số tồn tại sau:

- Mối quan hệ chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành kinh tế và chức năng quản lý theo lãnh thổ chưa được thống nhất.

- Chất lượng của công tác quy hoạch hiện nay vẫn thiếu tính linh hoạt, không tiên lượng được diễn biến của thị trường .

- Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp như hiện nay chỉ đơn thuần về lượng (giá trị sản xuất công nghiệp), mà chưa chú trọng đến quản lý về chất (quản lý về giá trị tăng thêm của sản phẩm công nghiệp), chưa tập trung vào quản lý, theo dõi giá thành sản xuất, nhằm năng cao giá trị tăng thêm trong các sản phẩm công nghiệp.

4 – Một số suy nghĩ về phương hướng phát triển công nghiệp vùng TDMNPB.

Ngày 21/10/2004, tại thị xã Hà Giang, Hội nghị lần thứ VI ngành công nghiệp các tỉnh TDMNPB đã đề ra những định hướng phát triển công nghiệp năm 2005 và các năm sau:

 - Thực hiện các quy hoạch phát triển các ngành theo hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh trong điều kiện chủ động hội nhập kinh tế.

                - Đầu tư phát triển sao cho phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng tỉnh, tận dụng mọi khả năng về các nguồn lực để công nghiệp trở thành ngành kinh tế chính, là động lực hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

                - Với lợi thế tiềm năng trữ lượng thủy năng lớn, khoáng sản, cây công nghiệp, gỗ rừng trồng, công nghiệp vùng TDMNPB cần tập trung vào phát triển thủy điện, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp – làng nghề. Các tỉnh có cửa khẩu quốc tế, quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc và Lào cần khai thác tốt hơn thế mạnh này.

                Nhìn vào định hướng này, chúng ta thấy rất chung chung và có thể áp dụng cho nhiều vùng kinh tế khác. Đây cũng là những tồn tại cố hữu mà các nhà làm quy hoạch, chiến lược và chỉ đạo thường mắc phải. Chúng ta không thấy những định hướng cụ thể mang tính đột phá, quyết định cho sự phát triển các ngành, địa phương và các vùng kinh tế. Chính vì vậy, dư luận xã hội bức xúc về vấn đề đầu tư dàn trải, tương tự giống nhau và theo phong trào của các địa phương.

                Do định hướng không cụ thể, nên các giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp vùng TDMNPB cũng không rõ ràng và các giải pháp này xem ra cũng tương tự như các giải pháp của các ngành, các vùng khác. Nhưng nếu, nghiêm túc nhìn nhận, thì việc đầu tư vào công nghiệp ở vùng TDMNPB sẽ khó khăn hơn, hiệu quả cũng hạn chế hơn vì điều kiện tự nhiên không thuận như các nơi khác, đơn cử, vấn đề đơn giản nhất và cũng là cốt lõi nhất cho mọi sự phát triển đó là con người. Như nhận định của lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng TDMNPB thì việc thu hút cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ rất khó khăn, kể cả những công nhân có tay nghề cao.

                Do vậy, vùng TDMNPB trong chiến lược phát triển công nghiệp của mình, nên chăng tập trung vào việc chế biến, khai thác những thế mạnh về lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện. Tuy nhiên, những tỉnh có lợi thế là đã có và sẽ có những khu, cụm công nghiệp thì nên tính toán, quy hoạch thật tốt. Muốn quy hoạch tốt, có lẽ các tỉnh nên tính toán thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch để tránh gây hậu quả lãng phí, và là mối hiểm họa cho con cháu sau này. Vấn đề thuê chuyên gia nước ngoài làm quy hoạch và quản lý đô thị của thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ cho phép, và trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố Chính phủ cho phép thuê chuyên gia nước ngoài làm quy hoạch. Gần đây nhất, việc công bố quy hoạch Sa Pa do chuyên gia Pháp thực hiện đã được dư luận xã hội đồng tình và rất ủng hộ bản quy hoạch được công bố. Đặc biệt, chiều 23/11/2004, Xí nghiệp Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Khu Quản lý đường bộ 5) đã thuê hai chuyên gia người Anh để cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, lập phương án vận hành tối ưu cho đường hầm. Đã đến lúc, các ngành, các địa phương cần nhận ra rằng, không phải việc gì chúng ta tự làm cũng hiệu quả hơn là thuê người nước ngoài. Nhiều người cho rằng, hạn chế về trình độ của các chuyên gia không sợ bằng sự cả nể trong quy hoạch.

                Trong nhiều kiến nghị của Hội nghị lần thứ VI ngành công nghiệp các tỉnh TDMNPB, thì kiến nghị về vấn đề tăng cường giúp đỡ các địa phương về công tác đào tạo và đào tạo lại đôi ngũ cán bộ làm công tác quản lý công nghiệp là thiết thực nhất. Nhưng các cơ quan trung ương chọn phương pháp đào tạo như thế nào để có hiệu quả thì lại là vấn đề cần bàn, nếu cứ theo cách làm cũ thì chắc chắn sẽ không đi đến thành công.

       Tóm lại, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của vùng TDMNPB là cần thiết, nhưng để tìm ra con đường đi thích hợp và hiệu quả không phải là đơn giản, nếu chúng ta không có cách nhìn nhận vấn đề theo cách mới./.