Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG - sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh thu đạt 765,86 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế đạt 41,14 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của TNG đạt 14,2% tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TNG là gia công may mặc (theo phương thức FOB 1 và CMT) và xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Decathlon, The Children’s Place… Hoạt động xuất khẩu này đóng góp trên 95% doanh thu của công ty kể từ khi thành lập.
Trong cơ cấu doanh thu tháng 7 của TNG, thị trường nội địa chỉ đóng góp khoảng 10 tỷ đồng tương ứng 1% tổng doanh thu. Công ty tập trung vào hoạt động xuất khẩu với các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ (chiếm 43,87% tổng doanh thu), Pháp (chiếm 27,09%), Canada (chiếm 8,44%) và Nga (chiếm 5,44%).
Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, TNG ghi nhận doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 166 tỷ đồng, tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng đến từ các đối tác lâu năm của công ty như Decathlon, ANF, The Children’s Place, Nike, Adiddas… vẫn tăng trưởng đều đặn.
Trong đó, Decathlon đang mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho TNG. Đơn hàng từ Decathlon đã ký với TNG trong năm nay đạt 81,82 triệu USD, tăng 21,7% so với năm 2021. TNG cho biết trong năm nay, công ty không mở rộng tệp khách hàng mà tập trung vào các đơn hàng gia tăng từ đối tác sẵn có.
Trong năm 2021, TNG đứng thứ 8 trong số các doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất cả nước, và đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp dệt may niêm yết, chỉ sau Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG – sàn UpCOM) và Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH – sàn HoSE).
Đối với thị trường nội địa, TNG bắt đầu khai thác thị trường nội địa với sản phẩm thời trang mang thương hiệu TNG (phương thức ODM). Hoạt động này mới chỉ đóng góp khoảng 4% tổng doanh thu hàng năm của TNG từ năm 2017 đến 2020, nhưng đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt của TNG so với phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ chuyên may gia công hàng may mặc.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết TNG hiện có dự định cắt giảm mảng thời trang nội địa do hoạt động chưa hiệu quả.
Trong năm nay, TNG sẽ tăng quy mô sản xuất lên thêm 39 chuyền may so với năm ngoái, lên tổng 327 chuyền may. Đến năm 2025, TNG dự kiến sẽ có 372 chuyền may với hơn 20.000 lao động nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng lớn hơn vốn mang tính chất mùa vụ đặc thù của ngành hàng dệt may, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của công ty với các đối thủ.
Về công nghệ sản xuất, TNG đã áp dụng phần mềm nhập liệu tự động trên mỗi chuyền may. Phần mềm này cho phép người quản lý bao quát được tốc độ của mỗi chuyền may, nếu có sự chậm trễ trong mắt xích nào, người quản lý sẽ cử người hỗ trợ để tránh tạo ra nút thắt trong sản xuất, và cũng giúp cho mỗi chuyền may sẽ dễ dàng đạt được số sản phẩm mục tiêu ngày. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và hạn chế rủi ro chậm tiến độ của mỗi chuyền may.
Trong ngày 17/8, TNG cho biết sẽ phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành 5%, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Trên thị trường chứng khoán, tạm kết phiên giao dịch sáng ngày 18/8, cổ phiếu TNG đạt 27.900 đồng/cổ phiếu.