Bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước
Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước đã được duy trì ở mức thấp hơn so với những biến động không ngừng của giá thế giới nhằm đảm bảo các mục tiêu vĩ mô và an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp một số khó khăn, cùng với sự cố Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng phần nào đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trước thông tin thiếu hụt nguồn cung xăng dầu một số báo chí đưa mới đây, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay chiều ngày 27/3, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã triển khai kiểm tra đột xuất thực tế kinh doanh tại một số cây xăng theo phản ánh, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục ngay sự cố này. Nhờ đó, hiện nay tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các cây xăng đã được giải quyết.
Tuy nhiên, để tiếp tục bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, cũng như chủ động trước mọi biến động của thị trường thế giới, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nỗ lực tìm nguồn cung thay thế, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống. Đặc biệt, cần liên tục theo dõi, cập nhật tình hình thị trường và diễn biến nguồn hàng để kịp thời báo cáo và có phương án xử lý khi xảy ra các trường hợp phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Sau khi Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố, Bộ Công Thương đã triển khai họp khẩn với các nhà máy xăng dầu và đầu mối để cân đối, xem xét khả năng đáp ứng thị trường của nguồn trong nước và nhập khẩu, góp phần ổn định thị trường. Phát biểu tại phiên họp, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã cam kết sẽ đảm bảo ổn định nguồn cung đầy đủ tại các điểm bán để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Khẳng định đã có phương án bù đắp nguồn cung thiếu hụt, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, lượng xăng dầu sản xuất còn lại sau khi có sự cố phát sinh sẽ được chia đều cho các đầu mối để đảm bảo sự công bằng cho khách hàng. Các đơn vị của PVN cũng đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo xăng dầu cho thị trường, đồng thời cân đối nhập khẩu để bù đắp nguồn cung, không để tình trạng thiếu hụt xăng dầu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Đẩy mạnh tuyên truyền thịt lợn sạch, tránh làn sóng tẩy chay
Tổ Điều hành thị trường trong nước nhận định, thị trường hàng hóa tháng 3 đã lấy lại sự ổn định sau thời gian biến động dịp Tết Nguyên đán. Chỉ riêng có giá thịt lợn đang giảm nhiều do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và có xu hướng lan rộng tại nhiều địa phương gần đây đã gây tâm lý lo ngại và đề phòng cho người dân cả nước, khiến nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm mạnh.
Để làm rõ thông tin và ổn định thị trường, nhiều tỉnh, thành phố cho biết đang tích cực triển khai toàn diện các giải pháp phòng chống dịch, đi cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng, tránh tình trạng tẩy chay thịt lợn đồng loạt.
Tại Hà Nội, người dân đang vô cùng hoang mang và nghi ngại trước sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi cùng thông tin tràn ngập các mạng xã hội về sự cố liên quan đến sán lợn. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ở không ít trường học trên địa bàn thủ đô, các phụ huynh đã lên tiếng kiến nghị các nhà trường không sử dụng thịt lợn trong thực đơn mỗi ngày của học sinh, tạo thành làn sóng tẩy chay thịt lợn, khiến lượng tiêu thụ thịt ở các chợ dân sinh giảm sâu.
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã thành lập 5 tổ chống dịch tả lợn châu Phi, mỗi tổ phụ trách 6 quận huyện. Bên cạnh việc liên tục kiểm tra tình hình dịch bệnh, phối hợp với các đơn vị tiêu hủy 1.401 con lợn, 5 tổ chống dịch được yêu cầu bám sát thị trường, thường xuyên tổng hợp báo cáo lên thành phố để xử lý khi có sự cố xảy ra.
Sở Công Thương thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về thịt lợn an toàn giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin rõ ràng, không quay lưng lại với thịt lợn sạch, đồng thời gửi văn bản đến các siêu thị, chợ dân sinh yêu cầu cam kết không kinh doanh các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Nhờ vậy, tình hình tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn Hà Nội đang cho thấy dấu hiệu khả quan. Đáng chú ý, một số siêu thị, cửa hàng tiện ích và cửa hàng an toàn thực phẩm còn báo cáo lượng tiêu thụ thịt lợn vẫn duy trì ổn định, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, tỉnh hiện có 736 trang trại, 24 doanh nghiệp chăn nuôi, hơn 230 nghìn con lợn, trong đó phần lớn đang chờ xuất chuồng. Sau khi dịch bệnh xuất hiện, do người dân tẩy chay, nhiều cửa hàng đã ngừng bán thịt lợn. Lượng thịt trên thị trường giảm đến 80%.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc phối hợp liên ngành xử lý các ổ dịch được phát hiện, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như tiêu dùng thịt lợn an toàn. Đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa cũng cho biết, tỉnh đang triển khai nhân rộng các mô hình chợ an toàn thực phẩm, phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt mục tiêu 169 chợ an toàn thực phẩm, tăng gần 5 lần so với con số 35 chợ hiện nay, gia tăng nguồn cung thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng hành cùng địa phương trên mặt trận chống dịch, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường lập các chốt kiểm dịch động vật, huy động tối đa lực lượng kiểm soát chặt việc vận chuyển, lưu thông thịt lợn trên thị trường cũng như chú ý kiểm tra các mặt hàng thịt lợn được nhập khẩu vào Việt Nam để kịp thời tiêu hủy ngay khi thấy có dấu hiệu mầm bệnh, tránh tình trạng bệnh dịch lây lan rộng hơn.