Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”, cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Công nghiệp cũng trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, và là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam được cho là nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Trong khi đó, sau khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tập đoàn đa quốc gia đã phải nhìn nhận lại cách tiếp cận về phát triển chuỗi cung ứng, theo hướng rút ngắn chuỗi, tăng tỷ lệ nội địa hoá, tăng tỷ lệ thu mua trong nước, và đa dạng hoá nhà cung ứng nhằm tránh rủi ro đứt gãy chuỗi.
Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.
Đây là mục tiêu khá thách thức, nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ lớn cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới, đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp trong nước cần được nhìn nhận và phát huy hiệu quả hơn để xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
Nhằm cung cấp góc nhìn đa dạng và phân tích chuyên sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước”.
Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời:
- Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
- Ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
- Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mạng lưới cảng biển châu Á - Thái Bình Dương
- Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam
Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề: (i) Thực trạng và những vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển nền công nghiệp Việt Nam, đặc biệt tăng cường nội lực của các ngành sản xuất; (ii) Những ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung phát triển để đảm bảo vấn đề tự chủ quốc gia; (iii) Những giải pháp, chính sách phát huy hiệu quả hơn vai trò của các doanh nghiệp trong nước nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Hy vọng những trao đổi và đề xuất của các khách mời tham dự Tọa đàm sẽ là những gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách và các hiệp hội, doanh nghiệp có những định hướng, chiến lược phù hợp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, cùng với đó là các chuỗi giá trị gia tăng lớn nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền sản xuất tự chủ trong thời gian tới.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655.
[Quảng cáo]