Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho cây chè phát triển. Hiện, diện tích chè toàn tỉnh đạt 16.500ha với nhiều giống chè có năng suất, chất lượng tốt và cây chè được coi là cây công nghiệp mũi nhọn, nằm trong chương trình trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đất trồng chè ở Phú Thọ đại bộ phận là đất dốc, tầng đất canh tác mỏng 50 - 70cm. Mùa mưa đất đai bị rửa trôi, xói mòn, mùa khô cây chè gặp hạn trầm trọng; hơn nữa, hiện nay nông dân ít sử dụng phân hữu cơ mà chủ yếu bón các loại phân cho chè xanh ngay nên thường chỉ bón phân đạm và ka ly. Bón nhiều đạm làm búp chè tích nước, lá mỏng, nhanh thu hái nhưng cây chóng cỗi, sâu bệnh nhiều nhất là nhện đỏ và bệnh phồng lá. Đó là những nguyên nhân chính làm giảm năng suất, chất lượng chè búp.
Chè là cây cho sản phẩm "búp chè", thu hái nhiều lần trong năm với khối lượng chất xanh lớn, bởi vậy cây chè phải cần nhiều chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã xác định trung bình để đạt 2 tấn chè búp khô/1 ha, cây chè lấy đi khoảng 80kg N, 40kg P2O5, 30kg K2O, 8kg MgO, 16kg CaO và các chất vi lượng như kẽm (Zn), Bo (B), Môlípđen (Mo).... Nếu năng suất 3 tấn chè búp khô/ha thì nhu cầu dinh dưỡng của cây chè tăng gấp trên 2 lần, đặc biệt các chất trung lượng như ma nhê, can xi và các chất vi lượng như kẽm, bo, môlípđen... cây chè cần rất nhiều.
Gần đây, Sở NN&PTNT Phú Thọ chỉ đạo TT Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình sử dụng phân bón Văn Điển, loại đa yếu tố NPK chuyên dùng cho chè, cụ thể là:
Năm 2015, triển khai mô hình 3ha tại xã Vân Lĩnh huyện Thanh Ba và mô hình 3ha tại xã Võ Miếu huyện Thanh Sơn.
Năm 2016, triển khai mô hình bón phân chuyên dùng cho chè kinh doanh với giống PH1 tại xã Ngọc Lập (Yên lập) và xã Ca Đình (Đoan Hùng).
Sử dụng phân bón NPK Văn Điển chuyên dùng cho chè loại 16.8.8 (N = 16%; P2O5 = 8%; K2O = 8%; CaO = 10%; MgO = 7%; SiO2 = 9%; S = 2%) và các chất vi lượng Zn, B, Mo; hoặc loại NPK Văn Điển 16.8.4 (N = 16%; P2O5 = 8%; K2O = 4%; CaO = 15%; MgO = 8%; SiO2 = 13%; S = 2%) và các chất vi lượng Zn, B, Mo. Tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 60% với mức bón từ 60 - 80kg/sào/năm tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng và tiềm năng năng suất chè búp. Hàng năm, bón làm 3 lần: Lần 1 vào tháng 2, bón 40% lượng phân. Lần 2 bón vào tháng 5 khoảng 30%, lần 3 vào tháng 7, tháng 8 hết số phân còn lại.
Mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng Văn Điển chè đanh búp, ngoại hình của các mẫu chè có thoáng tuyết, chè có màu xanh lá gừng không xanh đậm như bón phân truyền thống, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, số lần phun thuốc giảm so với lô đối chứng 3 lần, năng suất tăng 450-500kg búp tươi/ha . Đặc biệt, khi sao chè chỉ tốn khoảng 4 - 4,25 kg búp tươi để được 1 kg chè khô, trong khi chè canh tác theo truyền thống phải 5 kg búp tươi mới cho 1 kg chè khô. Tuy chưa tính được tác dụng cải tạo và bồi dục đất trồng chè khi bón phân NPK chuyên dùng Văn Điển, song giảm phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh là đã bảo vệ mội trường sinh thái, đồng thời giảm công lao động mà hiệu quả kinh tế tăng trên 13 triệu đồng mỗi ha chè.
Kết quả các mô hình trình diễn trên cộng với kinh nghiệm thâm canh chè nhiều năm của 2 công ty chè liên doanh: Phú Đa và phú Bền; tham khảo kinh nghiệm của nông dân các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương... tỉnh Thái Nguyên; theo hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông Phú Thọ, nông dân Phú thọ đã nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho chè tỷ lệ 2:1:1 hoặc 4:2:1. Với cách làm đơn giản: Chỉ việc kéo ghé lưỡi cuốc giữa 2 hàng chè, rải phân rồi lấp đất và kéo các chất che phủ kín phân, nông dân dễ làm; vừa tốn ít phân bón hơn, ít sâu bệnh hơn mà năng suất, chất lượng chè búp cao hơn.
Thăm các vùng chè Phú Thọ đến đâu cũng thấy
những nương chè xanh mát, đông đặc búp non vươn dài, biểu hiện của năng suất búp
cao, chất lượng tốt. Thực sự, phân bón Văn Điển đã tỏa sáng trên khắp các vùng
chè Phú Thọ.