Quản trị chuỗi cung ứng - kiểm soát lợi nhuận
Sáng ngày 21/8/2018, tại Hà Nội, Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” đã chính thức được diễn ra nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng - Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 180 nước và thu hút vốn đầu tư trên 100 quốc gia.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao. Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi con số này ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao - ông Nguyễn Văn Nam cho biếtĐiều này khiến các doanh nghiệp ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất, ông Nam nhận định.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang – Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị - Công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam cho biết, để đến tay người tiêu dùng, bất kỳ sản phẩm nào cũng đều phải trải qua một hành trình chông gai, cần có sự phối hợp của rất nhiều khâu: từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, đến các nhà máy gia công sản phẩm, rồi đến tay các đơn vị vận chuyển, các bến cảng, phương tiện vận chuyển, tiếp đến là các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ.
Đó là một chu trình khép kín hay còn gọi là chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập dự báo và lập kế hoạch, việc phối hợp giữa các bộ phận còn yếu, quản lý tồn kho chưa hiệu quả, chưa thiết lập hệ thống và quy trình quản trị doanh nghiệp. Những yếu kém này là nguyên nhân cho một loạt các hệ quả khác như: năng suất thấp, chi phí hàng tồn kho cao, sản phẩm tiêu thụ được thì không có hàng để bán trong khi sản phẩm không bán được thì đọng trong kho rất nhiều, giao hàng trễ, tồn kho cao từ 45-50 ngày...
“Quản lý tốt chuỗi cung ứng sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả tại từng khâu, từ đó giúp tăng lợi nhuận, tăng khả năng cạnh tranh cho công ty”, ông Quang khẳng định.
Công nghệ - nền tảng giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các ứng dụng công nghệ số để phát triển, đồng thời giảm thiểu chi phí logistics và giao dịch. Áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Toàn – Chủ tịch ePacfic chia sẻ.
Áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranhTheo ông Toàn, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về mặt bằng, chi phí quảng cáo, đồng thời lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng đến nhiều đối tượng khách hàng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề về chi phí, về công nghệ có nơi còn cao; sự hiểu biết về thương mại điện tử của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp.
Để vượt qua thách thức này, ông Toàn kiến nghị, Chính phủ đã đẩy mạnh việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.
Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc. Các doanh nghiệp cùng ngành hàng phải liên kết với nhau để phát huy lợi thế từng doanh nghiệp và nâng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Về chiều dọc, doanh nghiệp phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cấp công nghệ.