Bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Đình Ân -
nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia về các nội dung liên
quan.
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế năm 2014 và những tháng đầu năm
2015?
Ông Lê Đình Ân: Năm 2014 và quý 1/2015, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu
tốt, giúp cho nền kinh tế có sự tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Tổng cầu của nền kinh tế đang dần được
phục hồi; lạm phát đang ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một số cơ chế, chính
sách cụ thể nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thị trường đầy đủ hơn.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý 1/2015 đạt mức 6,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với
mức tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2014 là 4,96%. Đây là kết quả của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng
tăng trưởng tốt hơn ở mức 8,35% so với quý 1/2014 (chỉ tăng 4,9%). Đặc biệt, ngành công nghiệp sản
xuất và chế biến (chiếm khoảng 50% lĩnh vực công nghiệp và xây dựng) tăng trưởng 9,51% so với quý
1/2014 (ngành này tăng 7,3% trong quý 1/2014 so với cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, các lĩnh vực khác
đang gặp khó khăn. Xuất khẩu tăng chậm so với mục tiêu kế hoạch năm (6,4% so với 10%), trong khi
nhập khẩu tăng cao (14,8%), nhập siêu gần 2 tỷ USD thay vì xuất siêu.
- Ông có thể nói rõ hơn những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải hiện nay?
Ông Lê Đình Ân: Qua kết quả của quý 1/2015 cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn
tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, thể hiện ở
mức tăng trưởng của nông nghiệp, thủy sản đang giảm mạnh trong quý 1/2015, đặc biệt là xuất khẩu
thủy sản, gạo… đang giảm.
Ngành dịch vụ đang còn khó khăn, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh trong quý 1/2015.
Điều này chưa tạo được động lực mới, làm cơ sở đột phá cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Rõ
ràng, tổng cầu của nền kinh tế đang hồi phục nhưng chậm và chưa vững chắc.
Nhiều công trình đầu tư đã có hiệu quả nhưng chưa cao, thời gian thi công kéo dài làm cho tổng vốn
tăng cao so với dự toán. Ngoài ra, thời tiết diễn ra khá phức tạp gây khó khăn cho sản xuất nông,
lâm nghiệp.
Điều đáng lưu ý là những khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản
như nợ xấu; nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là các ngành ngân hàng, doanh
nghiệp nhà nước. Nhiều giải pháp được Chính phủ đề ra là thời sự và rất cần cho nền kinh tế nhưng
cơ chế thực hiện sẽ rất khó khăn, cần thời gian để điều chỉnh…
- Ông có đề xuất gì về giải pháp để khắc phục?
Ông Lê Đình Ân: Trong những tháng tới, cần thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp mà
Chính phủ đã ban hành như ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện cho phát triển
sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất lao
động; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường…
Đối với chính sách tỷ giá, cần theo dõi sát sao diễn biến của giá USD trên thị trường quốc tế; có
chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, cần kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng
chéo.
Trước khó khăn do sản xuất nông nghiệp suy giảm, Việt Nam cần tập trung vào phát triển nông nghiệp
nhằm đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Muốn vậy, chính sách cho nông nghiệp, nông
thôn cần phải được nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: lúa
gạo, nông sản, thủy sản xuất khẩu. Cần phát triển thị trường trong nước, từ thu mua, chế biến cho
đến tiêu thụ; xây dựng hệ thống thương mại trong nước kể cả bán buôn, bán lẻ, không để tư thương,
công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.
Trong trung và dài hạn, vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải được chú
trọng hơn. Theo đó, phải xây dựng một hướng đi rõ ràng cho mô hình tăng trưởng. Mô hình
đó phải phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ; phải tính đến hiệu quả kinh tế; tính
đến chiến lược phát triển lâu dài của kinh tế Việt Nam như kinh tế biển, đảo; hội
nhập kinh tế quốc tế...
Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút
ngắn thời gian nộp thuế, cắt bớt giấy phép "con," "cháu."
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế giúp các doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định
thương mại đã ký kết, sắp ký kết… Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp quan trọng là cần mạnh dạn đổi mới
thể chế quản lý kinh tế. Điều này, chúng ta đã nói rất nhiều, và có lúc đặt nó như bước đột phá
nhưng chưa làm được bao nhiêu./.