PV: Thưa ông, việc Đức Giang liên tục ra mắt các showroom giới thiệu nhãn hàng thời trang HeraDG và S.Pearl thể hiện động thái của Đức Giang sẵn sàng đón nhận TPP?
Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng: Đối với thị trường nội địa, Đức Giang đã chú trọng đầu tư từ nhiều năm nay nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Liên tiếp hai thương hiệu thời trang nữ ra đời là để phục vụ đa dạng các đối tượng, từ những người trẻ trung, năng động, hiện đại, đến những quý bà yêu thích sự trang nhã với gu thời trang tinh tế, sang trọng. Sau hơn 1 năm ra mắt, bằng việc tiếp tục mở các showroom mới, thương hiệu thời trang HeraDG và S.Pearl đã khẳng định vị trí của mình trong làng thời trang Việt Nam.
Việc chủ động hoàn toàn từ khâu thiết kế đến lựa chọn nguyên phụ liệu để làm ra sản phẩm cuối cùng gần như là bước chuẩn bị, tập dượt khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Bởi rõ ràng, khi gia nhập TPP, dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe về thiết kế, về lo nguồn cung ứng nguyên phụ liệu… Thay vì trước kia chỉ biết nhận của khách hàng để gia công, thì nay Đức Giang đã quen với việc tự tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu của thiết kế, biết phải mua cái gì, ở đâu, giá như thế nào cho đúng. Điều đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm của Đức Giang. Với những bước đi này, Đức Giang thể hiện khả năng, khẳng định vai trò, cũng như kinh nghiệm của mình trong ngành Dệt May Việt Nam hội nhập toàn cầu.
PV: Vậy ở thị trường nội địa, Đức Giang tập trung cho phân khúc thị trường nào, thưa ông?
Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng: Trước kia chúng ta thường nói “sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”, nhưng bây giờ ở Đức Giang không còn điều đó nữa. Với Đức Giang, sản phẩm dù là xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa đều như nhau, chỉ có một tiêu chuẩn. Dứt khoát hàng đã mang thương hiệu Đức Giang là hàng đẹp, giá cả hợp lý, chứ nhất định không sản xuất loại hàng thấp cấp, giá rẻ. Chúng tôi nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của người tiêu dùng, để biết người ta cần gì thì mình sản xuất cái đó. Trong công tác duyệt mẫu, Đức Giang quan tâm đến lứa tuổi và mùa, đối tượng này tỉ lệ bao nhiêu, chất liệu thế nào, mẫu mã ra sao… đều được nghiên cứu xu hướng thời trang rất kỹ thông qua tất cả các nhà thiết kế, các buổi duyệt mẫu và lựa chọn nguyên phụ liệu rất nghiêm túc, sao cho phù hợp nhất trước khi đưa ra thị trường. Đó là cách xây dựng thương hiệu của Đức Giang. Và thông qua doanh số bán hàng tại các showroom thời gian qua, có thể thấy, thương hiệu thời trang Đức Giang đang rất được khách hàng ưa chuộng, đánh đúng thị hiếu và mức thu nhập của khách hàng. Đây cũng là điều đáng mừng, qua đó, Đức Giang khẳng định tính chuyên nghiệp, là một trong những tổng công ty dệt may hàng đầu Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thăm gian hàng của Tổng công ty Đức Giang tại Trung tâm Thương mại V + Hòa Bình, số 505 phố Minh Khai - Hà Nội và trò chuyện với các đối tác nước ngoài của TCTPV: Thương hiệu Đức Giang đã được khẳng định không chỉ ở thị trường nội địa mà cả các thị trường quốc tế khó tính. Và Tổng công ty đã có sự chuẩn bị như thế nào khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực?
Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng: Khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực thì việc tận dụng được cơ hội này không phải là dễ. Cơ hội càng lớn thì thách thức càng lớn, vì rất nhiều đối tác, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia cơ hội này, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây không chỉ là thách thức với riêng Đức Giang mà với cả các doanh nghiệp dệt may. Nhất là trong Đại hội cổ đông vừa qua, nhiệm kỳ 5 năm 2015-2020, hướng phát triển của Tổng công ty Đức Giang từ nay đến năm 2020 gần như tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu cũng như doanh thu hiện tại, phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch khoảng 6.000 tỉ đồng.
Và để đạt được điều đó thì song song với phát triển thị trường, Đức Giang cũng chú trọng đến đầu tư và quản trị doanh nghiệp. Từ thiết kế, đến sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu Đức Giang đều đặc biệt quan tâm, gồm cả đào tạo công nhân, cán bộ, tuyển dụng, nâng cấp máy móc thiết bị để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của TCT. Việc đầu tư cũng phải xác định “càng đi sau thì càng phải công nghệ hiện đại”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về định hướng này của Đức Giang?
Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng: Muốn phát triển thì phải đầu tư, do đó, trong những năm qua, bình quân cứ 1 đến 2 năm, Đức Giang lại có một nhà máy mới. Các nhà máy đều chia ra xây dựng theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn lại nâng công suất lên và tuyển thêm nhiều lao động. Thông thường, một nhà máy sẽ giải quyết khoảng 1.500-2.000 lao động, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Đức Giang như sơ mi, jacket, quần âu.
Chúng tôi xác định, đầu tư bây giờ là đầu tư cho tương lai, nên tư duy đầu tư cũng thay đổi. Khi đặt vấn đề đầu tư một nhà máy, chúng tôi quan tâm tới nhà xưởng, máy móc, lao động và chuyển giao công nghệ. Nếu như trước kia, quan niệm đầu tư thêm nhà máy mới là tận dụng máy móc thiết bị, rồi cố gắng tiết kiệm chi phí, thì nay, càng đầu tư sau càng phải công nghệ hiện đại mới đủ sức cạnh tranh. Không đầu tư máy móc quá đơn giản mà đầu tư máy móc hiện đại làm sao để giảm thiểu công sức lao động và đem lại năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Đó còn là về vấn đề hợp tác với những khách hàng tiềm năng. Khi họ đến thăm nhà xưởng, nếu quá cũ kỹ, đối tác sẽ khó có thể hợp tác với mình, bởi thị trường đang biến động hàng ngày, hàng giờ, mình không thể cứ mãi lạc hậu, ăn xổi. Thực tế đã chứng minh, chúng tôi có những khách hàng rất kỹ tính, trước khi ký hợp đồng làm ăn, họ cho người đến khảo sát tình hình nhà xưởng, thấy trang thiết bị hiện đại, công nhân làm việc qui củ họ mới ký và đó là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.
Khách thăm quan gian hàngVề lao động, khi mới thành lập, chúng tôi tổ chức đào tạo nhân công để tuyển vào nhà máy. Còn khi nhà máy đã đi vào hoạt động, công nhân được đào tạo ngay tại nhà máy, trên dây chuyền hiện đại luôn. Chúng tôi cũng liên tục tổ chức các lớp học mời giáo viên của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội về dạy cho các chuyền trưởng, tổ trưởng, quản lý; tổ chức cả các lớp tập huấn về các giải pháp sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất chất lượng cho người lao động. Do đó, người lao động yên tâm làm việc và tự họ phải hiểu, càng năng suất cao, tiết kiệm chi phí thì thu nhập của họ càng cao. Còn sản phẩm bị lỗi, làm việc không năng suất thì thu nhập thấp. Điều đó tất cả là phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và kỹ năng của chính người lao động.
Riêng đối với chuyển giao công nghệ thì nhất định phải có yếu tố nước ngoài. Có những loại sản phẩm cao cấp mà kỹ thuật của nó rất khó, phải áp dụng công nghệ hiện đại mới sản xuất được thì việc lựa chọn công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ phải đặc biệt ưu tiên. Thường là những công nghệ đó chỉ có được khi mình hợp tác với các khách hàng nước ngoài, có uy tín, bởi không phải cứ có tiền là mua được mà có những loại máy muốn mua cũng không có trên thị trường. Nhưng nếu đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ, họ sẽ có trách nhiệm đưa máy đến cho mình, để có thể sản xuất những sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng họ đưa ra.
Với tất cả các yếu tố trên, cuối cùng chúng tôi sẽ xem xét để so sánh, nếu một nhà máy được đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu thì hiệu quả như thế nào. Chúng tôi thấy rất tốt, rất hiệu quả và đây sẽ là định hướng cho những năm tới đây của Đức Giang, các nhà máy tiếp theo chúng tôi cũng sẽ làm như vậy. Đây cũng là động thái để chúng tôi hoàn thiện mình, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiến tới tham gia vào các chuỗi dệt may lớn, mang tính toàn cầu, khẳng định đẳng cấp của doanh nghiệp.
PV: Nhưng việc được tham gia vào các chuỗi dệt may lớn đang là thách thức với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và không hề đơn giản để đạt được các tiêu chí?
Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng: Đúng vậy. Tuy nhiên, muốn buôn bán thì không có cách nào khác là anh phải tham gia vào các chuỗi. Ở đó mình sẽ được cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào, được có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng bên cạnh đó anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, chuỗi càng lớn, các tiêu chuẩn càng khắt khe. Còn nếu anh đứng ngoài chuỗi thì khi anh cần có thể anh không mua được nguyên liệu, hoặc khi sản phẩm ra thị trường người ta đã có rồi, mình không vào được thì cũng không thể tiêu thụ được, khả năng cạnh tranh kém. Khi đó, hoặc là mình phá sản, hoặc là mình chỉ là đơn vị vệ tinh, đi làm thuê lại cho những anh khác mà thôi.
Do đó, Đức Giang tập trung mọi nguồn lực để kết nối khách hàng, hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cấp nhà máy, nâng cao năng suất, chất lượng và kể cả lương người lao động cũng được cải thiện, đến một mức độ nào đấy khi mình đáp ứng được các tiêu chuẩn của các chuỗi thì mình sẽ nhàn, bởi luôn được đảm bảo cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm. Thực ra bây giờ không phải Đức Giang không nằm trong chuỗi nào, mà là tham vọng được tham gia vào các chuỗi lớn hơn, mang tính toàn cầu. Hy vọng là với những nỗ lực của Đức Giang thì điều đó chúng tôi sẽ đạt được trong thời gian không xa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!