Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS (mã chứng khoán: GAS - sàn HoSE) mới thông báo về việc gia hạn ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sang ngày 25/5/2023; ngày đăng ký cuối cùng cũng được dời xuống ngày 4/5/2023.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, trong năm nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam đặt kế hoạch cung cấp 7,6 tỷ m3 khí cho các hộ tiêu thụ với tổng doanh thu dự kiến trên 75.000 tỷ đồng; tiếp tục là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và đạt được kỳ vọng của cổ đông.
Trong năm 2022, Tổng Công ty Khí Việt Nam ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 100.723 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 15.062 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 70% so với năm 2021. Đây cũng là những mốc kết quả kinh doanh cao nhất mà tổng công ty đạt được kể từ khi thành lập đến nay.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4, giá cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm 1,90%, đạt 98.100 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt hơn 234.000 cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam trong năm 2023 được nhận định sẽ có sự sụt giảm nhất định sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2022, chủ yếu nhờ giá năng lượng toàn cầu neo ở mức cao.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam trong năm nay cũng có một số điểm thuận lợi khi sản lượng khí khô tiêu thụ (đóng góp trung bình 50% doanh thu hàng năm) được dự báo sẽ tăng lên. Dự kiến huy động điện từ các nhà máy điện khí vốn là khách hàng chính của Tổng Công ty Khí Việt Nam sẽ tăng lên trong năm nay, do huy động điện từ thuỷ điện giảm khi hiện tượng El Nino quay trở lại từ quý II/2023 sẽ khiến lượng nước về hồ của các nhà máy thuỷ điện giảm xuống.
Bên cạnh đó, sản lượng khí từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt và lô 15-1 dự kiến sẽ thúc đẩy tổng sản lượng khí từ Nam Côn Sơn - giai đoạn 2 trong năm nay tăng so với năm 2022, qua đó góp phần bù đắp sự hao hụt tự nhiên sản lượng khí tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn - giai đoạn 1 vốn đã khai thác lâu.
Trong trung và dài hạn, với vai trò là nhà đầu tư chính với khoảng 5,1 tỷ USD (tương đương 51% tổng vốn đầu tư) của dự án đường ống Lô B - Ô Môn, Tổng Công ty Khí Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi chuỗi dự án này nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID).
Trong tháng 2/2023, thoả thuận khung Hợp đồng bán khí cho dự án Nhiệt Điện Ô Môn II và bao tiêu khí từ Lô B - Ô Môn đã được ký kết. Đây là sự kiện khơi thông cho việc tiếp tục triển khai các công tác cần thiết, nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với mục tiêu có FID trong tháng 6/2023, cũng như hoàn thành hợp đồng EPC trong cùng khoảng thời gian. Qua đó, hướng đến mục tiêu dự án có dòng khí đầu tư (first gas) vào quý IV/2026.
Đồng thời, với vị thế là nhà nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất Việt Nam, Tổng Công ty khí Việt Nam sẽ hưởng lợi từ nhu cầu sử dụng khí LNG trong nước đang tăng lên. Tổng Công ty Khí Việt Nam hiện đang là nhà đầu tư tiên phong khi sở hữu 9/14 kho LNG sẽ được xây dựng và khai thác trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, Dự án kho chứa 1 triệu tấn LNG Thị Vải do Tổng Công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành hạng mục xây dựng cơ khí và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.