Tổng Công ty Thép Việt Nam với những giải pháp nâng cao hiệu quả môi trường

Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, ngành Thép Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo việc gia tăng tốc độ khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản

Thực trạng môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản của TCty Thép Việt Nam  (VNSTEEL)

Theo kết quả khảo sát mới nhất, đất và địa hình tự nhiên bị tác động đầu tiên và mạnh nhất, do quá trình thăm dò, khai thác, chế biến TNKS. Khảo sát ở mỏ quặng sắt Trại Cau, Tân Tiến và một số mỏ do địa phương khai thác; mỏ than mỡ Phấn Mễ; mỏ vật liệu chịu lửa và đất sét Trúc Thôn và nơi chế biến khoáng sản cho thấy:

Khai thác, vận chuyển: Việc khai thác và đổ thải ở các mỏ này đã phá huỷ cấu trúc đất đá, tạo điều kiện phân tán chất thải rắn từ khu mỏ đến các nơi khác. Bên cạnh đó, quá trình khai thác, đổ thải, tháo khô mỏ và tuyển rửa đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây nứt nẻ, dịch chuyển bề mặt và gây sụt lún bề mặt. Đất đá thải ở các khai trường và bãi thải bị cuốn theo nước mưa chảy vào các dòng suối đã làm thay đổi dòng chảy, biến dạng địa hình, tác động xấu đến sinh thái, cảnh quan khu vực. Hàng năm các mỏ của VNSTEEL còn sử dụng lượng chất nổ khá lớn. Khi nổ mìn đã phát sinh ra lượng bụi và khí nổ phát tán ra môi trường xung quanh và lắng đọng mặt đất, nguồn nước. Một lượng bụi khá lớn phát sinh do quá trình vận chuyển đất đá thải và TNKS chưa chế biến về các xưởng tuyển cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm. Một số cây cối ven đường đã bị chết hoặc phát triển chậm. Khi tuyển quặng sắt và than, một lượng bùn thải khá lớn có lẫn dầu, mỡ và các hoá chất dùng để tuyển được thải ra, cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

            Chế biến khoáng sản: Trong quá trình luyện gang, thép và cán thép, nước dùng để làm mát thiết bị, sản phẩm ở mọi công đoạn khi thải ra ngoài cũng gây ô nhiễm do một số khoáng chất dư thừa, dầu, mỡ bôi trơn, các cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác. Nước dùng để pha chế các loại hoá chất để tẩy, rửa kim loại, pha sơn mạ màu... khi thải chứa lượng hoá chất độc hại. Vì thế, khả năng gây ô nhiễm ở công đoạn này có nguy cơ cao hơn các công đoạn khác. Quá trình luyện gang và thép theo công nghệ lò cao hoặc lò điện có lượng khí và bụi phát sinh gây ô nhiễm môi trường không khí. Trong công đoạn cán thép, khí bụi chủ yếu phát sinh do đốt lò bằng dầu FO, khí bụi sẽ phát tán ra gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đánh giá hiện trạng về ô nhiễm môi trường

Quy hoạch, bố trí nhà máy không phù: Đến thời điểm hiện nay, Công ty Gang thép Thái Nguyên thuộc VNSTEEL là nơi duy nhất có Khu liên hợp luyện kim khép kín (từ khai thác quặng sắt, than mỡ, luyện cốc, luyện gang, luyện thép và cán thép). Ngoài ra, còn có 12 nhà máy sản xuất thép của VNSTEEL nằm trong các Khu công nghiệp như: Quán Toan (Hải Phòng); Biên Hoà I, Biên Hoà II (Đồng Nai); Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu); Liên Chiểu (Đà Nẵng)... Trong số các khu công nghiệp nêu trên, có 14 nhà máy sản xuất thép nằm xen lẫn khu dân cư, thậm chí ngay trong lòng đô thị (như ở Tp. Hồ Chí Minh), số còn lại nằm rải rác ở các vị trí ít nhậy cảm hơn. Nguyên nhân của việc quy hoạch bất cập này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, khó khăn cho vấn để kiểm soát và xử lý ô nhiễm của các doanh nghiệp.

Ngoài VNSTEEL, hiện nay ở Việt Nam còn có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp sản xuất thép của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước với đầy đủ các chủng loại sản phẩm, sản lượng chiếm tới 45% tổng sản lượng sản phẩm thép được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động sản xuất luyện và cán thép của các doanh nghiệp này đều phát ra lượng chất thải có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường tại các làng nghề và các xí nghiệp nhỏ lẻ thường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 Giải pháp hạn chế ô nhiễm: Trước thực trạng trên, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thép Việt Nam là tìm mọi biện pháp để khai thác và chế biến hiệu quả TNKS trong nước cho sản xuất gang, thép và tăng cường BVMT trong hoạt động khoáng sản và sản xuất thép của VNSTEEL.

+ Xử lý nước thải: VNSTEEL đã nghiên cứu phân tích các chỉ tiêu xác định mức độ ô nhiễm tại 2 vị trí quan trắc là cống thải chung của khu vực Nhà máy và tại cống thải chung của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho thấy, nguồn thải có mức độ ô nhiễm cao (biểu hiện hàm lượng BOD, COD cao hơn tiêu chuẩn quy định từ 1,4 đến 2 lần; phenol từ 1,6 lần; amoni: 2.184 lần và dầu mỡ: 3.16 lần). Vì thế, TISCO đã phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải khá hoàn chỉnh, kết quả chất lượng nước thải sau xử lý đã đủ điều kiện xả ra môi trường. Các đơn vị thuộc TISCO và Công ty Thép Miền Nam, các công ty liên doanh đã xây dựng hệ thống cấp nước tuần hoàn nên chỉ cấp bổ sung thêm 10% nguồn nước mới.

 + Xử lý khí, bụi: Kết quả đo kiểm tải lượng phát thải và nồng độ chất thải sau khi đã qua hệ thống xử lý cho thấy, quá trình luyện 1 mẻ thép sẽ có giai đoạn ít bụi nhất, giai đoạn trung bình và giai đoạn bụi phát ra với cường độ mạnh. Quá trình tăng cường phun ôxy và phun than, lượng bụi phát ra nhiều nhất (gấp nhiều lần so với lúc bình thường). Đây là giai đoạn khó khăn nhất khi hút và lọc bụi tại các lò luyện thép. VNSTEEL đã đầu tư và xây lắp hệ thống hút bụi tại các lò luyện gang và luyện thép. Bụi được thu gom xử lý và sử dụng lại như nguyên liệu. Khói qua hệ thống lọc và xử lý sau đó thải ra qua ống khói cao hơn 30 m.

+ Xứ lý chất thải rắn bao gồm tro, xỉ, ô xít kim loại được hình thành và phát sinh từ các khâu sản xuất như sau từ luyện gang và thép có 3-4% xỉ trong tổng số lượng nguyên liệu đầu vào, với số lượng bình quân khoảng gần 30.000 tấn/năm; từ gia công kim loại nóng khi nung thép ở nhiệt độ cao có 1-1,5% vảy ô xít kim loại, với số lượng bình quân khoảng gần 7.000 tấn/năm; Từ khâu phân loại sắt thép phế sẽ loại bỏ một lượng phi kim loại gần 2% số lượng sắt thép phế đưa vào sử dụng, với số lượng bình quân khoảng gần 90.000 tấn/năm; Từ các khâu khác đã tạo ra loại chất thải rắn như: quặng thải, xỉ than, phế thải vật liệu chịu lửa, phoi kim loại, bã đất đèn...

Mục tiêu và giải pháp bảo vệ môi trường của TCty đến 2020

Để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Thép trong giai đoạn 2010-2020 là xây dựng một nền sản xuất thép hiện đại ngang tầm các nước trên thế giới và khu vực, chú trọng thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cần phải thực hiện 6 mục tiêu sau về quản lý hoạt động khoáng sản và BVMT của TCty Thép.

a) Lựa chọn và áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến và sản xuất sản phẩm thép tiên tiến. Lựa chọn công nghệ luyện kim thích hợp nhằm tận dụng triệt để khí thiên nhiên và các loại than trong nước. Sử dụng công nghệ "Sản xuất sạch hơn" tại một số cơ sở thuộc VNSTEEL.

Tận dụng triệt để và tối đa TNKS và nguồn sắt thép phế trong nước phục vụ cho nhu cầu phát triển của VNSTEEL. Trước hết phải gấp rút thực hiện việc xác định và chuẩn hoá tài liệu địa chất các loại TNKS, đặc biệt lưu ý là tài liệu cơ sở về nguồn quặng sắt trên phạm vi cả nước; Xây dựng quy hoạch khai thác từng loại TNKS đáp ứng cho nhu cầu của các Dự án đầu tư mới, đầu tư cải tạo của VNSTEEL và sử dụng hợp lý tiết kiệm nguồn TNKS;

b) Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị nhằm bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh gây tác động tiêu cực bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn vật tư, nguyên nhiên liệu. Kết hợp với biện pháp xử lý cuối nguồn để đảm bảo sản xuất hiệu quả và không gây rủi ro cho con người và môi trường.

c) Kết hợp đầu tư chiều sâu để nâng công suất các nhà máy cán hiện có với việc đầu tư xây dựng mới một số nhà máy cán thép công suất vài chục vạn tấn/năm sử dụng phôi thép nhập từ nước ngoài và phôi sản xuất trong nước.

d) Đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp sản xuất thép với công suất 4,5 triệu tấn sản phẩm/năm sử dung nguồn TNKS trong nước (quặng sắt, than và trợ dung) để sản xuất phôi thép và các sản phẩm thép cán, tôn mạ màu...

e) Đáp ứng đủ thép xây dựng thông thường. Đầu tư  xây dựng nhà máy sản xuất các loại thép chất lượng cao, thép hợp kim và một số thép đặc biệt khác phục vụ ngành chế tạo máy và công nghiệp quốc phòng.

g) Xây dựng và củng cố nguồn nhân lực và nâng cao vị thế từng doanh nghiệp trong VNSTEEL. Đáp ứng nhu cầu về việc làm, thu nhập, đóng góp cho xã hội, duy trì phát triển thông qua chính sách cân bằng các lợi ích.

Để tận dụng nguồn TNKS trong nước nhằm mang lại hiệu quả kinh tế (như tiết kiệm ngoại tệ do nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động, phát triển vùng dân cư, chống suy thoái môi trường...) cho phát triển sản xuất bền vững của VNSTEEL trong giai đoạn 2010-2020 cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nêu trên. Trong quá trình triển khai thực hiện không nên coi nhẹ giải pháp nào, bởi các giải pháp đó có tính thống nhất và tính đồng bộ cao.