Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; đại diện các Cục/Vụ Bộ Công Thương: Công nghiệp, Kế hoạch tài chính, Tổ chức cán bộ; Thanh tra cùng Lãnh đạo Tổng Công ty VEAM và các đơn vị thành viên; Giám đốc, Chủ tịch công đoàn các Chi nhánh của Tổng công ty.
Lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2022
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024 do ông Phan Phạm Hà – Tổng Giám đốc VEAM trình bày tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, ảnh hưởng của đại dịch covid lên nền kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu, căng thẳng chính trị, xung đột quân sự trên bình diện thế giới khiến nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, song do chịu nhiều tác động của các yếu tố khách quan nên kết quả thực thực hiện các chỉ tiêu chính như giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu bán hàng của VEAM đều giảm so với năm 2022 và chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên lợi nhuận vẫn vượt mục tiêu kế hoạch năm và tăng mạnh so với năm 2022, chủ yếu nhờ vào hoạt động của Công ty mẹ.
“Điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh 2023 của VEAM đến từ hoạt động đầu tư tài chính”. Ông Pham Phạm Hà nhấn mạnh.
Cụ thể, về kết quả sản xuất: giá trị sản xuất công nghiệp ước 3.335,0 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch và bằng 82% năm 2022; doanh thu ước 4.399,6 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm và bằng 84% năm trước; lợi nhuận trước thuế ước đạt 8.318,4 tỷ, vượt 39% kế hoạch và tăng 33% so với năm trước, trong đó có đóng góp lớn từ các hoạt động đầu tư tài chính (bao gồm cả đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn). Mức lợi nhuận trên cũng đã bao gốm khỏa trích lập dự phòng hỗ trợ vốn mà các Công ty mẹ đã xây dựng trong kế hoạch từ đầu năm.
Kết quả trên ghi nhận một số doanh nghiệp có vốn góp của VEAM đã nắm bắt kịp thời các chính sách, điều kiện kinh tế,…giai đoạn phục hồi hậu Covid để có sự tăng trưởng trong năm 2022, do đó các khoản cổ tưc thu về cho Công ty mẹ tăng mạnh, ghi nhận vào doanh thu tài chính năm 2023. Tuy nhiên, so với năm 2022, giá trị SXCN và doanh thu bán hàng đều giảm khá mạnh. Bên cạnh các khó khăn khách quan, nguyên nhân chính vẫn cho do VEAM Motor vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp trong khâu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm.
Về hiệu quả kinh doanh, các đơn vị như DISOCO, Viện công nghệ FOMECO, Cơ khí Cổ Loa và Matexim đều có kết quả lợi nhuận tương đương và vượt năm 2022. Đặc biệt là DISOCO đã ghi nhận lãi được chia từ Ford Việt Nam (không nằm trong kế hoạch) nên lợi nhuận tăng rất cao. Một số đơn vị như SVEAM, TAMAC, Cơ khí Trần Hưng Đạo, FUTU1, Cơ khí chính xác, Vietranco bị sụt giảm lợi nhuận, đặc biệt là FUTU1 giảm lãi hơn 20 tỷ đồng so với năm 2022. Đặc biệt TAMAC và Viện Công nghệ tiếp tục có lãi từ năm 2022 sau nhiều năm thua lỗ.
Nhìn chung, các đơn vị DISOCO, SVEAM, FUTU 1 và FOMECO mặc dù doanh thu giảm so với năm trước, vẫn là những Công ty có doanh thu lớn đóng góp trên 80% tỷ trọng doanh thu của Công ty mẹ.
Ngoài ra các đơn vị liên doanh như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và Honda là các đơn vị đóng góp lớn vào hiệu quả của Công ty mẹ đồng thời góp phần tăng hiệu quả cao cho các đơn vị có vốn góp của VEAM nằm trong chuỗi cung ứng các dịch vụ và sản phẩm cho Toyota và Honda. Do thị trường ô tô năm 2023 gặp nhiều khó khăn nên TMV và HVN doanh số giảm lần lượt là 41% và 30%. FVL trở thành điểm sáng khi có doanh số tăng mạnh.
Nỗ lực cho mục tiêu năm 2024
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao những nỗ lực của Hội đồng quản trị và tập thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty VEAM trong năm 2023 đã vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được kết quả trên. Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhất trí và đánh giá cao các chỉ tiêu phương, kế hoạch mà Tổng công ty VEAM đề ra trong năm 2023.
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024, “VEAMcần hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai. Khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chủ động, tích cực thực hiện công tác nghiên cứu thị trường. Tìm kiếm, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường; Triển khai các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc tồn tại, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật; Tiếp tục thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của VEAM”. Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ông Nguyễn Khắc Hải khẳng định, ngay sau Hội nghị, VEAM sẽ đưa các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng vào chương trình, kế hoạch hoạt động của năm 2024. Đồng thời thực hiện các giải pháp đa dạng đồng bộ nhằm giải quyết các vướng mắc, tồn đọng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như tạo chuyển biến và hiệu quả hơn nữa các mặt hoạt động của Tổng Công ty”.
Với nhận định năm 2024 vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, Công ty mẹ VEAM và công ty con, công ty liên kết xây dựng kế hoạch với mục tiêu duy trì hoạt động ổn định, bền vững. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, năm 2024, Công ty mẹ VEAM xác định các mục tiêu sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại đều ở mức cao, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng 69% và kinh doanh thương mại tăng 141%. Tổng doanh thu tăng 6% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu về lợi nhuận dự kiến sẽ giảm mạnh do các doanh nghiệp có vốn góp VEAM đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 cùng với hiệu quả của việc đầu tư tài chính ngắn hạn suy giảm do mức lãi suất tiền gửi năm 2024 dự kiến thấp hơn nhiều so với năm 2023 ở mức 5.375 tỷ đồng, bằng 76% so với thực hiện năm 2023; giá trị xuất khẩu tương đương với năm 2023. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Tổng công ty VEAM đề ra như sau:
Thứ nhất, Công ty mẹ tập trung tìm giải pháp về pháp lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, cải thiện chất lượng và tiến độ giao hàng trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Thứ hai, đối với VEAM Motor, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, đề xuất phương án phù hợp để tiêu thụ xe tồn kho nhanh chóng, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật cần đẩy nhanh tiến độ hợp tác sản xuất và tiêu thụ xe sản xuất mới.
Thứ ba, VF tiếp tục triển khai đầu tư bổ sung để đồng bộ các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động khắc phục các vấn đề khó khăn liên quan đến máy móc, con người...
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, báo cáo tổng kết năm 2023 của VEAM cũng đưa ra các giải pháp để xử lý nhiều vấn đề còn tồn tại, vướng mắc như: Tiêu thụ hàng tồn kho; phương án/kế hoạch giải quyết và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong báo cáo giám sát tài chính đối với các công ty con, công ty liên kết, các đơn vị giám sát tài chính đặc biệt; đôn đốc thu hồi công nợ, tái cơ cấu công ty con để có nguồn trả nợ hoặc có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh để trả nợ...
Với sự nỗ lực và thành tích của các công ty con, tại Hội nghị, Tổng công ty VEAM đã khen thưởng cho 12 đơn vị có thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 gồm Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam, Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp; Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty CP Cơ khí Cổ Loa, Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM, Công ty CP Cơ khí An Giang, Công ty CP Đầu tư VEAM Tây Hồ, Chi nhánh Nghệ An, Viện Công nghệ, Đúc VEAM.