Kiên định mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu
Tại Hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững và không ngừng phát triển thị trường trong nước, sản phẩm săm lốp DRC, đặc biệt dòng sản phẩm công nghệ cao (lốp ô tô tải toàn thép) hiện đã có mặt trên hơn 45 nước, trong đó có những thị trường tiềm năng, nhưng rất khắt khe về đặc tính kỹ thuật; môi trường sử dụng như: Mỹ, Braxin, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU….
Thành quả này một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong chiến lược kinh doanh xuyên suốt của DRC, đó là: “DRC luôn xác định thị trường trong nước đảm bảo cho sự phát triển bền vững và thị trường xuất khẩu đảm bảo cho sự tăng trưởng không ngừng”. Đây là cơ sở nhằm tạo nền móng vững chắc để DRC tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, để chinh phục thị trường xuất khẩu, thời gian qua, DRC đã và đang tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm được thị trường nước ngoài quan tâm.
Bên cạnh đó, DRC đã đưa ra các nhận định rõ ràng về việc làm thế nào để các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP thực sự phát huy tính hiệu quả và DRC cần thực hiện những gì để khai thác được tiềm năng từ chính doanh nghiệp. Từ đó, liên tục trong 3 năm qua, DRC đặt hai mục tiêu chính: truyền thông và tự cải tiến. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế của DRC - trong đó tiên phong là các dòng sản phẩm lốp xe tải, xe khách.
Cơ hội và tinh thần tự lực đã giúp DRC chinh phục các chỉ số xuất khẩu đáng ghi nhận. Hiện tại, DRC đang tiếp tục triển khai nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm lốp và công suất sản xuất lốp Radial. Một số khách hàng châu Âu đã và đang tiếp xúc và dành nhiều quan tâm đối với DRC ở khá nhiều danh mục sản phẩm.
Hiện, DRC ghi dấu với các sản phẩm lốp Radial, chủ yếu là dòng lốp phục vụ cho ngành công nghiệp vận tải và sản xuất đạt tiêu chuẩn E-Mark, R117 - chứng chỉ khắt khe nhất dành cho các tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành và môi trường mà các nước châu Âu yêu cầu với sản phẩm săm lốp. Việc DRC đạt chứng chỉ E-mark, R117 cho sản phẩm lốp Radial đã mở cánh cửa rộng mở để săm lốp Việt tự tin chinh phục trời Âu với các mục tiêu rõ ràng là phủ rộng sản phẩm đến lục địa đang sử dụng gần như 100% lốp Radial toàn thép này.
Tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường khó tính và phát triển nhanh nhất mà DRC đang chinh phục, các dòng lốp Radial đạt các tiêu chuẩn Smartway và DOT đã và đang lăn bánh tại các cao tốc, các công trường sầm uất bậc nhất. Thị trường khó tính bậc nhất thế giới này là nơi DRC đặt các mục tiêu tăng trưởng lên đến 25% mỗi năm. Một con số ấn tượng với bất cứ một doanh nghiệp xuất khẩu nào.
Thị trường Nhật Bản là thị trường có yêu cầu chất lượng sản phẩm rất khắt khe từ khâu quản lý sản xuất đến khi sản phẩm ra đời và lưu trữ trong kho trước khi xuất sang Nhật Bản, DRC tự tin khi sản phẩm đã đạt chứng nhận JIS Nhật bản, từ đó đã từng bước tiếp cận được các đối tác là nhà sử dụng, là các doanh nghiệp vận tải để mở ra cơ hội trải nghiệm chất lượng lốp DRC lăn bánh tại Nhật. Đến nay, chất lượng lốp DRC đã được khách hàng Nhật Bản chấp nhận và tiếp tục tiếp cận nhiều hơn với các đối tác lớn để phân phối rộng hơn sản phẩm lốp DRC tại thị trường khó tính này.
Có thể nói hoạt động xuất khẩu của DRC là điểm sáng lớn giữa bức tranh công nghiệp sản xuất khá ảm đạm. Việc tự chủ hoạt động sản xuất, cung ứng, phát triển thị trường, truyền thông và đặc biệt là nắm bắt tốt các cơ hội từ các hiệp định đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, liên tục các năm qua, DRC vinh dự nhận danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương bình chọn.
“Tự hào là Thương hiệu Quốc gia nhiều năm liền, DRC luôn sẵn sàng phương thức hội nhập, phát triển một cách thuyết phục nhất, tận dụng và tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội hấp dẫn” - ông Lê Hoàng Khánh Nhựt chia sẻ.
Phát huy hơn nữa vai trò “nhạc trưởng”
Sự nỗ lực của doanh nghiệp chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh như hiện nay. Do đó, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt cho rằng, cần thiết hơn cả là sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò “nhạc trưởng”.
Cụ thể, trong bối cảnh hiện tại, để phát huy hiệu quả hơn trong công tác truyền thông cũng như kết nối giao thương trên nền tảng số, DRC đề nghị Lãnh đạo Sở Công Thương quan tâm đề xuất để UBND Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để quảng bá thương hiệu của thành phố thông qua các quan hệ đối ngoại.
Bên cạnh đó, trong xu hướng cạnh tranh vô cùng khốc liệt, logistics chiếm một vai trò quyết định khi Việt Nam chưa có các hãng tàu để đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy, việc kết nối các doanh nghiệp có chung đặc thù xuất khẩu để đảm bảo có dung lượng lớn container vào các thị trường trọng điểm thì chúng ta mới có cơ hội đàm phán giá cước với các hãng tàu.
Song song với đó, cần xây dựng hàng rào kỹ thuật từ cơ chế cho đến tính chất đặc thù của sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp thuần Việt xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam có ký kết hợp tác chiến lược toàn diện.
DRC cũng bày tỏ kiến nghị Chính phủ về việc hỗ trợ thuế và các chính sách xuất nhập khẩu đối với sản phẩm địa phương có vốn 100% Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp chứng nhận xuất xứ, kiểm soát các cửa khẩu Việt Nam cũng như khu thương mại tự do, để hạn chế việc gian lận xuất xứ hoặc trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với thương hiệu Việt.