Truyền thống tự hào
Ngay từ năm 1948, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, May 10 phát động phong trào thi đua yêu nước, các đơn vị và cá nhân đều hăng hái tham gia; nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến đã xuất hiện. Tiêu biểu là chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1952 - Đỗ Thị Kim Quy - công nhân may 18 tuổi, chiến sỹ thi đua của khu Việt Bắc - Đỗ Tùng Lâm - thợ cắt… và nhiều chiến sỹ thi đua được tặng áo lụa của Bác Hồ…
Kể từ sau ngày Bác Hồ kính yêu về thăm Công ty vào ngày 8/01/1959; các phong trào thi đua thường xuyên được phát động và được đông đảo CBCNV nhiệt tình hưởng ứng với kết quả cao và thiết thực. Phong trào “giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh” nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của bộ đội, đã đưa năng suất và chất lượng lên gấp 2 lần. Trong phong trào thi đua phấn đấu trở thành tổ lao động XHCN năm 1961, tổ may 3 phân xưởng may 2 là một trong những tổ đầu tiên được Nhà nước tặng danh hiệu: “Tổ lao động XHCN”. Sau 24 năm liên tục đạt danh hiệu này, năm 1985, tổ may 3 đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Theo gương tổ may 3 phân xưởng 2, đến năm 1985 có 484 lượt tổ được công nhận là Tổ lao động XHCN; hàng nghìn lượt người được công nhận chiến sỹ thi đua… Có 3 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động:
+ Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - thợ sửa máy - được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1962.
+ Đồng chí Vũ Thị Chất - quản đốc phân xưởng - được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985.
+ Đồng chí Nguyễn Thế Quang - Nguyên Tổng giám đốc Công ty được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2000.
Năm 1998, Công ty May 10 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới …
Năm 2005, May 10 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Năm 2008, May 10 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Tiếp bước vinh quang
Hiện nay, May 10 đã phát triển thành một hệ thống lớn với 10 xí nghiệp thành viên và 7 công ty: liên doanh, góp vốn và hợp tác sản xuất tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số lao động trên 11.000 người. Hệ thống máy móc thiết bị càng hiện đại, công nghệ sản xuất càng tiên tiến, May 10 càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.
Vấn đề hiện nay là thế hệ trẻ tiếp tục phong trào thi đua đó ra sao? Làm thế nào để thi đua trở thành động lực phát triển của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp? Từ thực tiễn tổ chức và phát động thi đua, chúng tôi cho rằng, thi đua chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi động viên được mọi nguồn lực từ mỗi cá nhân, mỗi bộ phận, mỗi tổ chức trong doanh nghiệp.
Ở May 10, hoạt động thi đua diễn ra đồng đều ở tất cả các vị trí công việc. Đối với công nhân, thi đua bắt đầu ngay trong quá trình đào tạo công nhân mới ở 2 nội dung chuyên môn và ý thức. Về chuyên môn, buổi đầu tiên học nghề, em nào may nhiều sản phẩm, có thao tác chuẩn nhất thì được cài hoa trên bảng. Thi đua tiếp tục được duy trì với các dấu mốc sau 1 tuần, sau 1 tháng...
Về ý thức, em nào có ý thức tốt sẽ được các bạn bình bầu, suy tôn một cách minh bạch và công bằng. Sau 1 tuần hoặc sau 1 tháng, các em sẽ viết cảm nhận của mình. Cảm nhận này cũng có thi đua, em nào viết hay cũng sẽ có thưởng và phần thưởng ở đây chỉ rất nhỏ như cuốn sách, hay đĩa DVD nói về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Như vậy, các em được tôn trọng. Em nào làm tốt thì được bình bầu, được tập thể tôn vinh. Đây cũng chính là cái nôi để phát hiện và đào tạo cán bộ quản lý. Có thể nói, thi đua được bắt đầu ngay từ khi các em bước chân vào nhà máy và nó sẽ đi cùng các em trong suốt quá trình công tác tại Công ty.
Đối với cán bộ quản lý, thi đua được cụ thể hóa bằng các tiêu chí đánh giá về doanh thu, giữ chân người lao động, chăm lo người lao động, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của đơn vị...
Ý tưởng thi đua của chúng tôi đến từ những việc nhỏ nhất. Nói cách khác, May 10 thi đua trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh việc tổ chức các hội thi nhân viên bán hàng xuất sắc, thi thợ giỏi, tổ trưởng sản xuất giỏi, còn có nhiều hình thức thi đua hàng ngày khác như thi đua chăm sóc người lao động: thi đua trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn cho công nhân, thi đua tập thể dục giữa giờ (được báo cáo hàng ngày bằng hình ảnh về Tổng công ty); thi đua giữ gìn, bảo quản thiết bị nhà vệ sinh sạch đẹp; thi đua tiết kiệm điện, thi đua giảm thiểu bộ phận không có hàm lượng chất xám; cho đến thi đua tiết kiệm tài nguyên nước, Công ty đã quy định: không rót nước đầy cốc, nước đã rót thì phải uống hết, trường hợp nước trắng còn thừa thì đem tưới cây, không được đổ thẳng ra cống... Xin được điểm qua một vài phong trào tiêu biểu:
- Phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch: Hàng năm, các đơn vị đều tự đăng ký mục tiêu và ký cam kết với Tổng công ty. Mục tiêu thi đua được chia thành từng ngày để dễ dàng kiểm soát, với khẩu hiệu “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Tất cả các ngày lễ lớn trong năm đều được phát động các phong trào thi đua cao điểm về năng suất và chất lượng. Kết thúc mỗi đợt thi đua đều có tổng kết khen thưởng và họp rút kinh nghiệm.
- Phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi: Mỗi CBCNV đều được phân công kèm cặp giúp đỡ công nhân, nhân viên mới. Các tổ sản xuất đều lập ma trận kỹ năng tay nghề, để tổ chức đào tạo những kỹ năng còn yếu và thiếu theo các thao tác tiên tiến. Đảm bảo mỗi người giỏi một việc và làm tốt nhiều việc khác. Hàng năm, Tổng công ty đều tổ chức luyện tay nghề, thi thợ giỏi; nhằm tìm ra những bàn tay vàng tham dự hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn Dệt May; đồng thời tìm ra những thao tác tiên tiến để phổ biến, áp dụng vào quá trình sản xuất.
- Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến: được phát huy rộng rãi trong toàn thể CBCNV, việc xét thưởng sáng kiến được thực hiện mỗi quý 1 lần, nhờ đó, 5 năm qua đã có 1.297 SKCT, làm lợi 13,5 tỷ đồng.
+ Tất cả các đơn vị đều có bộ phận nghiên cứu cải tiến nhằm tự thi đua để vượt qua chính mình và thi đua với đơn vị bạn. Nhờ đó mà thời gian chế tạo sơmi giảm từ 1889 giây/1sp (hơn 31 phút) năm 2007 xuống còn 696 giây (hơn 11 phút) năm 2012.
+ Triển khai đồng bộ mô hình sản xuất LEAN, đây là một trong những nội dung thi đua tích cực giữa các đơn vị sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm. Năng suất lao động bình quân toàn Tổng công ty tăng 7-10%/năm.
+ Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm đúng mức, từ năm 2010 đến 2014 đã có 4 đề tài cấp Bộ Công thương và 10 đề tài cấp Tổng cục Dạy nghề với kinh phí được duyệt 3,04 tỷ đồng. Các đề tài đã được Bộ Công Thương đánh giá cao.
+ Từ năm 2010 - 2014, hàng năm, Tổng Công ty đều tổ chức ngày hội ý tưởng. Tại các ngày hội này đã có 27 đề tài giải pháp, 25 ý tưởng, 260 sáng kiến cải tiến được xét thưởng, với tổng giá trị làm lợi trên 30 tỷ đồng.
- Thi đua nhận việc khó: Mỗi khi Tổng công ty hoặc đơn vị có khó khăn thì hầu hết CBCNV đều xung phong nhận việc khó khăn nhất với tinh thần “Tất cả vì sự phát triển bền vững của May 10”.
- Về phong trào yêu nước:
+ Từ 10/3/2010, Tổng công ty duy trì đều đặn hoạt động chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần tại trụ sở chính và tất cả các xí nghiệp thành viên ở 7 tỉnh thành phố trên cả nước; nhằm khích lệ lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
+ Ngày 15/5/2014, ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Đảng ủy đã đồng loạt tổ chức cho toàn thể CBCNV tham dự Lễ phát động “May 10 - vì biển đảo thân yêu” tại tất cả các đơn vị. Trong buổi Lễ phát động, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, CBCNV đã hăng hái tự nguyện đóng góp được gần 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào, chiến sỹ biển đảo.
Để các phong trào thi đua kết tinh được ý chí và nghị lực của từng thành viên và có sức lan tỏa ra cộng đồng, chúng tôi phân hạng thi đua thành 3 mức: Làm tốt mà không có sáng tạo được xếp ở mức trung bình; Làm tốt có sáng tạo hoặc biết áp dụng cái mới là mức khá; Làm tốt mà chia sẻ cho mọi người làm tốt hơn là mức giỏi.
Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh làm như vậy để mọi người đều có trách nhiệm, tự mình đào tạo mình, tự mình tự phát triển, cùng giúp đồng nghiệp với khẩu hiệu “mình vì mọi người”.
Chính vì vậy, ở May 10, thi đua trở thành phong trào rộng lớn, thường xuyên, liên tục, có sức lan tỏa lớn và được duy trì ngay cả trên nền khen thưởng. Thí dụ, mỗi năm, chúng tôi tổ chức bình bầu những người tiêu biểu nhất, rồi thưởng cho chuyến học tập, tham quan các khu di tích lịch sử như Côn Đảo, nghĩa trang Trường Sơn, các danh lam thắng cảnh của đất nước. Sau mỗi chuyến đi như vậy, nhiệm vụ của các bạn này là phải viết bài thu hoạch. Nếu bài viết hay lại được thưởng. Điều này rất quan trọng. Ví dụ như sau khi đi thăm Nhà tù Côn Đảo, các bạn sẽ thấy giá trị của cuộc sống hiện tại, biết tri ân, biết chia sẻ với đồng nghiệp, và khi viết ra, nhận thức của các bạn sẽ lan tỏa tới đồng nghiệp.
Hoặc đối với những người đặc biệt xuất sắc, chúng tôi thưởng cho đi tham quan học tập ở nước ngoài thì cũng thi đua bằng cách khi về họ viết ra những điều học được và cách áp dụng. Sau đó nó sẽ trở thành bản kế hoạch chung để áp dụng và nhân rộng. Khi làm vậy, chúng tôi có được sự sáng tạo trong học tập, sự sáng tạo trong việc áp dụng vào thực tiễn. Điểm nữa quan trọng hơn rất nhiều là chúng lan tỏa ra ý thức của tất cả mọi người, đánh thức khát vọng của hơn 11 nghìn người cùng thi đua thì sức sáng tạo rất to lớn.
Nhờ tiến hành thi đua thường xuyên, liên tục trong mọi lúc, mọi nơi, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của toàn thể CBCNV, Tổng công ty đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2014: Tổng doanh thu đạt 2.366 tỷ đồng tăng 2,3 lần so với năm 2010; Thu nhập bình quân đạt 6.041.000 đ/người/tháng, tăng 2 lần so với năm 2010; Lợi nhuận đạt 50,34 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2010.
Một số bài học kinh nghiệm về thi đua khen thưởng:
1. Các phong trào thi đua cần có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, sát thực với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, thiết thực và có hiệu quả.
2. Barem chấm điểm thi đua cần phải rõ ràng, đầy đủ, chi tiết và phải công bố sớm (cùng với kế hoạch thi đua); để mọi người cùng tham gia kiểm tra, giám sát; đảm bảo công bằng trong việc đánh giá kết quả - đơn vị hoặc cá nhân được khen thưởng phải được mọi người suy tôn và thừa nhận.
3. Thi đua là phải làm thật, không làm kiểu phong trào; thi đua phải liên tục hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Tất cả các hoạt động học tập, sản xuất, kinh doanh, phục vụ… đều phải thi đua. Lãnh đạo Công ty và người đứng đầu của từng đơn vị phải thật sự gương mẫu thì mới thuyết phục được mọi người noi theo.
4. Kết thúc mỗi đợt thi đua cần phải tổng kết kịp thời, nhằm động viên, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có kết quả cao; chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, các thiếu sót tồn tại cần rút kinh nghiệm và khắc phục cho đợt thi đua sau.