Tổng kết Dự án dán nhãn thí điểm sản phẩm điều hòa không khí tại Việt Nam

Các nhà sản xuất Việt Nam mới chú ý đến sản xuất mà chưa chú ý nhiều đến quảng bá sản phẩm. Bằng chứng là có 35% khách hàng biết đến thông tin của các sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất; 25% từ người

Sáng nay, 6/5/2009, tại Hà Nội, Văn phòng Tiết kiệm Năng lượng (TKNL) - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Tổng kết chương trình thí điểm về Dự án dán nhãn sản phẩm TKNL đối với điều hòa không khí tại Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia năng lượng cao cấp Ngân hàng thế giới, Công ty Econoler, đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp sản xuất thiết bị TKNL.

Dự án dán nhãn thí điểm sản phẩm điều hòa không khí do Ngân hàng thế giới tài trợ đã được Công ty tư vấn quốc tế Econoler cùng với các cán bộ của Văn phòng TKNL thực hiện trong hơn 1 năm qua. Tuy chưa phải là một dự án lớn nhưng đây là một dự án rất quan trọng giúp cho Bộ Công Thương tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm về hoạt động dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo của ông Pierre Baillargeon – chuyên gia tư vấn của Công ty Econoler thì điều kiện sống và mức thu nhập của người dân Việt Nam đang gia tăng nhanh trong các năm gần đây. Do đó, nhu cầu về năng lượng cũng tăng lên rất nhanh. Vì vậy, Việt Nam cần thiết kế một chương trình về nhu cầu năng lượng, lên kế hoạch cho việc TKNL và một trong những cách tiếp cận việc TKNL cho các sản phẩm chính là dán nhãn tiêu chuẩn. Chương trình dán nhãn TKNL tại Việt Nam đã được triển khai từ năm 2007, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn nhân lực, nguồn tài chính hạn chế và thiếu kinh nghiệm triển khai, nên các kết quả còn chưa được như mong muốn. Thông qua Chương trình thí điểm này mà cụ thể là với Dự án dán nhãn TKNL cho riêng sản phẩm điều hòa không khí, Econoler đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin tại 3 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

 

                  Nhãn tiết kiệm năng lượng

 

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2008, Việt Nam đã tiêu thụ trên 500.000 sản phẩm thiết bị điều hòa và tăng trưởng của mặt hàng này đang ở mức cao, khoảng 30%/năm trong 3 năm qua. Các chuyên gia của Econoler cũng rút ra một điều là, 68% lượng khách hàng mua sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị lớn; 17% mua tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp; chỉ có 9% là mua tại các cửa hàng nhỏ của địa phương. Từ kết quả này, lời khuyên cho các nhà sản xuất là muốn đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thì hãy tập trung quảng bá sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị lớn có uy tín.

Nhưng cũng trong quá trình khảo sát, các chuyên gia của Econoler cũng tìm hiểu được một điều rất thú vị là các nhà sản xuất Việt Nam mới chú ý đến sản xuất mà chưa chú ý nhiều đến quảng bá sản phẩm. Bằng chứng là có 35% khách hàng biết đến thông tin của các sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất; 25% từ người bán hàng; 23% từ bạn bè, người thân; chỉ có 7% là từ các chương trình quảng cáo. Đây là tỉ lệ rất thấp so với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Từ thực tế này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn đến công tác marketing. Có thể tổ chức thí điểm chương trình qui mô nhỏ tại những điểm bán hàng vừa để thử nghiệm sản phẩm, vừa thu thập thông tin phản hồi từ khách hàng. Đồng thời cũng đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp nên có mối quan hệ tốt với các nhà bán lẻ, các nhà phân phối; tận dụng triệt để mọi thông tin từ kênh bán hàng để làm sao sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện và phù hợp với người tiêu dùng.

Đại diện cho Văn phòng TKNL, ông Hoàng Dương Thanh cho biết, để triển khai dán nhãn thành công một sản phẩm đòi hỏi rất nhiều thời gian, tâm sức và trên thực tế, Chương trình này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời qua, Chương trình đã tiến hành dán nhãn thành công sản phẩm đèn huỳnh quang T8, ballast điện từ, chóa đèn chiếu sáng đường phố. Kế hoạch năm 2009 này, sẽ tiếp tục dán nhãn sản phẩm CFL, ballast điện tử; quạt, bình đun nước nóng; điều hòa không khí và tủ lạnh. Ông Thanh cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần thêm nữa các hỗ trợ quốc tế cả về kỹ thuật tổ chức và nguồn lực tài chính.

 

Bài và ảnh: Hồ Nga