Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 đạt 573,3 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9,0%; Quảng Ninh tăng 8,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 7,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 đạt 573,3 nghìn tỷ đồng
Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ

Sức mua dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10%

Theo Bộ Công Thương, năm nay, do được nghỉ Tết sớm nên người dân có nhiều thời gian đi mua sắm hơn, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, trái cây... và các nhóm hàng phục vụ trưng bày như hoa, cây cảnh, đồ trang trí. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, mẫu mã, chủng loại đa dạng, giá không có biến động bất thường.

Nhìn chung, sức mua dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10% so với tháng thường và tăng so với Tết năm trước. Xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử được nhiều người lựa chọn nhờ sự tiện lợi và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Trong đó, sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng từ ngày 20 Tết (ngày 19/01/2025) để phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo và bắt đầu sôi động hơn từ ngày 26 Tết (bắt đầu kỷ nghỉ Tết sớm), nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong hai ngày 28 và 29 Tết. Các chương trình hội chợ Xuân, hội chợ nông sản thực phẩm, phiên chợ Tết, chợ hoa... được tổ chức tại nhiều địa phương từ đầu tháng 01 năm 2025 nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân. Các điểm bán hàng Tết thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, các khu công nghiệp để người dân tiện mua sắm.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng 20-30% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút người dân, nhất là tại các thành phố lớn. Tại các siêu thị, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, được nhiều người lựa chọn do giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng. Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng những ngày cận Tết cũng tăng mạnh so với ngày thường, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường.

Ngày mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra khá ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa. Một số cửa hàng tiện lợi của hệ thống siêu thị Circle K và siêu thị Aeon đã mở cửa bán hàng từ ngày mùng 1 Tết. Ngoài ra, các chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, B’s mart, 7 Eleven, GS25 hay hệ thống phân phối lớn như AEON, Go! và Big C... vẫn mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Từ ngày mùng 2 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã hoạt động bình thường, các chợ dân sinh đã có hoạt động mua bán tấp nập hơn, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng, các mặt hàng được tiêu thụ chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ tương đương ngày sát Tết.

Thị trường ngày mùng 5 Tết Âm lịch đã sôi động hơn nhiều so với ngày mùng 4 Tết nhưng vẫn chưa trở lại như ngày thường. Người lao động bắt đầu trở lại các thành phố để đi làm, tuy nhiên phần lớn đều mang theo thực phẩm từ nhà nên sức mua chưa tăng mạnh. Các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã khởi động trở lại nhưng các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu vẫn là thực phẩm tươi sống, rau, quả.

Tại chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã tăng hơn so với các ngày trước do vậy nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả diễn biến theo quy luật thị trường thông thường và không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Một số loại hoa, rau, củ tại các chợ đã bắt đầu giảm nhẹ so với ngày mùng 4 Tết Âm lịch, các loại thực phẩm tươi sống khác nhìn chung ổn định so với ngày mùng 4 Tết. Trong thời gian này, người dân đi lễ đầu năm hoặc đi du lịch nhiều nên dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tấp nập.

Chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa dịp Tết

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các Chỉ thị, Công điện, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tập trung thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu và điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Dịp trước và cận Tết, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã làm việc trực tiếp với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan để kiểm tra, chỉ đạo việc cung ứng hàng hóa, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và cung cấp điện dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, công tác đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò nhằm không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống nhằm phục vụ tốt người dân đón Tết vui Xuân vui tươi, an toàn.

Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết tại địa phương.

Theo báo cáo của các địa phương (đến nay đã có 52/62 tỉnh/thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2025), công tác chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu... Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.

Bên cạnh chương trình bình ổn thị trường, nhiều hoạt động khác như tổ chức các Hội chợ Xuân, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu các sản phẩm OCOP, tổ chức tháng khuyến mại... cũng được quan tâm tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, phục vụ tốt nhu cầu người dân.

Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, toàn ngành sẽ bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2025, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, đối với lĩnh vực thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công.

Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các tỉnh trên địa cả nước; Bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của các địa phương, đảm bảo nông sản được lưu thông, tiêu thụ thông suốt không bị ùn ứ; Phối hợp, hỗ trợ các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”.

Chú trọng công tác quản lý và phát triển hạ tầng thương mại, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn triển khai Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP….

Huyền My