Tổng quan về quy hoạch, đầu tư thủy điện tại Việt Nam

Sáng nay (19/3), tại Hà Nội, Bộ Thương mại và Công nghiệp Na Uy và Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo Việt Nam - Na Uy về thủy điện và cải cách thị trường điện”, nhằm tìm những giải pháp khắc phục khó k

Na Uy là một quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn trên thế giới. Trong liên minh Châu Âu, điện năng sản xuất từ thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu với sản lượng hàng năm lên tới 120 TWh, chiếm trên 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy. Với năng lực, trình độ công nghệ, kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy thủy điện từ nhiều năm qua của Na Uy, chắc chắn các thông tin liên quan tới lĩnh vực Thủy điện mà các đối tác Na Uy mang tới Hội thảo lần này sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc tìm ra các giải pháp dài hạn đối với các vấn đề thủy điện mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020. Năm 2020, thủy điện tích năng dự kiến có tổng công suất 2.400MW, nâng lên 5.700 MW vào năm 2030. Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú như than, dầu khí, thủy điện và năng lượng tái tạo. Hiện tại, các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn thủy điện lớn đã được khai thác gần hết. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược, bao gồm: tăng cường đầu tư các cơ sở sản xuất năng lượng; giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch bằng cách đa dạng hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng; tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có và phát triển điện hạt nhân; tích cực tìm kiếm và gia tăng trữ lượng các nguồn dầu, khí thiên nhiên cũng như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng công nghệ phát thải thấp… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cân đối sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có việc khai thác hiệu quả thủy điện và cải cách thị trường điện.

Việc đầu tư xây dựng các DATĐ đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong năm 2012, các NMTĐ đã đóng góp tới 48,26% công suất (13000 MW) và 43,9% (53 tỷ kWh) điện lượng cho hệ thống điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn so với các nguồn điện khác. Quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác đã tạo nhiều việc làm cho các lực lượng lao động trong cả nước. Việc hình thành các hồ chứa thủy điện cũng góp phần quan trọng trong việc chủ động tích trữ để xả nước cho nhu cầu dân sinh, nông nghiệp và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, cải tạo môi trường, phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy... Các hồ thủy điện với tổng dung tích hàng chục tỷ m3 đã đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tích trữ để bổ sung lưu lượng, cấp nước về mùa kiệt và cắt giảm lũ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường... cho hạ du. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, các hồ thủy điện sẽ chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56 tỷ m3 trong tổng số 65 tỷ m3).

Đây là nguồn dung tích trữ nước cực kỳ quan trọng, bảo đảm an ninh nguồn nước, đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo chủ động điều tiết cấp nước và chống, giảm lũ cho hạ du đặc biệt là khu vực miền Bắc. Đồng thời với việc đầu tư xây dựng các DATĐ, một số cơ sở hạ tầng KT-XH như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trong các khu vực tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH và văn hóa cho người dân địa phương.

Để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, các nhà máy thủy điện vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du; nghiên cứu ban hành quy định về giám sát thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông, tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành các CTTĐ đảm bảo an toàn cho công trình, người dân./.

Việt Nam có hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 60%, miền Trung chiếm khoảng 27% và miền Nam chiếm khoảng 13%. Tuy nhiên, nếu tính toán về mức độ khả thi, có thể khai thác được khoảng 26.000 MW (khoảng 100 tỷ kWh/năm), phân bố theo các hệ thống sông như sau: sông Đà 33%, sông Đồng Nai 13,8%, sông Sê San 10%, sông Vu Gia - Thu Bồn 5,2%, sông Srêpốk 4%, sông Lô-Gâm-Chảy 3,8%, sông Ba 2,4%, sông Cả 1,9% và các sông khác 22,3%. Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Đến nay, về cơ bản, quy hoạch thủy điện trên cả nước đã được lập và phê duyệt, làm cơ sở xem xét cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Theo các quy hoạch đã được phê duyệt, cả nước hiện có 815 DATĐ có tổng Nlm = 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017, tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du Wpl = 10,51 tỷ m3.


Thái Linh