Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã giới thiệu về một số hoạt động tiêu biểu về Tân Cảng Sài Gòn nói chung, Cảng TC-HICT nói riêng. Là thành viên của Tổ chức Hàng hải Thế giới, Việt Nam nói chung và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nói riêng luôn nỗ lực cải tiến nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để phù hợp với xu thế phát triển xanh của thế giới theo sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với COP26 về giảm thải hiệu ứng nhà kính và khí thải CO2.
Trong thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã chuyển đổi năng lượng các trang thiết bị sử dụng điện và năng lượng tái tạo tại các cảng lớn như Tân cảng Cát Lái, cụm cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng TC-HICT và tương lai sẽ xây dựng dự án bến số 7, số 8 hiện đại và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các phương tiện vận tải cũng đối tối ưu để giảm khí thải ra môi trường với các dự án logistics xanh bằng sà lan kết nối các ICD và cụm cảng tiền phương từ Bắc vào Nam.
Chuyến thăm và làm việc của Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Thế giới với cảng Container Quốc tế (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển của Việt Nam nói chung cũng như ngành hàng hải Việt Nam nói riêng. Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Thế giới cho rằng, sự phát triển, năng lực và tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển ngành hàng hải trong đó cảng biển là mắt xích quan trọng.
Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Thế giới cũng đã tham quan cơ sở vật chất và trao đổi với thuyền trưởng, thủy thủ của tàu Maersk Cairo thuộc hãng tàu Maersk đang làm hàng tại TC-HICT. Ngài Ki Tack Lim đánh giá cao năng lực tiếp đón của Cảng TC-HICT đối với hãng tàu Maersk nói riêng và các hãng tàu trên thế giới nói chung.
Đoàn công tác của Tổ chức Hàng hải Thế giới và Cục Hàng hải Việt Nam tin tưởng Tân Cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục là đơn vị tiên phong về phát triển bền vững cảng xanh và logistics xanh trong ngành Hàng hải Việt Nam.