Những tác động tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã được minh chứng rõ nét trong thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời thông qua dòng vốn đầu tư và nhập khẩu theo các FTA, để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt các cơ hội mới.
Dù vậy, thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn đối mặt nhiều với các thách thức trong quá trình thực thi các FTA. Một trong số đó là thiếu nguồn lực, thiếu nguồn thông tin về hoạt động hỗ trợ.
Trong hàng loạt các giải pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới. Cùng với đó Bộ Công Thương cần kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.
Thực trạng những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA như thế nào, khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi FTA ra sao? Giải pháp nào để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận, hỗ trợ thực thi các FTA và tận dụng cơ hội từ các FTA?
Để có góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn về vấn đề này, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm: “Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA” với sự tham gia của các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp:
- TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
- Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
- Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
BTV Huyền My: Đến với trường quay của Tạp chí Công Thương, câu hỏi đầu tiên tôi xin được gửi tới ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
Thưa ông, trong kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA có đề xuất việc phải xây dựng các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các FTA. Vậy từ góc độ cơ quan theo dõi việc thực thi các FTA trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng các chương trình hỗ trợ này?
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương:
Thực tế chúng tôi với tư cách bên cạnh là cơ quan đàm phán còn được Chính phủ giao là cơ quan theo dõi việc thực thi các FTA. Hàng năm chúng tôi có đề nghị các bộ, ngành, các địa phương gửi báo cáo về tình hình thực thi. Một trong những điểm quan trọng trong báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương chúng tôi nhận thấy đó là việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực thi hay tận dụng FTA như thế nào.
Chúng ta cũng biết sau khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP thì Chính phủ cũng đã ban hành một kế hoạch thực thi của Chính phủ và sau đó thì EVFTA, UKVFTA, RCEP đều có kế hoạch thực thi.
Trong những kế hoạch thực thi đấy, một trong những cấu phần quan trọng đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Chúng tôi nhận thấy các biện pháp hỗ trợ dành cho doanh nghiệp rất đa dạng. Với các Bộ, ngành đó là các chính sách; với địa phương có các biện pháp hay, có những chính sách mang tính chất địa phương hỗ trợ. Chẳng hạn chúng tôi thấy đầu tiên là liên quan đến xúc tiến thương mại thì các chính sách xúc tiến thương mại là phổ biến nhất.
Từ góc độ của Bộ Công Thương hay các bộ, ngành hay địa phương đều hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả online, offline, đặc biệt qua thời kì Covid chúng ta thấy các sáng kiến như xúc tiến qua online rất tốt.
Thứ hai đó là các hỗ trợ liên quan đến kết nối với các doanh nghiệp FDI. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch thực thi; nhiều tỉnh thành có những sáng kiến và kết nối với các doanh nghiệp Châu Âu, với các doanh nghiệp ở khu vực CPTPP để cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị chuỗi cung ứng của họ. Rồi là các biện pháp hỗ trợ liên quan đến khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị hay kể cả hỗ trợ tín dụng.
Tức là tổng thể thì tôi nghĩ rằng các biện pháp hỗ trợ khá đa dạng và bao trùm lên rất nhiều ngành nghề. Trong đó có những ngành hàng chúng ta đang xuất khẩu và những ngành hàng chúng ta đang nhập khẩu. Điều này cho thấy rằng Chính phủ, kể cả cấp trung ương và địa phương đều rất quan tâm đến việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông. Câu hỏi tiếp theo tôi muốn gửi đến bà Bùi Thu Thủy. Xin bà cho biết các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Trong khuôn khổ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có cả Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành và các địa phương cũng triển khai rất nhiều những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực.
Chúng tôi cũng rất đồng tình với nhận định của Tạp chí Công Thương trong Phóng sự đúng là các FTA của chúng ta đã mang đến một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Tôi nhớ vào thời điểm đấy còn có những luồng quan điểm cho rằng “liệu chúng ta có nên mở cửa nhanh như thế không”? Bởi vì nếu như doanh nghiệp trong nước chúng ta chưa sẵn sàng mở ra, có nghĩa là hàng ngoại thì vào, còn trong trong nước mình không đủ nội lực để mình hấp thụ thì sẽ là một bài toán rất lớn.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Chính phủ đã rất đúng đắn trong việc này, không cưỡng được. Kể cả doanh nghiệp mình chưa đủ lớn nhưng nếu mình cứ ngồi chờ cho doanh nghiệp mình lớn mới mở thì cũng không biết bao giờ mới mở được. Thế thì vẫn mở cửa, vẫn tiếp tục ký các FTA và chúng tôi cho rằng sau khi ký rồi lúc đấy mình sẽ phải sẵn sàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp làm sao để tận dụng, để đáp ứng được.
Trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như anh Khanh cũng vừa chia sẻ thì chúng tôi cũng triển khai rất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Trong đó cũng có nhiều những nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp để có thể có đủ năng lực để xuất khẩu. Trong các giải pháp, chính sách hỗ trợ của luật thì chúng tôi cũng đã triển khai những hoạt động, ví dụ như đào tạo, tư vấn, nâng cấp doanh nghiệp. Ví dụ cử chuyên gia tư vấn xuống để đánh giá doanh nghiệp về những điểm yếu, những điểm chưa đạt và có những chuyên gia để giúp cho doanh nghiệp xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, những chiến lược định hướng thị trường sản phẩm, thị trường xuất khẩu nào, những thị trường ngách thì như thế nào và cách thức mình hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các FTA.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng là đây là một thách thức còn rất lớn, trong khi nền kinh tế của Việt Nam hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động xuất khẩu, hàng năm chúng ta có con số xuất khẩu tăng lên rất nhiều.
Trong các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp thì chúng tôi cũng có triển khai những hoạt động. Ví dụ như hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử hay cũng triển khai các chính sách tiếp cận thị trường. Như khi mà các thị trường nhập khẩu người ta yêu cầu về các tiêu chuẩn, tức là trước đây thì mình dựa vào thuế đúng không ạ? Bây giờ với các FTA thì không còn thuế nữa, thuế về bằng 0 hoặc rất thấp thì nước họ áp dụng rất nhiều những tiêu chuẩn gọi là rào cản kỹ thuật. Thực sự là có nhiều những rào cản mà doanh nghiệp mình cũng chưa bao giờ biết đến (ví dụ những tiêu chuẩn về lao động hay môi trường thì còn dễ nhưng có những tiêu chuẩn rất khó có những khía cạnh rất tinh vi của các nước phát triển).
Tức là các doanh nghiệp của mình, một là thiếu thông tin, hai là có thông tin cũng không đáp ứng được. Ví dụ như để chuyển sang sản xuất xanh, máy móc thiết bị, tiền đâu để mà thay đổi hay đến lúc mà có máy móc thiết bị rồi thì người ta phải số hóa đầy đủ lên cả một quy trình. Hay việc ngày nào cũng phải có ghi chép, như trong lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn, hằng ngày đều phải ghi chép hành vi can thiệp với sản phẩm, với chu trình của sản phẩm đấy như thế nào thì lúc đấy mới đảm bảo được sản phẩm đấy là xanh chẳng hạn, tức là nó rất khó và cần doanh nghiệp thay đổi cả một quy trình hoạt động thông thường của mình.
Đấy là những điểm mà chúng tôi thấy rất thách thức. Tôi cho rằng chương trình hiện nay thì đã có nhưng để mà chuyên sâu thành một gói riêng cho doanh nghiệp để tận dụng FTA cần phải bàn.
Tôi cho rằng có thể cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, ngoài hỗ trợ nâng cấp thông thường thì phải có riêng một gói cho các doanh nghiệp mà có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng được, tận dụng được yêu cầu của FTA.
Cái này, các bộ, ngành cũng cần phối hợp với các hiệp hội để bàn xem đưa những chính sách vào thì chắc là mình sẽ phát huy được hơn những ưu thế, những cơ hội của FTA.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn bà. Có thể thấy là những chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì đã được Chính phủ cũng như là Bộ Công Thương hay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực triển khai trong thời gian qua rất nhiều.
Vậy thì thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, ở những chương trình cũng như là chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang đóng vai trò như thế nào đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc tận dụng các FTA của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những chương trình hỗ trợ này thì đã được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Có hai điểm mà chúng ta phải nói đến trong quá trình hội nhập. Thứ nhất là cái lợi và cái hại. Cái hại là doanh nghiệp mình chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tận dụng được hết được cơ hội của hội nhập.
Còn cái lợi là những gì chúng ta tận dụng được. Ví dụ như Hiệp định EVFTA, trước có Hiệp định mình nhập vào những mặt hàng mà mình không có. Nếu không có Hiệp định EVFTA thì mình vẫn phải nhập và mình lại xuất những mặt hàng, đặc biệt là những ngành hàng nông, lâm thủy, hải sản thì nó hay chứ. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì rõ ràng hai bên cùng có lợi, mà đã hai bên cùng có lợi thì không có lý do gì chúng ta không làm cả.
Như chị Thủy vừa rồi cũng nói thay cho doanh nghiệp. Thực ra là khó thật nhưng mà nếu chúng ta không có áp lực khó thì lúc nào chúng ta cũng đi sau hết. Phải có áp lực, dứt khoát phải có áp lực, có thể là mấy năm đầu chúng ta khó khăn cho nên phải đối diện. Nếu chúng ta không biết đối diện thì chúng ta luôn đi sau.
Thời điểm Chính phủ kí các FTA thì lúc bấy giờ chúng tôi cũng tham gia nhiều, chúng tôi biết đây là áp lực và khó khăn cho doanh nghiệp nhưng khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải làm, đấy là cái tôi nghĩ rất trúng.
Doanh nghiệp chúng tôi triển khai phải nói rằng nhờ có FTA cho nên nhiều doanh nghiệp, họ làm rất bài bản, và họ có nghiên cứu thực sự. Tôi đi thăm doanh nghiệp, có những hình ảnh họ làm tôi xúc động lắm.Tất nhiên không nhiều nhưng đấy là những doanh nghiệp có tư duy lâu dài, từ khi có những Hiệp định này thì người ta đã hướng tới cái đó.
Có những đơn vị, ví dụ như cafe, có những đơn vị công ty ở Anh người ta đến người ta chỉ muốn ký thu mua hàng thô, chứ chế biến sâu người ta lại không thích thì doanh nghiệp cương quyết bỏ tiền ra để chế biến sâu bởi vì giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ như doanh nghiệp quyết tâm thì mình là Hiệp hội chỉ có động viên và ghi nhận thôi.
Cho nên tôi nghĩ để làm được tốt hơn, về phía cơ quan nhà nước, nếu không có tư duy lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thì doanh nghiệp sẽ theo nguyên tắc của họ là chiến đấu ngắn hạn rồi mới đến dài hạn. Người ta có vốn thì người ta mới dài hạn.
Tôi nghĩ cái này Chính phủ phải “đề pa” (khởi động) cho họ mà tôi nghĩ phải đề pa tốt thì tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ làm tốt. Bởi vì doanh nghiệp của Việt Nam có một đặc thù rất hay là tính quyết chiến, tính chịu thương chịu khó, làm ngày làm đêm. Tôi đã đi vào các vùng Tây Nguyên, tôi nhìn thấy họ có những vùng đất cafe chỉ có chỗ ấy thì doanh nghiệp Anh mới mua, chỗ khác họ không mua. Ở Lâm Đồng mà phát triển được thì rất tốt nhưng có cái khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khó khăn thứ nhất là thể chế mà cụ thể là cải cách thủ tục hành chính nếu không đột phá thì doanh nghiệp rất khó làm. Bởi vì doanh nghiệp đặt hàng, nhất là Châu Âu nguyên tắc lắm, kí kết nếu không đảm bảo là người ta trả hàng ngay. Cho nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ngại, chỉ cần về thủ tục hành chính mà lỡ một cái là ông rất thiệt, container quay về ngay, là nguy hiểm. Đấy là điểm thứ nhất.
Thứ hai về vốn, rõ ràng như xuất khẩu là thuế 0%, lãi suất giảm nhưng chưa đủ. Bởi vì khi xuất khẩu là lãi suất cao so với đầu tư bán ra trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp FDI tận dụng cái này tốt.
Thứ hai là về vốn, câu chuyện về vốn ở đây là lãi suất giảm thì như năm ngoái 4 lần Thủ tướng đề nghị giảm là tốt rồi. Thế nhưng chưa đủ vì còn thủ tục về tín chấp, thế chấp là phải giải quyết. Để giải quyết thì ngân hàng cũng là một cơ sở kinh doanh, không thể cho ông vay mà không có cái gì đảm bảo cả.
Thế thì ta phải mở rộng ra những quỹ, mà hiện nay được biết các quỹ đầu tư của nước ngoài đang rất hướng về Việt Nam.
Thứ hai là như anh Khanh nói, Bộ Công Thương đã làm rất nhiều hoạt động đa dạng, kể cả xúc tiến thương mại rồi đi hội chợ. Hàng năm các hiệp hội, các công ty cũng có ngân sách hỗ trợ, tất nhiên không lớn nhưng bối cảnh của nước mình thì không thể nhiều tiền được thì cũng chỉ là hỗ trợ thôi.
Thế thì phải làm sao truyền thông cho doanh nghiệp là ông phải đến nước họ, ông phải nhìn thấy họ làm thì ông phải đi, phải bỏ tiền để nhìn thấy họ làm như nào ông mới đổi mới được. Còn đa dạng trong nước gọi là triển lãm, hội chợ trong nước cũng có, ngoài nước cũng có, thậm chí Chính phủ cấp tiền đi rồi, như chị Thủy nói là mở các lớp học để huấn luyện. Tôi xin nói rất thật là tôi phụ trách doanh nghiệp, tôi rất hiểu, thậm chí còn cho tiền các doanh nghiệp còn không đi học. Thế thì bây giờ làm sao giải quyết được bài toán mà người ta nhìn thấy ta đi có lợi gì. Thứ hai là ông muốn lớn thì ông phải đi học, đi nghe, ông không học thì làm sao mà phát triển được.
Cho nên ở đây có 2 mặt của một vấn đề, tức là ngoài Chính phủ lo ra thì bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt, là vấn đề EVFTA hay CPTPP, thì nguồn lực doanh nghiệp vừa mới là quan trọng. Nếu có đủ khả năng nguồn lực, điều hành, khả năng quản lý của các chúng ta phải tập trung vào các doanh nghiệp vừa. Doanh nghiệp vừa chỉ có từ 4-5% là người dẫn dắt, giúp đỡ, hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Còn doanh nghiệp vừa là phải làm sao “đề pa” cho họ, tạo mọi điều kiện cho họ, kể cả về cơ chế, cho vay để đẩy lên thành doanh nghiệp lớn.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông. Thưa quý vị, các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng như tận dụng FTA đã có nhiều kết quả tích cực. Vậy thì thưa ông Ngô Chung Khanh, là người theo dõi việc thực thi các FTA thì theo ông việc xây dựng các chương trình hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương:
Trước khi tôi trả lời câu hỏi này đầu tiên tôi rất nhất trí với ý kiến của chị Thủy bởi vì thực tế khi chúng tôi đàm phán ở khía cạnh mà có những ý kiến cho rằng liệu Việt Nam đã chuẩn bị, đã sẵn sàng cho việc cam kết sâu rộng chưa? Thực tế là từ thời WTO chúng ta còn chưa làm quen với các tiêu chuẩn FTA, mới chỉ là tiêu chuẩn WTO thôi cũng đã rất quan ngại việc chúng ta có đủ đáp ứng được tham gia WTO hay không, nhiều người cũng rất quan ngại là gia nhập WTO thì liệu chúng ta có thể ra biển lớn được không? Nhưng thực tế chúng ta thấy rằng từ 2007 đến giờ quyết định gia nhập WTO thực sự là quyết định bước ngoặt.
Tôi cũng rất đồng ý với ý kiến của anh Thân. Bởi vì thực tế khi mà chúng tôi đàm phán thì chúng ta quan ngại những vấn đề chẳng hạn như ngân hàng, viễn thông là những ngành cũng là những ngành, tuyến huyết mạch của nền kinh tế thì chúng ta cũng e ngại nếu bây giờ mà có sự cạnh tranh thì chúng ta đảm bảo thế nào. Nhưng thực tế chúng ta thấy khác hẳn, bây giờ ngân hàng Việt Nam cũng rất mạnh, viễn thông thì bây giờ khó có công ty nước ngoài nào mà cạnh tranh được với viễn thông.
Chúng ta cũng thấy những câu chuyện chẳng hạn như phân phối hay những câu chuyện hồi xưa có bia Vạn Lực, xe máy Trung Quốc… cũng một thời khuấy đảo nhưng cuối cùng chúng ta thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam đều đứng vững.
Cho nên tôi cũng rất nhất trí với ý kiến của anh Thân là doanh nghiệp Việt Nam có một điểm gọi là sức bật, tức là càng bị ép thì lực bung càng mạnh đấy là một điểm rất hay.
Còn về chương trình hỗ trợ thì tôi nghĩ về thuận lợi thì nó có mấy điểm. Đầu tiên trong các cam kết trong các FTA, ví dụ như CPTPP chẳng hạn thì có một chương riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là khi đàm phán thì các nước cũng đã quan tâm đến việc làm thế nào để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp nhỏ vừa, tức là có một sự gọi là khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đấy không chỉ Việt Nam quan tâm mà chính các nước CPTPP cũng rất quan tâm đến việc đó, tức là chúng ta có một cơ sở cam kết quốc tế.
Thuận lợi thứ hai là không chỉ là các chính sách vĩ mô mà chính trong kế hoạch thực thi FTA, Chính phủ cũng đã quy định rõ phải có các biện pháp hỗ trợ để cho doanh nghiệp tận dụng FTA. Đấy là điểm thứ hai.
Thứ ba thực tế là chúng ta cũng có tư duy và nhiều hoạt động hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành một xu hướng trong suy nghĩ của Chính phủ hay của các cơ quan Bộ ngành, hiệp hội.
Nhưng về thách thức tôi nghĩ có mấy chuyện.
Đầu tiên nói gì thì nói đã hỗ trợ thì phải liên quan đến tiền. Đấy là thứ nhất. Thế thì những hỗ trợ bằng tiền của chúng ta khách quan mà nói không phải là quá nhiều và chưa kể đâu đó còn tản mác, chưa nhất quán được với nhau. Đấy chính là thách thức đầu tiên. Làm thế nào để thống nhất được các nguồn lực của chúng ta còn đang tương đối hạn chế để trở thành một nguồn lực thống nhất để tận dụng hiệu quả hơn.
Thứ hai nữa là hỗ trợ thì hỗ trợ nhưng phải đảm bảo phù hợp với các cam kết.
Thứ ba nữa là phải nhất quán từ Trung ương xuống địa phương. Bởi vì thực tế chúng ta thấy rằng nhiều địa phương có việc hỗ trợ như tôi vừa thông tin là từ thực tế chúng tôi nhận báo cáo có rất nhiều địa phương hỗ trợ rất đa dạng nhưng làm thế nào để các biện pháp hỗ trợ không bị trùng lắp, không bị chồng chéo và phải kết hợp được với nhau. Trung ương với địa phương phải kết hợp được.
Cuối cùng thì tôi nghĩ đúng như chị Thủy nói làm sao mà chúng ta phải có được một chương trình dành riêng cho các FTA. Bởi vì nói gì thì các biện pháp hỗ trợ vừa rồi chúng ta làm đó là hỗ trợ chung cho tất cả doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp xuất khẩu hay doanh nghiệp nhập khẩu, tức là chúng ta không định hướng đó là hỗ trợ vào EU hay hỗ trợ vào CPTPP, chúng ta chưa định hướng như thế.
Thế nên nếu bây giờ mà chúng ta muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng FTA thì nên chăng chúng ta đã bắt đầu phải suy nghĩ đến, các bộ, ngành phải suy nghĩ đến có những chương trình hỗ trợ thống nhất từ Trung ương xuống địa phương cho các doanh nghiệp SME hay các doanh nghiệp nói chung tận dụng từ EVFTA hay tận dụng từ CPTPP. Bởi vì mỗi thị trường có những quy định riêng, những đặc thù riêng. Cho nên nếu chúng ta xây dựng được chương trình như thế thì vừa đáp ứng được những quy định của EU, vừa đáp ứng các thị trường khác. Như thế thì tôi nghĩ rằng hiệu quả tận dụng hay hiệu quả của biện pháp hỗ trợ của Chính phủ mới được đảm bảo hiệu quả tối đa.
BTV Huyền My: Vâng, xin cảm ơn ông. Vậy thì trong quá trình xây dựng cũng như là triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thưa bà Bùi Thu Thủy, hiện nay các doanh nghiệp của chúng ta cần những chương trình hỗ trợ như thế nào để có thể tận dụng tốt các FTA? Từ nhu cầu này thì bà có khuyến nghị như thế nào với các cấp, ngành, địa phương về nội dung hỗ trợ, cách thức hỗ trợ trong quá trình xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp thực thi FTA?
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chúng tôi thấy còn nhiều trăn trở lắm, tức là các cơ quan nhà nước thì rất mong muốn hỗ trợ, thiết kế rất nhiều những chính sách nhưng mà đến lúc thực thi trong thực tế thì cứ vướng rất nhiều lý do.
Lúc mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là Chính phủ cũng nhìn trước được; cũng nói trước đây giai đoạn 2008 đã có vướng mắc như thế và cũng xin hết sức cân nhắc, bởi vì sợ dành tiền để riêng ra rồi cũng không triển khai được và cuối cùng thì kết quả cũng có những khó khăn thật.
Chúng tôi là người trực tiếp cùng với Ngân hàng Nhà nước để triển khai chính sách cấp bù lãi suất 2% thì có một số lý do rất đơn giản mà cũng nhìn trước được nhưng cũng không tháo gỡ được. Ví dụ như chi tiêu ngân sách phải theo một quy trình kiểm toán trước, kiểm toán sau, doanh nghiệp vay về thì phải phân tách ra, tức là tiền này để mà hỗ trợ cho các nội dung của gói 2% thì chỉ được dành riêng cho việc này.
Tuy nhiên, khi mà doanh nghiệp người ta vay về, hòa chung vào rồi mà cần hạch toán riêng thì người ta cần cả một bộ máy kế toán. Còn phải dành riêng tiền này, giống như cái này chỉ được làm việc này, không được làm việc khác thì đến lúc đấy doanh nghiệp người ta thấy mệt mỏi. Mặc dù gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt quy mô nhỏ và vừa thì rất tốt nhưng mà quy trình thủ tục phức tạp quá. Rồi phải chứng minh doanh nghiệp của mình có tiềm năng để khắc phục, khôi phục lại không?... là những điều rất khó.
Còn nói đến FTA, tôi thấy doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều thứ lắm.
Bây giờ các yêu cầu của thị trường đang mong muốn, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn thị trường EU chúng tôi thấy có những doanh nghiệp chia sẻ với chúng tôi là khi mà xuất sang họ check đến 30 chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh. 30 chỉ tiêu này để mà mình đáp ứng được thì phải từ nguyên liệu, từ thửa đất, mình có dùng thuốc trừ sâu không, cả một quy trình, tức là nó rất nhiều điểm nếu cách của mình làm như thông thường như ngày xưa không bao giờ đáp ứng được mà phải ngay từ đầu khi người ta đưa yêu cầu, doanh nghiệp phải từ yêu cầu đó bắt đầu xây dựng kế hoạch để sản xuất ra sản phẩm phải theo yêu cầu của nhà mua chứ không phải cứ thiên nhiên mình sản xuất xong, lúc đấy xuất hàng thì lúc đấy mình mới biết không đáp ứng được yêu cầu…
Đấy là những thách thức rất lớn.
Trong thiết kế chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải như vậy, phải hiểu được từ yêu cầu của quốc tế. Đầu tiên phải có kiến thức là nhà mua yêu cầu gì, đưa cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch như thế nào phải ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng hay của vật nuôi theo dõi hàng ngày hiện hết lên. Thậm chí để đáp ứng tiêu chuẩn bền vững còn phải gửi cho họ báo cáo 30 ngày trong một tháng thì từng ngày người đi theo dõi chăm sóc cây trồng, vật nuôi phải theo dõi như thế và thậm chí gửi số liệu đấy cho người nhập khẩu, tức là người ta yêu cầu đến mức thế thì thực sự đối với các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) vô cùng khó khăn.
Thậm chí khi chúng tôi đi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chẳng hạn, muốn người mua hàng nắm được số liệu thì doanh nghiệp phải số hóa, đầu tiên là từng bộ phận, sau đó thì tất cả các dữ liệu trong doanh nghiệp chuyển sang dạng dữ liệu số và hiển thị toàn bộ để người lãnh đạo doanh nghiệp theo dõi được hàng ngày.
Lúc đấy bắt đầu doanh nghiệp mới thấy rằng chưa chuẩn hóa quy trình, chưa cần đưa phần mềm vào thì quy trình hàng ngày chưa có, chưa ban hành quy trình quản trị nội bộ, chưa ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng, ban mà cứ coi như doanh nghiệp gia đình, một người làm tất. chủ doanh nghiệp thậm chí làm luôn cả kế toán và rất nhiều những điều rất đau đớn khi mà doanh nghiệp vay tiền ngắn hạn về để cho vào các hoạt động dài hạn đến lúc mất cân đối tài chính, doanh nghiệp cũng không biết rằng đấy là nguyên tắc về quản lý tài chính là ngắn hạn để dùng cho hoạt động ngắn hạn. Đây lại cứ vay ngắn hạn về cho hoạt động dài hạn, tức là những điều phải xác định tối thiểu chủ doanh nghiệp phải nắm được nhưng mà doanh nghiệp cũng chưa nắm được, không áp dụng được.
Đó là khi mà đi hỗ trợ doanh nghiệp thì rất nhiều điểm mình thấy chưa đáp ứng được. So với yêu cầu tiêu chuẩn của nước ngoài thì thực sự rất xa. Hay thậm chí bây giờ người ta đặt ra yêu cầu là sản xuất xanh và bền vững chẳng hạn đối với các doanh nghiệp nhỏ lắm lúc chúng tôi thấy xa xỉ luôn, tức là quá xa để nói đến câu chuyện đấy.
Bởi vì chỉ có những doanh nghiệp lớn lớn, vừa vừa như anh Thân nói thì may ra còn có những bộ phận nghiên cứu pháp lý. Là bộ phận đi xem bây giờ mình sẽ phải chuyển đổi mô hình thế nào. Chứ còn doanh nghiệp nhỏ nói đến phát triển bền vững thì tốn kém lắm. Một giải pháp chuyển đổi số cho một doanh nghiệp quy mô vừa đến tiền tỷ, những doanh nghiệp nhỏ không đầu tư được.
Đấy cũng là một vấn đề về tài chính cũng rất quan trọng.
Thế thì tôi thấy là có điểm mình cũng có thể phải phối hợp với ngành ngân hàng để thúc đẩy, đó là ở các nước có cái gọi là cấp vốn theo chuỗi giá trị. Có nghĩa không cần doanh nghiệp phải có quá nhiều những tài sản thế chấp nhưng khi biết rằng doanh nghiệp đấy đã tham gia được vào chuỗi và đã có nhà mua chờ sẵn thì ngân hàng vào cho vay với thế chấp chính bằng chuỗi giá trị này. Tức là nếu anh có đầu ra thì ngân hàng sẵn sàng vào cùng với hiệp hội rằng bây giờ chuỗi này bên EU đã xác định là sẽ nhập khẩu cho ông những lô hàng sản xuất gỗ chẳng hạn thì ngân hàng, có hiệp hội và cơ quan nhà nước tín chấp sẽ cấp vốn.
Đấy là một cách để giúp tháo gỡ được tài chính cho doanh nghiệp.
Hay để đáp ứng được các tiêu chuẩn thì rõ ràng mình tiếp tục phải có những hỗ trợ để nâng cấp doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp thay đổi quy trình, đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Chúng tôi thấy rằng các cơ quan trung ương và địa phương như anh Khanh chia sẻ cũng đang làm rất nhiều nhưng đúng là đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại để mình có trọng tâm, trọng điểm.
Ví dụ gói doanh nghiệp cho các đáp ứng tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu để tận dụng được FTA, tức là phải cụ thể theo từng gói. Giống như các quốc gia người ta đang triển khai, cụ thể hơn mình sẽ không đi hỗ trợ chung chung, tức là cứ làm nhưng mà doanh nghiệp không đo đếm được thì điểm đấy tôi thấy cũng cần phải điều chỉnh.
Tuy nhiên tôi nghĩ rất quan trọng đó là ngành tài chính phải vào cuộc, phải sửa đổi Luật ngân sách nhà nước để những chính sách hỗ trợ của mình vừa đảm bảo theo dõi, đánh giá, đo lường được nhưng mà doanh nghiệp cảm thấy xứng đáng để người ta tham gia.
Chúng tôi cũng đang có kế hoạch phải rà soát để sửa đổi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc chúng tôi cũng sẽ phải có những chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp và đi theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn, sẽ không hỗ trợ chung chung như hiện nay.
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp rất chặt chẽ với các ngành và các hiệp hội để design (thiết kế) lại các cách thức hỗ trợ cũng như sẽ phải phối hợp với bên ngành tài chính để có quy trình cũng như cách thức để doanh nghiệp hấp thụ tốt hơn những chính sách hỗ trợ.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn bà. Vậy thì thưa TS. Nguyễn Văn Thân, để xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, tận dụng các FTA, theo ông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn có những chương trình hỗ trợ tập trung vào nội dung cụ thể và cách thức hỗ trợ như thế nào để có thể gia tăng hiệu quả thực thi các FTA? Doanh nghiệp thì cần trợ lực như thế nào từ các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực thi cũng như tận dụng các FTA này?
TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
FTA chỉ là một phần thôi, còn ở Việt Nam bây giờ người ta cũng đòi hỏi, bây giờ mà hàng hóa không có nguồn gốc người ta cũng không dám ăn đâu, người ta không dám xài đâu. Đấy là nói thật, người ta vẫn phải chọn những cửa hàng người ta tin tưởng…
Những nhu cầu ấy không phải chỉ là FTA mà ngay cả người Việt Nam đang cần.
Câu chuyện ở đây là về phía doanh nghiệp, đừng quá dựa nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Tôi nghĩ ý chí của doanh nghiệp phải như thế.
Điều quan trọng nữa là chỉ có yêu cầu Chính phủ phải để ý đến các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp giải quyết được bài toán FTA phải là doanh nghiệp vừa. Trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa tôi sẽ có ý kiến góp ý, Chính phủ phải tập trung chứ không lan man. Tập trung vào các doanh nghiệp vừa để họ có lực, tiếp cận được hỗ trợ của chúng ta.
Đầu tiên phải đẩy ông ấy mạnh lên thì ông ấy kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lên được, còn ông siêu nhỏ thì tôi nói thật để ông đáp ứng cái này là cực kỳ khó khăn. Ông ấy nhìn thấy một đống việc như thế là ông ấy chán rồi, hằng ngày ông ấy phải kiếm ra nuôi quân…
Doanh nghiệp vừa mới có ý thức có chiến lược để đầu tư. Ý chí của ông thế rồi thì trong ông doanh nghiệp vừa ấy mình lại phải tập trung vào những ông ví dụ như có chiến lược cho FTA thì ông phải tập trung. Không phải ông doanh nghiệp vừa nào cũng làm cái đó thì ông nào mà nghiên cứu về hàng xuất khẩu và nhập khẩu thì phải tập trung cho ông ấy, có một ngân sách riêng cho ông đấy.
Như chị Thủy nói rất đúng, ví dụ tôi chọn doanh nghiệp này, Chính phủ chọn doanh nghiệp này sẽ “đề pa” cho bằng vốn, bằng những ưu đãi thì không vi phạm đúng không? Để làm sao doanh nghiệp lớn được, mà nếu lớn được thì họ phải có quân, phải tiền lương đúng không? Phải có chuyển đổi số nhảy vào thì doanh nghiệp mới làm được, doanh nghiệp phải có lý lịch hoạt động hằng ngày, hằng tháng thì khi bán hàng cho nước ngoài họ nhìn thấy mới yên tâm.
Tôi xin nói rằng rất nhiều mặt hàng hiện nay nước ngoài rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề nông lâm, thủy hải sản.
Bây giờ phải là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực tại như thế này, Nhà nước giúp các doanh nghiệp như thế. Thế nhưng bây giờ cách của Nhà nước, của Chính phủ là dành riêng một gói tập trung cho doanh nghiệp vừa và trong đó lại tập trung cho doanh nghiệp vừa có khả năng xuất khẩu thì tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn.
Mà mình có hiệu ứng đám đông, khi thấy các doanh nghiệp vừa làm tốt thì những doanh nghiệp nhỏ sẽ nhau theo. Cho nên bây giờ cứ tràn lan ra rồi cuối cùng trách địa phương, trách ngân hàng, trách Chính phủ, trách bộ nọ, bộ kia thì những ông đi trách đấy là không thể làm được.
Bởi vì những điểm cơ bản, ví dụ tôi có tham gia hiệp hội mà tôi cũng làm doanh nghiệp thì tôi mới hiểu được. Bây giờ mời các doanh nghiệp đi học, còn không đi, thế thì doanh nghiệp trách ai.
Cũng đề nghị Chính phủ những gì mà thấy rằng các hiệp hội làm được thì giao cho hiệp hội. Các hiệp hội của mình rất nhiều hiệp hội ngành nghề. Còn bây giờ doanh nghiệp mà cứ đổ cho Chính phủ, đổ cho nhà nước là chỉ có thế thôi thì chúng tôi không làm được. Tôi nghĩ là không nên khuyến khích cái đó. Mà cần khuyến khích rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí người ta không yêu cầu gì người ta âm thầm làm, thậm chí như chị Thủy nói người ta sẵn sàng vay ngắn hạn để người ta đầu tư dài hạn, khổ cái là đến lúc người ta chưa thành công thì nợ đến rồi.
Cho nên cũng phải chia sẻ với họ chứ có rất nhiều doanh nghiệp cũng tập trung đấy chứ không phải không tập trung.
Tôi nghĩ nên có ưu ái đối với doanh nghiệp vừa, tôi nghĩ rằng cần phải đầu tư, trân trọng và đẩy họ lên. Với số lượng 5% của 1.000.000 doanh nghiệp là 50.000 doanh nghiệp thì cũng là khủng khiếp phân bố trên toàn quốc, chưa nói đến những doanh nghiệp sắp vừa thì cũng kinh khủng.
BTV Huyền My: Cảm ơn ông. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ưu thế người đi đầu của Việt Nam trong các FTA không còn kéo dài và các quốc gia cũng ngày càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đáp ứng nếu không bị nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi và vấn đề nguồn lực để thực hiện việc này là vô cùng quan trọng.
Vậy thì thưa ông Ngô Chung Khanh, theo ông bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu ra sao? Các doanh nghiệp thì cần phải thay đổi tư duy để tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA như thế nào? Về phía các cấp, ngành, địa phương thì cũng cần có những cách thức thay đổi, xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, tập trung các FTA ra sao, thưa ông?
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương:
Về góc độ doanh nghiệp thì anh Thân vừa nói rất kỹ, rất rõ. Sự chủ động không dựa vào Nhà nước, tự sống đi bằng đôi chân của mình thì tôi nghĩ đấy là thông điệp ở góc độ doanh nghiệp thì anh Thân nói rất rõ. Cho nên tôi xin phép, không chia sẻ thêm về khía cạnh đấy nữa.
Nhưng còn về phía các bộ, ngành hay các địa phương thì tôi nghĩ như thế này, trước hết như tôi cũng đã nói rất nhất trí với ý kiến của chị Thủy, đó là đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về một chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA.
Đấy là điều đầu tiên chúng tôi cũng rất mong muốn, bởi vì chúng tôi không phải là cơ quan xây dựng các chính sách hỗ trợ mà chính xác ra là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phụ trách về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nên chúng tôi thấy rất vui khi mà chị Thủy nói cũng bắt đầu xem xét khởi động việc sửa đổi để có chương trình riêng.
Ở đây cũng rất mong chị Thủy chú ý là ngoài các chương trình dành riêng, chẳng hạn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì thực tế chúng ta cũng đã có chứ không phải không, chẳng hạn như có tín dụng xanh, tín dụng số cũng có đấy.
Thế nhưng quan trọng là chúng tôi hy vọng rằng có thể phối hợp được để xây dựng chi tiết hơn cho từng hiệp định. Thị trường thì khó nhưng hỗ trợ theo từng hiệp định thì sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa được các nguồn lực. Đấy là thứ nhất.
Thứ hai nữa là trong quá trình làm thì chúng tôi nghĩ là vai trò của bộ chủ quản là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn các bộ mà hỗ trợ liên quan đến Bộ Công Thương hay bộ khác thì nó đương nhiên rồi nhưng chúng ta cũng phải phối hợp với các địa phương. Bởi vì rõ ràng các địa phương là cũng ban hành nhiều chính sách lắm, nhiều hỗ trợ lắm, cũng để thu hút đầu tư cho mình, rồi là các hoạt động khác.
Thế cho nên từ góc độ của cơ quan quản lý thì chúng tôi nghĩ có hai chuyện thôi.
Một là phải có chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA.
Hai là phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương để làm sao chúng ta thống nhất được các chương trình và tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có.
BTV Huyền My: Sau khi nghe những khuyến nghị cũng như đề xuất từ phía Bộ Công Thương cũng như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì thưa bà Bùi Thu Thủy, ở góc độ đơn vị hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thì trong thời gian tới chúng ta sẽ triển khai những chương trình hỗ trợ nào cho doanh nghiệp tận dụng các FTA, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ? Theo bà thì doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, tiếp cận chính sách hỗ trợ như thế nào để có thể hấp thụ được những chương trình này?
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Đúng là các doanh nghiệp như anh Thân với anh Khanh chia sẻ đều có một mong muốn là phát triển cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, trong cả một chuỗi rất nhiều những khó khăn thì chúng tôi cho rằng ở khía cạnh doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường, phải chủ động nắm bắt xem các thị trường đó yêu cầu gì.
Thế rồi khi mà Chính phủ có những chương trình hỗ trợ thì cũng phải quan tâm. Ví dụ như cũng có rất nhiều những thông tin, kiến thức mà chúng tôi chia sẻ cho doanh nghiệp, nhưng đúng là nhiều khi người chủ doanh nghiệp không đủ thời gian đi để tham gia.
Hay khi mà chúng tôi đã triển khai chương trình chuyển đổi số chẳng hạn thì chúng tôi cũng khẳng định ngay từ đầu nếu mà lãnh đạo không tham gia không bao giờ có kết quả. Bởi vì nó yêu cầu thay đổi người cấp dưới không có quyết định được gì cả. Ví dụ mình muốn chuyển đổi một thói quen, một quy trình thì người lãnh đạo phải là người quyết. Không phải là chỉ quyết hôm nay, sau một tuần, sau một năm nó nguội đi thì cũng không làm được gì. Người lãnh đạo lúc nào cũng phải là người cầm trịch để mà quyết định những việc đó.
Đấy là thay đổi tư duy của doanh nghiệp theo hướng xác định rõ việc gì là việc chính, việc gì mà gọi là sống còn của doanh nghiệp thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải sát sao.
Nếu như doanh nghiệp nào mà thích ứng kịp thời, chúng tôi thấy rằng trước đây có những doanh nghiệp ở vùng cao như Hà Giang, Lai Châu thì chúng tôi bảo không bao giờ có thể tiếp cận được với thị trường, xuống Hà Nội còn khó, đừng có nói đi nước ngoài nhưng bây giờ chúng tôi chứng kiến có những doanh nghiệp bán hàng được tận ra nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử. Đấy rõ ràng là có công cụ giúp rồi. Trước đây không thì bây giờ đã thành, có nghĩa là có cơ hội.
Thế nhưng doanh nghiệp phải tiếp cận, phải tận dụng.
Bây giờ từ mật ong cho đến những sản phẩm rất đặc trưng của địa bàn cũng lên nền tảng và cũng rất tốt như chè, các thứ đều đi rất nhiều nơi, thậm chí là cạnh tranh được.
Đấy là mình có cơ hội.
Thế thì doanh nghiệp cũng cần phải liên tục cập nhật những kiến thức, xem xu hướng, xu thế, cơ hội thị trường ngách, ví dụ như cả một hiệp định đấy, những thị trường lớn không vào được nhưng mà đâu đó có những thị trường ngách mà nó phù hợp cho mình.
Hay là chúng tôi phối hợp với Amazon hỗ trợ để doanh nghiệp đưa hàng lên thì khoảng độ 300 doanh nghiệp chỉ có 30 doanh nghiệp lên được. Vì sao ạ? Bởi vì đầu tiên là sản phẩm, ví dụ lên sàn Amazon rất uy tín, họ theo dõi từng sản phẩm, mình phải có nguồn lực để có kho hàng, mình có đủ khả năng chịu được chi phí duy trì kho hàng trên Amazon, tức là nó rất nhiều những yếu tố yêu cầu mà mình đều phải từng bước.
Đấy là về phía doanh nghiệp, ngoài cập nhật kiến thức thì cũng phải chịu khó tham gia vào những chương trình trợ giúp của Chính phủ, chủ động nguồn lực của mình thế nào thì mình cũng phải cố gắng, quyết tâm...
Còn về phía Chính phủ chúng tôi thấy cũng rất nhiều việc phải làm. Tôi cũng rất đồng tình với ý kiến của anh Thân và anh Khanh là rõ ràng mình có thể cần phải có một chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp để tận dụng FTA và đặc biệt như anh Thân chia sẻ mình sẽ nhìn thấy chỉ có những ông nào đã Ready (sẵn sàng) cho việc đó. Có nghĩa không phải là 900.000 doanh nghiệp đều tham gia vào quá trình đó, điều đó quá xa vời.
Trong đấy mình chỉ có nhóm như anh Thân nói là 5% doanh nghiệp, thoải mái ra thì được 10% doanh nghiệp trong số đó chẳng hạn, những doanh nghiệp đó là có tiềm năng thì mình phải đánh giá được những doanh nghiệp có tiềm năng và phải có được cơ sở dữ liệu những doanh nghiệp đó và rõ ràng khi thiết kế chính sách sẽ thiết kế cho nhóm đó, những ông đấy phải có chính sách riêng, chứ không phải để họ đi chung chung thì không đúng.
Ví dụ như là những doanh nghiệp quy mô vừa rồi thì mình phải có những chính sách hỗ trợ quốc tế hóa để họ đi ra quốc tế thế nào và có một chính sách khác. Và khi doanh nghiệp vừa đã thành những doanh nghiệp dẫn dắt rồi doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Khi chúng tôi theo dõi thì lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất thấp và thậm chí có nhiều năm gần như không có lợi nhuận. Nhưng ở các nước cũng như ở Việt Nam thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ lại giúp tạo việc làm. Đấy là sứ mệnh của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Khi mà nền kinh tế mà tất cả những người dân có việc làm ở những doanh nghiệp này thì sẽ đảm bảo an sinh. Đấy là sứ mệnh của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, người ta không đóng góp nhiều về ý nghĩa kinh tế nhưng người ta đóng góp về xã hội.
Còn đóng góp kinh tế là doanh nghiệp vừa và lớn thì phải có những cái gọi là đầu tư lớn thì người ta có kết quả lớn thì khi đó người ta lại đóng góp lớn hơn. Trong chính sách trong thời gian tới chắc là chúng ta cũng phải rà soát lại và chúng tôi rất đồng tình sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương chúng ta sẽ thiết kế những chính sách dành riêng theo các hiệp định hoặc không được theo từng hiệp định thì cũng chuyên biệt cho các FTA.
Rõ ràng khi đó và cũng như anh Thân chia sẻ thì chắc chắn trách nhiệm của Hiệp hội cũng rất lớn khi phối hợp với chúng tôi trong thời gian tới là nhóm doanh nghiệp vừa có chính sách khác, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có chính sách khác.
Lúc đấy mình sẽ trọng tâm, trọng điểm và chúng ta sẽ cùng triển khai để đạt được yêu cầu, kết quả tốt hơn.
Chúng tôi rất hi vọng trong thời gian tới sau khi mình đã có kinh nghiệm trong một thời gian triển khai mình sẽ điều chỉnh chính sách hợp lý và sẽ phù hợp, hỗ trợ được doanh nghiệp tốt hơn trong tận dụng những hiệp định tự do thế hệ mới.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn bà. Vậy thì còn đối với Hiệp hội thì sao thưa TS. Nguyễn Văn Thân, Hiệp hội sẽ có những giải pháp như thế nào để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Tư duy đổi luật tức là mình thay một vài điểm mà tôi nghĩ sẽ thuyết phục được. Những quan điểm của chúng ta hôm nay là tập trung cho các doanh nghiệp vừa để đẩy họ lên, còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với hộ kinh doanh cá thể thì đúng như nhiệm vụ của nó như thế. Trong quá trình như thế có những doanh nghiệp lớn lên dần thì chúng ta lại Focus (tập trung) đến họ, chứ bây giờ nó như thế mà mình bắt nó phải làm những việc mà nó không làm được thì lại đầu tư không trúng.
Quan điểm vĩ mô là như thế. Cho nên ngay từ đầu tôi đã cảm ơn Tạp chí Công Thương có những cuộc trao đổi thẳng thắn như thế này, các doanh nghiệp nghe và chúng ta đều thấu hiểu, đại diện cho hai bộ thấu hiểu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chúng ta sẽ thấy rằng cần phải tư vấn cho Chính phủ, tham mưu Chính phủ cái gì. Điểm này theo tôi là rất trúng.
Cá nhân tôi vẫn ủng hộ doanh nghiệp vừa là vì thế, vì những ông ấy và mấy ông doanh nghiệp lớn mới là đóng góp nguồn thu cho ngân sách của nhà nước, còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là đóng góp về lao động, với lại bản thân người ta nuôi sống người ta và giải quyết được lan tràn toàn quốc là mức thu nhập của người dân, điểm đấy rất quan trọng nhưng mà trực tiếp cho người dân, còn ngân sách có hay không là do ông doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Ông doanh nghiệp vừa thì có độ bền vững khá cao vì đa ngành, tất cả các ngành, còn ông doanh nghiệp lớn chỉ một vài ông lớn thôi chỉ tập trung vào những vấn đề mà ông ấy mà hỏng một cái là nguy hiểm.
Cho nên mỗi một lớp lang đều có nhiệm vụ chính trị và xã hội của nó. Thế bây giờ để đất nước phát triển, để giải quyết được bài toán FTA phải tập trung vào doanh nghiệp vừa, cái này thì tha thiết của chúng tôi rất mong như thế.
Cụ thể như chị Thủy vừa nói nên làm và làm càng sớm càng tốt thì nguồn lực của chúng ta tập trung hơn. Cái gì cũng thế, nguồn lực phải tập trung vào một chỗ, sau đó lấy chỗ đấy mới phát triển ra những chỗ lân cận. Hội chợ rất quan trọng, mặc dù những gian hàng của mình bé nhưng mà phải đi, dứt khoát phải đi để nhìn thấy Trung Quốc họ làm thế nào, Hàn Quốc làm sao và chỉ có doanh nghiệp nhìn thấy mới sốt ruột, chứ mình nói mãi thì cũng chỉ giải quyết được một phần thôi.
BTV Huyền My: Về phía Bộ Công Thương thì sao thưa ông Ngô Chung Khanh? Bộ Công Thương sẽ có những kế hoạch để xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp tận dụng các FTA trong thời gian tới như thế nào để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp gia tăng hiệu quả, tận dụng các FTA trong khi vẫn đảm bảo được các cam kết quốc tế của Việt Nam? Và Bộ Công Thương có khuyến nghị cũng như đề xuất gì với các bên liên quan?
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương:
Thực chất tôi nghĩ là các chương trình hỗ trợ về góc độ Bộ Công Thương, trách nhiệm Bộ Công Thương thì chắc vẫn đã và đang làm từ hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến về xúc tiến.
Nhưng có một nội dung mà chúng tôi đã, đang triển khai cũng phù hợp với ý chỗ chị Thủy và anh Thân, đó là tập trung nguồn lực. Đó là hiện nay chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị, ví dụ chẳng hạn như ngành thủy sản chẳng hạn, từ người nông dân, nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics, kết nối với địa phương, kết nối với bộ, ngành trong một platform, một nền tảng như vậy và sẽ có những đơn vị vận hành để các ý tưởng, các kế hoạch thực thi đi vào hàng ngày.
Đấy là cái mà chúng tôi đã và đang triển khai, hiện nay sẽ tập trung trước mắt vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều. Sáu ngành đó chúng tôi lựa chọn và chúng tôi đang triển khai các buổi tọa đàm tại các tỉnh, thành để lấy ý kiến các hiệp hội, các địa phương, các cơ quan có liên quan và mục tiêu chúng ta đưa hết tất cả các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó thì chúng ta sẽ có được các định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA.
Chúng tôi cũng rất kỳ vọng nếu mà có thể triển khai thành công, dự kiến chúng tôi hy vọng rằng tháng 9/2025 có thể đi vào cuộc sống, lúc đấy những mong đợi và những vấn đề vướng mắc cũng có thể phần nào được giải quyết.
Hi vọng rằng với hệ sinh thái được ban hành thì sẽ có được sự tập trung nguồn lực từ phía các bộ, từ phía Hiệp hội và đúng như ý của anh Thân với chị Thủy nói là tập trung, tập trung nguồn lực để hiệu quả hơn nữa. Đấy là điều mà Bộ Công Thương đang đã và đang triển khai trong thời gian tới.
BTV Huyền My: Xin cảm ơn các vị khách mời và kính thưa quý vị!
Như các vị khách mời vừa mới chia sẻ thì thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp khuyến khích cũng như là hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA. Việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA đã chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên đây mới chỉ là bệ phóng để phát triển với sân chơi quốc tế rộng lớn, luật chơi nghiêm ngặt thì đòi hỏi người chơi là các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, những kết quả tích cực từ các FTA vẫn chờ các doanh nghiệp có đủ năng lực và chủ động thích ứng.
Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã tới tham dự Tọa đàm ngày hôm nay của Tạp chí Công Thương.