TP. Hồ Chí Minh: Hội thảo về hợp tác phát triển Công nghiệp Vi mạch

Trong 2 ngày (9&10) tháng 10/2014, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối với Thương Vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc - Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo về Phát triển công nghiệp vi m

Đến tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà; ông Park Sang Hyup - Trưởng Thương vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố, cùng tham dự thuyết trình hội thảo có 8 chuyên gia cao cấp Hàn Quốc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: Giáo sư Hwang Cheol-Seong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vi mạch bán dẫn ISRC thuộc Đại học Quốc gia Seoul; Tiến sĩ Choi Jin-Seog CEO Jin Semiconductor; Ông Nam Ki-Man, Phó Chủ tịch và CEO Hiệp hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Hàn Quốc (KSIA)…. Ngoài ra, còn có các thành viên Ban chỉ đạo, các giảng viên trường Đại học trên địa bàn thành phố (Đại học Bách khoa, Đại học CNTT, Đại học KHTN). Đại diện lãnh đạo: Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao; Trung tâm ICDREC; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, cùng tham dự.

Mục tiêu của hội thảo, nhằm đánh dấu sự hợp tác giữa Hàn Quốc và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó là phần thảo luận giữa các thành viên Ban chỉ đạo chương trình phát triển Công nghiệp Vi mạch thành phố, các giảng viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam…, với các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia cao cấp Hàn Quốc nhằm tìm hiểu kinh nghiệm, hợp tác phát triển ngành vi mạch.Theo số liệu của Ban tổ chức, ngành công nghiệp vi mạch (hay còn gọi là ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch – semiconductor industry), là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử, đóng vai trò là thành phần then chốt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao như máy tính, điện thoại di động, thiết bị điều khiển, đồ điện gia dụng, trang thiết bị y tế,… và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Theo đó, việc phát triển ngành công nghiệp Vi mạch điện tử không chỉ góp phần phát triển công nghiệp CNTT mà còn tạo ra tác dụng lan tỏa, hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển như: Công nghiệp Ô tô; Công nghiệp Hàng không; Công nghiệp Quốc phòng…

  Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại hội thảo

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy được tầm quan trọng của ngành công nghiệp vi mạch, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6358/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2012 về việc phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020”, với các mục tiêu chung, nhiệm vụ gắn với 7 chương trình, đề án, dự án có liên quan mật thiết như: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Đề án phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Đề án nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design House).

Sau hơn 18 tháng triển khai thực hiện, UBND thành phố đã chấp thuận bổ sung thêm 03 chương trình, đề án: Chương trình phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử, đề án Phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab-to-Fab) và Chương trình phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Qua đó, tạo ra hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch thành phố.

Bên cạnh đó, việc tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các Chuyên gia các nước về lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng và Công nghiệp, công nghệ thông tin nói chung cũng được thành phố quan tâm hàng đầu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Mạnh Hà cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã và đang tập trung để phát triển công nghiệp vi mạch. Đây là lĩnh vực mới, tính rủi ro rất cao nên cần kinh nghiệm của những quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành vi mạch bán dẫn.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, thành phố sẽ đưa ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thành một ngành công nghiệp hỗ trợ nền, kéo theo các ngành khác cùng phát triển, tạo tính lan tỏa và thu hút các công ty hàng đầu thế giới cùng ngành đến Việt Nam.

Ngoài ra, sự kiện Tập đoàn Samsung được trao giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao thành phố, với số vốn là 1,4 tỷ USD, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Chúng ta muốn tham gia tích cực vào phát triển vi mạch thì phải có nhân lực trong lĩnh vực này, nhân lực phải được đào tạo và được trải qua các thực nghiệm. Ông Hà cũng nhấn mạnh, sau 30 năm phát triển ngành vi mạch bán dẫn, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng thứ hai thế giới về công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Vì vậy, hội thảo này được thể hiện một lần nữa, thành phố tiếp tục đặt nền tảng cho sự phối hợp giữa hai bên trong việc hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành này.

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc về ngành vi mạch bán dẫn đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm từ sự phát triển công nghiệp vi mạch Hàn Quốc với các tham luận: Thiết bị bán dẫn và lĩnh vực bán dẫn; sản xuất, lắp ráp vi mạch bán dẫn; chiến lược thâm nhập ngành vi mạch bán dẫn, tiết kiệm chi phí trong xây dựng nhà máy…

Ông Park Sang Hyup - Trưởng Thương vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố phát biểu tại hội thảo

Theo ông Park Sang Hyup, Trưởng Thương vụ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, vi mạch bán dẫn là ngành có giá trị gia tăng rất cao, có tác dụng lan tỏa, hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác và đóng vai trò then chốt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao.

Giáo sư Hwang Cheol Seong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn thuộc trường đại học quốc gia Seoul (ISRC) Hàn Quốc cho rằng, để phát triển ngành vi mạch bán dẫn cần có sự tự lực của doanh nghiệp, trong đó vai trò của các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo nhân lực rất quan trọng.

Các chuyên gia và các nhà đầu tư Hàn Quốc tại hội thảo đã đánh giá, hiện ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam chủ yếu nằm ở giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, ít chú trọng vào khâu sản xuất và đưa vào ứng dụng. Nếu như thành phố Hồ Chí Minh phát triển đúng theo định hướng đề ra, thì trong tương lai địa phương này sẽ trở thành một nhà máy toàn cầu, thu hút nhiều tập đoàn vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới vào đây hoạt động và phát triển.


Hình ảnh các đại biểu tham dự hội thảo

Nhằm đánh dấu sự hợp tác quốc tế về phát triển công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu vi mạch bán dẫn (Đại học Quốc gia Seoul) và Khoa Điện - Điện tử thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Hồng Lực