TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và điện tử

Ngày 4/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, buổi đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với các doanh nghiệp ngành CNTT và điện tử, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) kết hợp với Sở Thô
Tại buổi đối thoại, hàng loạt các vấn đề được các doanh nghiệp đề cập, tập trung vào việc vay vốn kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho, bình ổn giá bán,... đã được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà lắng nghe và giải đáp. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, hiện nay CNTT giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, do đó, những buổi đối thoại như thế này chính quyền thành phố mong muốn lắng nghe những đề xuất, góp ý của doanh nghiệp, từ đó, cùng với doanh nghiệp tiếp tục tìm cách tháo gở khó khăn, vướng mắc, trong quá trình sản xuất kinh doanh, để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thành phố ổn định sản xuất, tồn tại và phát triển bền vững.   

Doanh nghiệp nêu ý kiến trong buổi đối thoại

Nhiều ý kiến được nêu tại buổi đối thoại tập trung vào nộp thuế và XNK hàng hóa. Riêng về nộp thuế thì các doanh nghiệp khá quan tâm đến thuế GTGT, nhất là nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Trả lời về vấn đề này, bà Trần Lệ Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, Thông tư 119 vừa được Bộ Tài chính ban hành đã chỉnh sửa 7 Thông tư trước đó về vấn đề nộp thuế và các thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp. Trong đó có một quy định rất thoáng, đó là các doanh nghiệp mới thành lập thì không phải cần hóa đơn mua sắm máy móc thiết bị từ 1 tỷ đồng trở lên, miễn sao doanh nghiệp có dự án đầu tư.

Điều đặc biệt thứ hai là Thông tư 119 có hiệu lực thi hành từ 01/9/2014, nhưng cũng có thể xử lý đối với các doanh nghiệp trước đây. Nếu trước ngày 01/9 các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ và đang áp dụng phương pháp trực tiếp, thì từ ngày 01/9 sẽ được chuyển ngay qua phương pháp khấu trừ.

Tại buổi đối thoại các vấn đề về thuế được giải quyết thỏa đáng nhất. Tuy nhiên, còn hàng loạt vấn đề khác được các doanh nghiệp đưa ra thì chỉ mới dừng lại ở mức độ tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Một số doanh nghiệp khác đã nhìn nhận rằng, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã có nhiều điểm tiến bộ, nhưng song song đó, các doanh nghiệp vẫn phải tiến hành các thủ tục với các cơ quan ban ngành khác thì vẫn còn rườm rà và nhiều khi mất rất nhiều thời gian, bởi trong vòng một tháng các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều báo cáo cho các đơn vị khác nhau.

Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà còn cho rằng, hiện nay, khá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp báo cáo, số liệu thống kê. Chúng ta phải làm thế nào để các doanh nghiệp giảm bớt thời gian báo cáo, khai báo thủ tục… Để làm được điều này, chúng ta cần định lượng thời gian doanh nghiệp phải tiêu tốn để khai báo, thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, mới có kiến nghị cụ thể, có lộ trình giảm số giờ giải quyết thủ tục, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Cần có lộ trình giảm số giờ giải quyết thủ tục để gỡ khó cho doanh nghiệp

Riềng về lĩnh vực XNK, thì khó khăn nhất là thủ tục XNK và thông quan hàng hóa cho nhiều hình thức khác nhau vẫn còn đang mất rất nhiều thời gian, từ việc tạm xuất tái nhập hàng hóa để tiến hành bảo trì, bảo dưỡng sản phẩm đến việc tạm nhập tái xuất để nghiên cứu sản phẩm thử, sản phẩm mẫu, đến việc nhập khẩu các sản phẩm cũ để phục vụ cho nghiên cứu phát triển sau này.

Ngoài ra, cũng tại buổi đối thoại này, nhiều vấn đề khá mới phát sinh trong CNTT cũng được các doanh nghiệp đưa ra và được lãnh đạo các cơ quan Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và cam kết sẽ nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới. Đơn cử như việc bản quyền phần mềm và giải quyết tranh chấp bản quyền phần mềm, hoặc là các phát sinh ngành nghề mới trong CNTT cần được xem xét nghiên cứu và cấp phép.