Nhận định trên từ ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tại Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam, được tổ chức ngày 8/4/2016, tại TP. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa nhận định: Ký kết Hiệp định TPP là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới của Việt NamTham dự hội nghị, có ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Tham tán thương mại các nước tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo gần 300 doanh nghiệp (DN) cùng tham dự.
Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP tổ chức, dưới sự chỉ đạo thực hiện của UBND TP. Hồ Chí Minh, nhằm giúp cho DN hiểu rõ về TPP và có cái nhìn tổng quan về bức tranh của nền kinh tế trong tương lai, cũng như những cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới của các DN tại Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển nhận định: TPP tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng tại Việt NamChương trình được dành trọn 1 ngày để các đại biểu tham dự chia sẻ, phân tích những chính sách mà Việt Nam được cam kết trong TPP, lộ trình phát triển trong 3 năm tới (giai đoạn 2016 - 2018) của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, còn tập trung khai thác sâu vào nội dung của 4 chủ đề chính - 4 vấn đề có vai trò quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay trong TPP là: Đầu tư thương mại; Thuế quan; Sở hữu trí tuệ và Lao động. Hội nghị cũng chỉ ra những tác động trực tiếp của 4 vấn đề liên quan đến ngành kinh tế mũi nhọn như: Dệt may và Da giày; Thủy hải sản và Nông sản; Ô tô và ngành phụ trợ; Dược; Công nghệ cao và những tác động khác có ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa nhấn mạnh: “ Việc ký kết Hiệp định TPP của Việt Nam không chỉ là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán, mà còn là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia vào TPP, nhằm mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu (XK) hàng hóa, thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, TP. Hồ Chí Minh luôn xem hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố xác định việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, cũng như tác động của Hiệp định TPP là hết sức cần thiết.
Bà Virginia Foote - Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies - Hoa Kỳ nhận định: TPP là Ngôi nhà đẹp cho Việt NamLà người chia sẽ đầu tiên tại hội nghị, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đã nêu ra những nhận định về sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 3 năm (2016 - 2018), theo xu thế phát triển của kinh tế thời đại. Ông Tuyển phân tích, kinh tế thế giới đang chuyển đổi: từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ sản xuất vật chất sang phát triển các ngành dịch vụ; Từ phân bố lao động theo nguồn lực sang tối đa hóa hiệu quả hoạt động thị trường; từ chạy theo tốc độ tăng trưởng sang coi trọng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển…
Ông Trương Đình Tuyển nhận định, cơ hội từ các Hiệp định FTA đưa đến cho Việt Nam là: thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn, tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh), thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng, khu vực nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, năm 2016, tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, ngoài ra, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới, với những yếu tố trên, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả tái cơ cấu 4 nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2017 - 2018, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, trừ FTA Việt Nam - EU, các FTA đã kết thúc đàm phán cũng sẽ hiệu lực, tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng, kinh tế thế giới được dự báo tăng rõ hơn, đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Về trong nước, có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 và năm 2018 sẽ còn cao hơn, nhưng ông Tuyển cũng lưu ý, dự báo chỉ nêu được xu thế để định hướng cho doanh nghiệp hành động, thực tiễn có thể khác.
Ông Nestor Scherbey - Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VFTA) chia sẻ về những thách thức trong TPP tại Hội nghịChia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP mà DN Việt Nam cần chuẩn bị, ông Nestor Scherbey - Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VFTA) cho rằng, các công ty đa quốc gia (FDI), sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các Hiệp định FTA, điều này, cũng mang đến cơ hội cho các DN Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Về phía Chính phủ Việt Nam, theo ông Nestor Scherbey, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho công ty FDI. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA & các trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng là đối với DN vừa và nhỏ.
Tại hội nghị, bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ, một trong những điều quan trọng nhất của TPP là sự hợp tác. Việt Nam hiện đang nhất, nhì thế giới về XK gạo, cà phê, nhưng bao năm qua, giá trị gia tăng vẫn luôn thấp, đây là một minh chứng cụ thể về các DN Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của mình trong TPP, thứ hai, khoảng cách giữa DN FDI và DN Việt Nam còn lớn về sự hợp tác, khi phần lớn các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam đều thuộc về các DN FDI.
Bà Virginia Foote - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bay Global Strategies (Hoa Kỳ) nhận định, TPP là ngôi nhà đẹp cho Việt Nam, nhưng cần phải biết tận dụng, trong đó có nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết một cách tích cực, trong đó, vai trò lớn nhất là sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ về các cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng công khai và minh bạch. Ngoài ra, một trong những khó khăn mà các DN Việt Nam cần phải nhanh chóng giải quyết đó chính là vấn đề xuất xứ hàng hóa, bởi thời gian thực thi thì không còn bao lâu, trong khi đó, nhiều mặt hàng Việt Nam đang bị yếu thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là mặt hàng dệt may.
Kết luận phần tham luận của mình, bà Virginia Foote chia sẻ, một trong những tồn tại mà các DN Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội do TPP mang lại, nhất là các DN vừa và nhỏ, đó là: các DN Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho những quy tắc và tiêu chuẩn mới, còn thiếu hụt nguồn nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng mềm - các tiêu chuẩn kế toán, quá nhiều tiền mặt lưu hành, tụt hậu cải cách quản trị; tuân thủ luật và quy định quá chậm chạp; rắc rối về quản trị và tham nhũng - sự phức tạp trong thỏa thuận mang tính xung đột, chồng chéo giữa thuế quan và các quy tắc khác; chỉ tập trung chủ yếu vào số lượng hơn là giá trị nhất là trong ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã chia sẻ về xóa bỏ thuế quan trong TPP. Ông Thành cho biết, nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0%, ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm đối với một số ngành hàng. Hoa Kỳ cam kết bỏ thuế ngay lập tức đối với nhiều hàng dệt may, từ 11 nước TPP, trong đó có Việt Nam, thay vì mức thuế trung bình 17,5% như hiện nay, đáng chú ý, hàng dệt may Việt Nam được sử dụng một số loại vải, nguyên phụ liệu ngoài TPP trong vòng 5 năm, vẫn được hưởng ưu đãi thuế đầy đủ theo như quy định trong hiệp định.
Tuy
nhiên, thách thức TPP đối với Việt Nam cũng không là nhỏ, từ phía Chính phủ và
các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn
mạnh, TPP là một động lực mới trong nền kinh tế Việt Nam, được ví như là một kỷ
luật mới để thúc đẩy và ép các DN Việt Nam phải đổi mới trong quản trị, điều
hành để vừa nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm vừa thu lại những lợi ích
trong TPP đã đặt ra. TPP sẽ không đặt ra nhiều áp lực đối với Chính phủ Việt
Nam để cải cách sâu rộng hơn theo hướng thị trường, nhưng Việt Nam sẽ không
được hưởng lợi đáng kể từ TPP nếu không cải cách.