Công việc ướp sen tốn khá nhiều thời gian, mỗi lần lấy nhị một bông hoa là phải cho ngay vào cái hộp có nắp đậy để khỏi mất hương thơm. Sau khi nhặt hết các sợi vàng, cho chỗ "gạo" thu được vào ướp với trà trong hàng tuần. Sau đó sàng bỏ các hạt gạo, sao lên để giảm bớt độ ẩm, cứ thế ba lần thì món trà sen hảo hạng mới hoàn tất. Bà Ngọ cho biết cách sấy trà đòi hỏi rất công phu, đây là khâu quyết định cho trà ngon hay không. Cho chè vào bao gói bằng giấy can và cuốn quanh một cái nồi nhôm (xưa là cái chum sành) cuốn lớp ngoài cùng là chiếc chăn chiên, hoặc chăn dạ, chăn len. Sau đó đổ nước sôi vào nồi đậy nắp nồi lại từ tối cho đến sáng hôm sau lấy chè ra. Trà lúc này vừa khô vừa ngấm sen nên rất đượm. Trước kia sấy trà bằng củi lửa, vừa không tiện, lại lâu và dễ ám khói, song đây là cách sấy trà tốt nhất và bí quyết này chỉ có gia đình bà Ngọ còn lưu giữ cho đến bây giờ. Đây là công đoạn kỳ công nhất, không có cái tâm của người làm trà sen thì khó mà kiên trì làm đến đầu đến đũa. Đến khi trà khô thì mang ra ủ và đóng gói. Đặc biệt, khi đóng gói trà không được bật quạt kẻo hương trà bay mất, người đóng gói cứ đành chịu nóng mà làm. Tục truyền là chỉ những người già, và đàn ông mới được đóng gói và hàn gói trà. Phụ nữ vào những ngày “bẩn người” không được tới gần khu vực này, cả những người chửa đẻ, hay vừa đi đám tang về cũng không được “bén mảng” lại gần.
Còn trà ướp xổi là đưa chè vào trực tiếp trong hoa sen, cách ướp này chỉ là để tìm được loại trà hảo hạng, chứ không phải để bán, số người ướp trà kiểu này rất hiếm, bởi không chỉ công phu hơn ướp trà đại trà mà còn phải là người trực tiếp trồng sen, đến khi có trà rồi khi thưởng thức phải pha trà bằng nước mưa đã chắt lọc mới tuyệt hảo. Trà này thường được ướp vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy, hương còn rất đượm, chè được đặt vào trong lòng hoa. Sau đó người ta dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau người hái sẽ thu trà về. Trà ướp trong hoa sen vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng. Hoa sen được bọc trong lá sẽ bảo quản được từ 7-10 ngày (nếu để trong tủ lạnh), hoặc từ 3-4 ngày (nếu để ở nơi thoáng, mát, không bị ẩm). Ướp trà sen theo cách ướp xổi vừa mang hương vị ngọt đậm của hoa vừa mang lại cho người thưởng thức cái thú được ngắm nhìn từng búp trà quyện trong hương thơm phảng phất của sen tươi. Sen được chọn phải là loại có bông lớn, màu hồng tươi, bông hoa trông xốp, nhẹ. Đây là loại thơm nhất. Loại sen hồng bông nhỏ, trông chắc nặng, màu hồng sẫm ngả tím, các cụ xưa vẫn phân biệt gọi là quỳ, mùi nhạt và kém thanh. Hoa sen màu trắng cũng không thơm bằng sen hồng. Để có một cân trà thơm (chọn loại trà hảo hạng) cần có 1.000-1.200 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Đồng Trị, Thủy Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác). Hoa sen phải hái trước lúc bình minh.
Vào mùa sen, những người làm nghề trà sen nổi tiếng ở Hà Nội phải đặt mua sen từng ngày tại đầm. Mỗi sáng sớm, hàng nghìn bông sen được hái và lấy gạo ngay tại chỗ. Theo chúng tôi được biết, hiện nay xóm Mẩu quê bà Ngọ chỉ còn 4 hộ giữ được nghề ướp trà sen, Tuy nhiên, chỉ có gia đình bà mà bà là người cao tuổi nhất và trà sen của bà lúc nào cũng bán hết trước Tết Nguyên đán. Nhiều du khách quốc tế như Pháp, Nhật… đã tìm đến nhà bà để tìm hiểu và mua trà. Bà Ngọ cho rằng: Ướp trà sen, không để làm giàu mà đây là một thú vui và đam mê với nghề. Mỗi cân trà sen đầu tư tới 4 triệu đồng chỉ bán ra từ 4,5 triệu đến 5 triệu/kg lời lãi chả được bao nhiêu. Tuy nhiên, nhờ ướp trà sen vợ chồng bà sống vui sống khoẻ. Noi gương ông bà, các con cháu đều trưởng thành, hạnh phúc. Vào mùa sen, những lúc ở cơ quan về, các con đều xúm vào giúp ông bà chọn sen, lọc chè để ướp. Hương sen làm ấm thêm tình người, tình đời…