Không nên lo vỡ quỹ BHXH mà tăng tuổi hưu
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn luận từ nhiều năm trước nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Bà cho rằng, không nên vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm mà đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, mà cần đánh giá rõ tác động của đề xuất này đối với các tầng lớp lao động.
“Nhiều sinh viên hiện ra trường không có việc làm, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ mất đi cơ hội có việc làm của giới trẻ. Ngoài ra phải làm phép so sánh hiệu suất lao động giữa người lao động (NLĐ) lớn tuổi và trẻ tuổi. Tôi nghĩ đến ngưỡng nào đấy nên khép lại tuổi lao động, để tạo cơ hội cho giới trẻ có việc làm”- đại biểu Mai nhấn mạnh.
Một nội dung khác trong dự án Bộ luật Lao động mà đại biểu Mai quan tâm là quy định tăng giờ làm thêm từ 300h/năm lên 400h/năm.
Nữ đại biểu băn khoăn: “Tôi đề xuất cần tính toán vì sao có quy định làm việc 8h/ngày, vì liên quan đến sức khỏe của NLĐ và hiệu quả công việc. Nếu nâng lên, xét về mặt khoa học sẽ vướng nhiều thứ và lãng phí về ngân sách. Ngoài lương chính thức, chi trả giờ làm thêm, nếu lấy từ ngân sách ra là khoản không nhỏ. Theo tôi nên giữ như quy định hiện hành với những quy chế đặc thù”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) cũng cho rằng, nếu việc tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ BHXH thì bà không đồng ý. “Vì nếu tăng nữa vẫn vỡ quỹ, trong khi BHXH không có biện pháp hữu hiệu nào đòi được nợ”- đại biểu này nói.
Kể trải nghiệm của mình khi đi đến khu nhà trọ của công nhân, đại biểu Lan nói mình thấy rất đau lòng, khi đời sống của họ còn khó khăn, thiếu thốn nhiều quá.
“Tôi nghĩ trong luật nên quy định rõ ràng, người sử dụng lao động có trách nhiệm như thế nào? Mức lương tối thiểu hiện không theo kịp tăng giá, nên công nhân phải làm tăng ca để có thêm thu nhập…
Cái tôi quan tâm làm sao có chế tài với người sử dụng lao động. Tại doanh nghiệp FDI, họ chỉ thuê công nhân trẻ tuổi, dễ đào tạo, trả lương thấp… nên ngoài 40 tuổi trở lên thường cho thôi việc và tuyển lớp mới. Vì thế khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu tác động tới các đối tượng, cả NLĐ và chủ sử dụng để có phương án hợp lý”- đại biểu Lan cho biết.
Nam và nữ đều tăng hai tuổi cho bình đẳng
Theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), xu hướng ở một số nước phát triển là tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đi cùng với đó là giảm giờ làm. Ở Việt Nam, trong bối cảnh vẫn thiếu việc làm và cứ mỗi năm lại có thêm 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động; dân số lại đã bắt đầu bước vào ngưỡng "già hóa", thì rất cần tính toán, thiết kế luật theo hướng đáp ứng nhu cầu có việc làm của lao động trẻ.
"Thực tế là tuổi càng lớn thì sức khỏe, kỹ năng làm việc, độ nhanh nhạy giảm. Tuổi thọ trung bình người Việt ngày càng cao, nhưng không khỏe. Tôi đồng ý tăng tuổi hưu nhưng lưu ý xem lại lộ trình, đặc biệt là linh hoạt theo đối tượng ngành nghề" - ông Thưởng nói.
Còn đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì đặt ra vấn đề: Tại sao tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 (tăng 5 tuổi so với hiện nay) còn nam lên 62 (tăng 2 tuổi)? Ông Thành cho rằng nên để nam và nữ đều cùng tăng 2 tuổi cho bình đẳng.
Cũng nói về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, nói về bình đẳng giới thì nam, nữ là như nhau. Khi lý giải về đề xuất tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam, Chính phủ cho rằng căn cứ vào điều kiện sức khỏe, tuổi thọ. “Hiện nay nữ sống thọ hơn nam, sao quy định lại tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam” - đại biểu Phong nói.
Cũng theo đại biểu này: “Nếu trong điều kiện dân số già thì đương nhiên phải tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cho lực lượng lao động trong xã hội. Còn trong điều kiện dân số vàng, lực lượng lao động rất nhiều mà tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp trung của quốc gia. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ để có lộ trình tăng tuổi hưu phù hợp”.