Sao phải nâng thêm tuổi nghỉ hưu?

Người lao động làm công ăn lương và đóng góp đầy đủ, cống hiến liên tục trong thời gian dài để mong đến ngày được về hưu. Vì sao phải nâng thêm tuổi nghỉ hưu?

Tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội ngày 23/4/2018 thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày sơ bộ đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7. Đáng chú ý, “Đề xuất nâng tuổi hưu nam lên 65, nữ 60” lại nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động.

Lý giải cho việc tăng tuổi hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích: “Không có nước nào mà chính sách bảo hiểm xã hội lại thoáng như vậy, đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng phần nhà nước hỗ trợ trong đó nữa. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội rồi xin rút một lần, một thời gian sau có việc mới lại đóng và sau đó lại xin rút một lần”.

Theo đó, Bộ sẽ thiết kế 3 tầng: Tầng thứ nhất, Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai, BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba, bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.

Và để không gây sốc đối với người lao động, những người làm đề án trình hai phương án nâng tuổi nghỉ hưu: Phương án một: Nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai: Nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Thật ra, không phải đến bây giờ chuyện tăng tuổi nghỉ hưu mới được đưa ra. Còn nhớ, năm 2007, trong khi bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật BHXH 2014, tất cả các lần đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động đều được đưa ra bàn thảo, nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội nhất trí. Điều đó cho thấy đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng.

Cho đến bây giờ, vấn đề tuổi hưu vẫn cần phải xem xét cẩn trọng, tùy vào từng tính chất công việc của mỗi ngành nghề. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong khu vực hành chính và nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì có thể xem xét việc nâng tuổi hưu.

Còn khu vực sản xuất trực tiếp thì nên giữ nguyên. Hoặc cần có lộ trình cụ thể cho từng nhóm chứ không thể cào bằng. Bởi vì, tiếp tục nâng tuổi hưu nữa thì quyền lợi người lao động bị tác động, chưa kể hàng năm nước ta có 1 triệu người đến tuổi lao động.

Thực tế cho thấy, chúng ta tự hào, tự mãn khi nghĩ mình đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, có nguồn lực lao động dồi dào nên tha hồ “xài phí”. Điển hình là việc nhiều doanh nghiệp có xu hướng đào thải lao động trên 35 tuổi để tuyển người trẻ, khỏe hơn.

Vấn đề này ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) từng cho rằng: “Vấn đề nâng tuổi hưu rất phức tạp, cần có sự đánh giá cẩn trọng từ nhiều góc độ sức khỏe, việc làm, tâm lý… của người lao động. Cần có sự phân tách việc tăng tuổi hưu theo các nhóm ngành, nghề. Nhất là trong điều kiện khí hậu và sức khỏe của người lao động, lĩnh vực sản xuất trực tiếp đang có tình trạng doanh nghiệp “thải loại” người lao động trên 35 tuổi”.

Mặt khác, lực lượng lao động của chúng ta đông nhưng chủ yếu là lao động chân tay, giản đơn, chủ yếu dùng sức lực (may vá, lắp ráp điện tử, lặt đầu tôm, xẻ thịt cá..v..v..), chứ không phải dùng trí lực. Mà đã dùng sức lực thì cần gì phải có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều. Những công việc ấy chỉ cần những người mắt tinh, tay khỏe chứ không cần người có chuyên môn, bằng cấp.

Thêm vào đó, do tiền lương thấp, điều kiện sống không bảo đảm nên một lực lượng lớn lao động trực tiếp này đã bị lão hóa sớm hơn bình thường (mắt mờ, tay yếu, chân run, vẹo cột sống, giãn tĩnh mạch..v..v..) là những thứ bệnh mà hầu hết người lao động ngoài 35 tuổi đã mắc phải, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động.

Cũng xét ở khía cạnh công nhân, người lao động, hiện nay số lượng người đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu đã không có bao nhiêu, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì xuất hiện tư tưởng “nghỉ sớm để lãnh một cục” là điều có thể thấy trước. Khi ấy, nguồn thu BHXH lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp: Giảm người vào, tăng người ra. Điều này có nghĩa, việc tăng tuổi hưu sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với việc bảo toàn Quỹ BHXH?

Trong khi, việc mất cân bằng Quỹ BHXH hiện nay không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do chính sách đóng - hưởng bảo hiểm không cân đối. Đấy là chưa kể việc các đề án, phương án trình Trung ương được đồng ý sửa đổi thì phải tiến hành sửa đổi cả một hệ thống pháp luật hiện hành gây khó khăn, tốn kém không cần thiết.

Chính vì vậy mới nói, chính sách hưu trí là chính sách an sinh xã hội đúng đắn. Người lao động làm công ăn lương và đóng góp đầy đủ, cống hiến liên tục trong thời gian dài để mong đến ngày được về hưu. Hà cớ gì nâng thêm tuổi nghỉ hưu?


Theo Diễn đàn doanh nghiệp