Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo đà tăng giá của các loại hàng hóa sẽ chững lại, thậm chí giảm xuống trong thời gian tới do triển vọng tiêu thụ thấp. Các số liệu thống kê mới nhất đều cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia sử dụng hàng hóa và nguyên liệu thô nhiều nhất thế giới.
Ông Rob Haword, nhà phân tích đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Wealth Management (Hoa Kỳ) nhận định “Các loại hàng hóa khó có thể duy trì đà tăng cao như trong giai đoạn vừa qua. Giá các loại ngũ cốc trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động. Trong khi đó, giá các mặt hàng kim loại công nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”.
Tính chung quý I/2019, chỉ số đo lường biến động giá của 23 loại hàng hóa nguyên liệu thô - Bloomberg Commodity Index đã tăng hơn 6%, xác lập mức tăng theo quý cao nhất kể từ quý II/2016. Trong đó, dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) là mặt hàng có mức tăng giá cao nhất, lên tới 29%. Nickel là mặt hàng có mức tăng cao nhất trong nhóm kim loại công nghiệp với mức tăng đạt 21%. Trước đó, trong quý IV/2018, chỉ số giá Bloomber Commodity Index đã giảm mạnh 9,4% và tính chung cả năm 2018, chỉ số này giảm tới 11,2%.
Các số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu đi xuống, gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng của thị trường hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt, việc nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng sẽ khiến nhu cầu sử dụng cũng như giá cả các loại nguyên liệu thô giảm xuống. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết giá cả các loại nguyên liệu thô có thể sẽ vẫn được duy trì trong bối cảnh mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung một số mặt hàng như dầu thô và quặng sắt vẫn xảy ra trên thị trường. Bên cạnh đó, trong nội bộ Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ cũng có một số ý kiến đề xuất sử dụng mức lãi suất để giảm giá đồng USD, điều này sẽ giúp nâng đỡ giá của các loại hàng hóa. Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn cũng đang tìm kiếm các giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó nhu cầu về các loại hàng hóa có thể được duy trì.
Dầu thô và khí gas
Giá các loại dầu thô và khí gas trong quý I/2019 đã có mức tăng cao, trong đó giá dầu thô WTI tăng 29%, dầu thô Brent tăng 25% và giá xăng dầu (tại Hoa Kỳ) tăng 26%. Trong khi đó, giá khí gas thiên nhiên lại giảm 9%. Giá dầu thô bật tăng trở lại trong quý I/2019 sau khi giảm sâu trong quý IV/2018 chủ yếu do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và một số nước xuất khẩu dầu thô lớn khác đồng loạt cắt giảm sản lượng khai thác. Cùng với đó, việc Hoa Kỳ áp đặt cấm vận đối với Iran và Venezuela cũng gây ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô ra thị trường. Bên cạnh đó, triển vọng lãi suất của Chính phủ Hoa Kỳ kém hấp dẫn cũng kích thích các nhà đầu tư phân bổ tiền đầu tư vào các loại hàng hóa, trong đó có dầu thô.
Ông Chad Morganlander, nhà quản lý đầu tưu tại Washington Crossing Advisors, nhận định “Thị trường đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Chúng ta sẽ không bắt gặp tình trạng suy thoái trong năm 2019 tuy nhiên tình trạng giảm tốc tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động giao dịch (hàng hóa) trong nửa cuối năm nay”. Ông Chad Morganlander cũng nhận định đà tăng giá dầu thô sẽ được kìm hãm trong thời gian tới.
Lý giải về việc giá dầu thô tăng cao trong quý I/2019, trưởng ban nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc., ông Jeffrey Currie cho biết việc giá dầu thô giảm mạnh trong quý IV/2018 và đầu năm 2019 đã đẩy nhu cầu tăng vọt, theo sau đó là các vấn đề liên quan đến nguồn cung dầu thô đã hỗ trợ giá dầu thô tăng cao trong ngắn hạn. Việc giá dầu thô tăng cao đã kéo theo giá các sản phẩm chế xuất từ đầu thô như xăng tăng lên.
Trong khi đó, giá khí thiên nhiên trên toàn cầu lại giảm mạnh do nguồn cung từ Hoa Kỳ và Australia tăng cao. Sự gia tăng nguồn cung khí thiên nhiên khiến các nhà phân tích lo ngại một số quốc gia xuất khẩu lớn sẽ phải cắt giảm sản lượng khai thác. Giá khí thiên nhiên có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới. Theo diễn biến hàng năm, giá khí thiên nhiên sẽ giảm xuống sau quý I hàng năm khi thời tiết khu vực Bắc bán cầu ấm lên khiến nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên để sưởi ấm giảm xuống. Bên cạnh đó, sự bùng nổ sản lượng nhiệt từ các nhà máy điện sẽ càng khiến cho giá khí thiên nhiên giảm sâu thêm.
Các mặt hàng kim loại
Đà tăng giá của các mặt hàng kim loại công nghiệp trong quý I/2019 chủ yếu do lượng dự trữ các sản phẩm này giảm và thiếu hụt nguồn cung đối với một số mặt hàng kim loại như đồng. Trong quý I/2019, giá nickel đã tăng 21%, giá thiếc tăng 20% và giá đồng tăng 11%. Quý I/2019 cũng là quý đầu tiên kể từ quý IV/2017, chỉ số giá kim loại trên Sàn giao dịch kim loại London tăng.
Theo một số nhà phân tích, các mặt hàng kim loại công nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng giá trong thời gian tới. Trong bối cảnh các lo ngại về nguồn cung kim loại vẫn tồn tại nhưng sẽ không đủ lớn để đẩy giá lên cao nữa, nếu giá cả lên quá cao thì nhu cầu sẽ bị giảm xuống, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng kim loại thô lớn nhất thế giới.
Đối với quặng sắt, các khó khăn trong hoạt động khai thác tiếp tục bủa vây tập đoàn Vale SA – một trong những tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới. Thảm hỏa vỡ đập tại Brazil tại mỏ khai thác của tập đoàn Vale SA đã buộc tập đoàn này phải ngưng hoạt động khai thác tại một số mỏ. Giá quặng sắt có thể tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới khi các tác động thực sự từ việc cắt giảm sản lượng khai thác của Vale SA bắt đầu tác động lên thị trường.
Vàng có thể là kim loại duy nhất hưởng lợi từ việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá vàng giao tương lai đã có quý tăng giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn nhằm bảo vệ giá trị tài sản của họ và triển vọng Hoa Kỳ duy trì mức lãi suất thấp.