Con số này tăng 15,6 triệu bao so với niên vụ trước, chủ yếu do sản lượng cà phê của Brazil tăng lên khi chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê Arabica đạt mức đỉnh, đồng thời, cây cà phê Robusta cũng tiếp tục được mở rộng trồng. USDA cũng dự báo lượng cà phê xuất khẩu trên toàn cầu trong niên vụ 2018/2019 đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu của Brazil tăng lên. Theo USDA, mặc dù mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu trong niên vụ 2018/2019 chỉ tăng vừa phải thêm 3,3 triệu bao lên mức 163,6 triệu bao nhưng mức tồn kho cà phê cuối kỳ tăng mạnh thêm 7,1 triệu bao lên mức 37,1 triệu bao. Về giá cà phê, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết chỉ số giá cà phê tổng hợp đã giảm hơn 10% trong năm 2018.
Về tình hình sản xuất cà phê của Brazil, sản lượng cà phê Arabica của Brazil trong niên vụ 2018/2019 được dự báo tăng mạnh 8,4 triệu bao so với niên vụ trước lên mức 46,9 triệu bao. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta của nước này được dự báo sẽ tăng thêm 4,1 triệu bao lên mức 16,5 triệu bao. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thuận lợi với lượng mưa dồi dào tại các khu vực trồng cà phê của nước này. Tổng sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2018/2019 được dự báo tăng thêm 12,5 triệu bao lên mức cao kỷ lục 63,4 triệu bao, qua đó tăng lượng cà phê xuất khẩu lẫn mức dự trữ cuối niên vụ của Brazil.
Đối với Việt Nam, USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2018/2019 sẽ tăng thêm 1,1 triệu bao lên mức cao kỷ lục 30,4 triệu bao nhờ tình hình thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên USDA cũng cảnh báo tình trạng mưa to diễn ra trong thời kỳ cây cà phê nở hoa tại một số khu vực có thể làm giảm sản lượng so với dự báo. USDA nhận định việc sản lượng cà phê của Việt Nam tăng cao trong niên vụ trước đã bù đắp phần nào việc giá cà phê xuống thấp, qua đó hỗ trợ người nông dân chuẩn bị tốt hơn cho niên vụ 2018/2019. Mức tiêu thụ cà phê trên thị trường nội địa của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 2,9 triệu bao, không đổi so với niên vụ 2017/2018. Mức xuất khẩu cà phê hạt của Việt Nam trong niên vụ 2018/2019 được dự báo đạt 25,5 triệu bao, tăng nhẹ so với mức 25,2 triệu bao trong niên vụ trước. Mức dự trữ cà phê cuối niên vụ của Việt Nam ước tính đạt 1,133 triệu bao, giảm so với mức 1,183 triệu bao của niên vụ 2017/2018.
Sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2018/2019 được USDA dự báo sẽ tăng thêm 500.000 bao lên mức 14,3 triệu bao nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và năng suất cây trồng tăng. Trong 10 năm trở lại đây, năng suất cây cà phê của Colombia đã tăng thêm 30% chủ yếu nhờ các chương trình cải tạo, thay thế các cây cà phê lâu năm, thay thế các giống cà phê có năng suất thấp bằng các giống cà phê có khả năng kháng bệnh rỉ sắt.
Sản lượng cà phê của Indonesia trong niên vụ 2018/2019 cũng được USDA dự báo sẽ tăng 500.000 bao lên mức 10,9 triệu bao. Trong đó, sản lượng cà phê Robusta được dự báo sẽ đạt mức 9,7 triệu bao nhờ điều kiện gieo trồng thuận lơi. Sản lượng cà phê Arabica của Indonesia trong niên vụ tới cũng được dự báo tăng lên mức 1,2 triệu bao, chủ yếu do năng suất cây trồng tăng. Mức xuất khẩu của Indonesia trong niên vụ 2018/2019 được USDA dự báo sẽ không thay đổi nhiều, đạt mức 7 triệu bao; trong khi đó, mức dự trữ cuối niên vụ được dự báo sẽ tăng thêm 300.000 bao lên mức 900.000 bao.