Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 148/TB-VPCP ngày 9/4/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông báo nêu rõ: Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước. Đặc biệt, đây cũng là vùng có bản sắc văn hóa riêng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo.
Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là một quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, trong bối cảnh lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Để sớm phê duyệt Quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch.
Trong đó, nội dung Quy hoạch vùng phải định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; quan điểm, mục tiêu và định hướng phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vùng và các địa phương trong vùng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh để cụ thể vào quy hoạch vùng bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Quy hoạch vùng phải có tầm nhìn tổng thể với các giải pháp đột phá
Bên cạnh thế mạnh là phát triển kinh tế biển, cảng biển, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội khi hạ tầng giao thông trục Bắc Nam đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả; Hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao; Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực; Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp…
Ngoài những thế mạnh và những hạn chế nêu trên, vùng còn nhiều bất lợi như: thiên tai, bão gió, lũ lụt xảy ra thường xuyên, chênh lệch vùng miền giữa phía Đông và phía Tây còn cao, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông Tây còn nhiều khó khăn, kết nối vùng với vùng Tây Nguyên còn khó khăn… Vì vậy, Quy hoạch vùng phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với khu vực nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế, nhất là hành lang kinh tế Đông – Tây; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế cửa khẩu…
Nghiên cứu, bổ sung giải pháp phát triển hệ thống cảng biển
Thường trực Chính phủ lưu ý một số nội dung cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng. Theo đó, cần rà soát nội dung các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng. Trên cơ sở đó, Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung phải xác định được tầm quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của Vùng. Từ đó, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển Vùng. Nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể cho việc phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển; khôi phục hệ thống sân bay lưỡng dụng, trong đó phát triển sân bay Chu Lai thành sân bay chung chuyển quốc tế; đẩy mạnh đột phá về khoa học công nghệ phù hợp với phát triển kinh tế của vùng; phát triển du lịch biển, phát huy tiềm năng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa…
Rà soát, kết cấu nội dung quy hoạch để rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian (giao thông, văn hóa, các dòng sông, phát triển, khoa học và đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ngầm…). Nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch vùng việc khai thác năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) gắn với hiệu quả phát triển kinh tế, tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia. Nghiên cứu các nguồn lực để phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây trong đó cần có giải pháp cụ thể đối với dự án kết nối với vùng Tây Nguyên. Về Danh mục các dự án và thứ thự ưu tiên thực hiện: Hiện nay, nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát các dự án tại Danh mục dự án bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung sau khi được phê duyệt, thực hiện công bố theo quy định, làm tốt công tác truyền thông đến các cơ quan, người dân để biết, thực hiện.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.