Trồng rau không cần đất, không cần nước?

Kỹ thuật khí canh mới chỉ sử dụng một lượng sương mù chất dinh dưỡng được kiểm soát để phun vào bộ rễ của rau, nhưng lại mang tới kết quả tăng trưởng cao hơn 70% so với các phương pháp trồng rau khác.

Đổi mới phương pháp canh tác ngay trong lòng đô thị 

Câu nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” giờ đây đã trở nên lạc hậu khi một start-up ở Anh đã có thể trồng rau xanh mà không cần đến đất hay nước. 

Làm thế nào để nuôi sống cả thế giới khi dân số toàn cầu sẽ đạt mức 9 tỷ người vào năm 2050 là một câu hỏi khó mà nhân loại đang đau đầu tìm kiếm câu trả lời.

Một giải pháp có triển vọng có thể giúp tăng sản lượng lương thực đang được các nhà khoa học xem xét gọi là canh tác giữa lòng đô thị. Đây là phương pháp trồng rau trong môi trường trong nhà được kiểm soát ở các thành phố. Điển hình nhất là sử dụng những chiếc giá thẳng đứng và kỹ thuật thủy canh để trồng rau dưới ánh sáng đèn LED. 

Trồng rau không cần đất, không cần nước? - 1

Trong phương pháp khí canh của Lettus Grow, toàn bộ phần rễ của thực vật nằm ở ngoài không khí. Sau đó, chất dinh dưỡng sẽ được phun dưới dạng mù tới rễ của cây.

Start-up LettUs Grow có trụ sở tại Anh vừa mới phát triển một hệ thống đang đợi cấp bằng sáng chế với khả năng mở rộng đáng kể “các cánh đồng” tại các trang trại giữa lòng đô thị. Điểm khác biệt của hệ thống này là thay vì nhúng rễ của thực vật vào nước (như trong kỹ thuật thủy canh), LettUs Grow lại để rễ cây nằm hoàn toàn trong không khí. Sau đó, kỹ thuật khí canh của họ sẽ tự động phun một lượng sương mù chất dinh dưỡng được kiểm soát tới bộ rễ của rau.

Trồng rau không cần đất, không cần nước? - 2

Kỹ thuật khí canh của Lettus Grown tiết kiệm 95% nước, không dùng đất, tiết kiệm diện tích và rút ngắn thời gian canh tác xuống còn khoảng 1/3.

 “Tại phòng thí nghiệm, chúng tôi đang trồng râu tây, rau diếp, cải xoong, rau mùi và rất nhiều loại rau xanh khác.  Kỹ thuật độc nhất của chúng tôi cho phép tiếp cận với những nông trại thẳng đứng hiệu quả hơn. Bằng phương pháp khí canh, tức là chúng tôi có thể đưa chất dinh dưỡng tới cho các bộ rễ bằng sương mù. Nhờ đó, rau xanh của chúng tôi nhận được nhiều khí ô xi và sinh trưởng nhanh hơn khi so với kỹ thuật thủy canh”, ông Jack Farmer, Giám đốc kỹ thuật của Lettusgrow.

Hiệu quả cao hơn 70% so với các phương pháp khác

Công ty cho biết, hệ thống khí canh giúp rau xanh phát triển nhanh hơn 70% so với các biện pháp trồng rau trong nhà khác hiện nay. Điều này có nghĩa là thời gian canh tác được rút ngắn xuống hơn 2/3. 

Mặc dù khí canh không phải là phương pháp quá mới, nhưng kỹ thuật phun nước thành sương mù của Lettusgrown lại cực kỳ khác biệt, từ đó khắc phục được nhiều hạn chế của các phương pháp trồng rau thông thường. 

Trồng rau không cần đất, không cần nước? - 3

Khí canh được kỳ vọng là một trong các giải pháp cung cấp lương thực cho 9 tỷ người trên thế giới vào năm 2050.

Cụ thể, họ dùng ít hơn 95% nước so với các kỹ thuật trồng rau trong nhà khác trong khi vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng của rau như được trồng ở môi trường ngoài trời. 

Nhờ đó, ban đầu, người dùng phải đầu tư lắp đặt hệ thống, tuy nhiên, sau đó, người dùng sẽ khá "nhàn", không phải lo tưới nước, cải tạo đất, bón phân, nhổ cỏ, thậm chí là sâu bệnh. 

Mặc dù dùng 100% dinh dưỡng hóa chất, nhưng nhờ kỹ thuật pha chế chuẩn quốc tế, rau Lettusgrow thu hoạch vẫn đảm bảo tiêu chuẩn rau sạch. Điều này đã được họ chứng thực bằng lượng Nitrat tồn dư trên rau sau thu hoạch.

Lettusgrow gần đây đã kêu gọi được 1 triệu bảng (khoảng 1,27 triệu USD) tiền quỹ để mở rộng quy mô trồng rau trong nhà bằng kỹ thuật khí canh cho các nông dân giữa lòng đô thị trong 1 năm. 

Các quốc gia trên khắp thế giới đang phải đau đầu với việc tìm ra những cách hiệu quả hơn để nuôi sống người dân trong bối cảnh các tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước khi dân số mỗi ngày một phình to. 

Tình trạng này đáng lo ngại đến mức các nhà khoa học cũng phải vào cuộc. Họ đưa ra một loạt sáng kiến từ những loại nông sản được chỉnh sửa gen, “trồng” thịt trong phòng thí nghiệm, dùng robot và máy bay không người lái để tạo ra sự thay đổi trong canh tác hay kêu gọi thay đổi thói quen ăn uống và chống lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên những cách này cũng chưa phát huy hiệu quả.

Bởi thế, khi 2/3 dân số thế giới được cho là sẽ sinh sống trong các thành phố vào năm 2050, nông nghiệp đô thị được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt.

 

Theo Khampha.vn