TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương

Sáng 21/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Trong báo cáo số 4140 của Tổng thư ký Quốc hội có đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Vậy xin hỏi Bộ trưởng sẽ có giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện ra sao?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

Trong nền kinh tế thị trường, việc phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này.

Điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đề án chống hàng giả, hàng kém chất lượng; Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời, triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin Quản lý Thương mại điện tử và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ngoài ra, phối hợp tốt các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại bao gồm các lực lượng công an, biên phòng, hải quan rồi Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng và những đối tượng vi phạm một vài lần trở lên.

Tăng cường hơn nữa trong việc truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành là người tiêu dùng thông thái và xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan để xử lý những vấn đề này, bao gồm công an, công nghệ thông tin rồi tài chính và ngân hàng.

Chính vì áp dụng hàng loạt các biện pháp như thế nên thời gian vừa qua đã xử lý được hàng chục ngàn trường hợp vi phạm và đã thu về cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng xử phạt bởi những hành vi vi phạm trong lĩnh vực gian lận thương mại.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trương tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, triển khai thực hiện hiệu quả đề án chống hàng giả, hàng kém chất lượng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Thứ ba, tăng cường và làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để mà quản lý các vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả cái cổng thông tin điện tử về tiếp nhận và xử lý thông tin về những cái hiện tượng vi phạm về gian lận thương mại.

Thứ năm, làm tốt công tác truyền thông để giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.

Cuối cùng, chúng tôi rất mong là để thực hiện được cái nhiệm vụ này thì có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là người dân để chúng ta kịp thời đấu tranh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử cũng như là trong kinh tế thị trường của chúng ta.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này? 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thời gian gần đây tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ, không giống như năm 2023 thiếu điện cục bộ. Đó là thành quả rất tốt của Bộ Công Thương và EVN. Tuy nhiên, việc tính giá bậc thang như hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là bậc 1 chỉ có 50kWh cho sinh hoạt. Người dân tiêu thụ điện, trả tiền điện cho EVN mà lại bị thêm mức thuế 10% VAT là chưa hợp lý. Xin Bộ trưởng lý giải việc này? Có thể miễn thuế VAT, nâng bậc thang ở bậc 1 từ 50kWh lên 100kWh cho người tiêu dùng không? 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

1. Có thể nói gian lận thương mại là đặc trưng, hay nói cách khác cũng là đặc tính của nền kinh tế thị trường, vậy nên đây là một yêu cầu rất cao đối với mọi Chính phủ và cũng là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, ở nước ta thì Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan thì đã làm được các nhiệm vụ như tôi đã báo cáo ở phần trên.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt những hành vi vi phạm trong gian lận thương mại, kể cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Thứ hai, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác của những người làm việc trong môi trường này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của lực lượng chức năng.
Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ thuộc Bộ Công Thương hay là một số bộ, ngành mà đòi hỏi chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả là doanh nghiệp và người sản xuất cũng phải vào cuộc, phải thực hiện nghiêm túc đề án này thì mới có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Thứ tư, phối hợp các lực lượng cả trong và ngoài nước để xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi vì hiện nay trên thương mại điện tử thì nguồn hàng từ bên ngoài về là rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng của Nhà nước, của địa phương và kể cả các cơ quan chức năng của các nước liên quan.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ cơ sở dữ liệu đối với các cơ quan chức năng, ví dụ như là các sàn giao dịch thương mại điện tử, các phòng livestream, hay đăng ký của các chủ sàn,… thì Bộ Công Thương đã chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để giám sát tốt hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm trên cổng thông tin điện tử quốc gia đặt tại Bộ Công Thương và ở các địa phương.

Thứ bảy, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân tự bảo vệ mình trong môi trường mới.

2. Đối với câu hỏi thứ hai của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), tôi thấy rằng biểu giá điện bậc thang là một mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm giúp khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 

Điện khác với các ngành khác, bởi càng sản xuất nhiều điện thì càng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, trong khi năng lượng là một ngành phát thải khá lớn ở Việt Nam, cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường.

Do đó, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. 

Theo đó, dự thảo trình Chính phủ về vấn đề này sáng ngày hôm nay đã đề xuất giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó bậc đầu tiên nâng từ mức 0-50kWh lên 0-100kWh. 

Như vậy, kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa đã được tiếp thu và đã được trình lên Chính phủ đúng như đại biểu mong muốn. Mục tiêu của đề xuất này nhằm giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước ở số điện 0-30kWh, còn từ 30kWh đến hết bậc 1 thì người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định. 

Mặt khác, để dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg lần này cũng đang đề cập đến việc điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất cũng như kinh doanh và sinh hoạt để tiệm cận gần hơn. Giá điện đối với một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.

Còn về vấn đề thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn tiền điện, theo tôi hiểu thì đây là quy định của Luật Thuế được áp dụng với mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch. Vậy nên có bỏ được thuế tiêu thụ đặc biệt trong hóa đơn tiền điện hay không thì tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ giúp tôi trả lời vấn đề này rõ hơn. 

 

 
TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)
TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)

Tôi cho rằng, đúng như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Duyên cũng đã nêu, hiện nay chúng ta tập trung nhiều vào vấn đề chế tài, xử phạt để mang tính răn đe, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, việc vào cuộc không phải chỉ của Bộ Công Thương, của quan quản thị trường của nhiều các bộ, ngành liên quan. Tôi cho rằng đấy cũng phù hợp với xu thế, với tình hình chung.

Tuy nhiên, tôi cho rằng lẽ chúng ta sẽ cần tập trung hơn nữa vào các biện pháp, các giải pháp để làm sao thể sớm phát hiện, phòng ngừa bên cạnh việc xử phạt như chúng ta đang làm hiện nay, thì sẽ làm tốt hơn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi như chúng ta cũng đã thấy thì ràng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng một tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm với quy lớn. Với phương thức tiêu thụ thương mại điện tử phát triển như hiện nay thì sẽ nhiều đặc điểm mới đòi hỏi chúng ta cần phải những cái giải pháp mới phù hợp hơn.

 

 

 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Thu được ngân sách nhà nước thì mới đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công và mới đảm bảo được vấn đề trang trải cho xã hội, kể cả việc đảm bảo cho hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như vấn đề an sinh xã hội, các công trình hạ tầng trọng yếu, khuyến công, đảm bảo cho an ninh, quốc phòng, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề giá cả biến động theo thị trường nó sẽ không hợp lý.

Trên thực tế, khi mà xã hội gặp khó khăn do tác động của khách quan như dịch Covid-19, trong 5 năm nay, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, giảm tiền thuê đất mỗi năm 200.000 tỷ đồng.

Riêng với lĩnh vực xăng dầu, mức thuế VAT đang được quy định là 10% - đã là mức rất thấp, duy trì từ năm 1999 đến nay, tức là đã 25 năm rồi. Vì vậy, đưa ra vấn đề giảm thuế trong trường hợp này là không hợp lý.

Còn trong biểu giá điện bậc thang, đã quy định có 6 bậc, như vậy đối với các hộ sinh hoạt đã có quy định ưu tiên các hộ nghèo, hộ chính sách hỗ trợ 30kWh. Ở bậc 1 (0-50kWh), quy định mức giá chỉ bằng 92% giá điện bình quân, còn ở bậc 2 tăng lên 95%, càng lên bậc cao thì càng tăng dần, để khuyến khích tiết kiệm điện.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Thông tư 01/2018/TT-BCT và Thông tư 01 và 02/2018/TT-BCT năm 2018 của Bộ Công Thương không đưa mía cây vào danh mục hàng hóa được phép mua bán qua cửa khẩu phụ; trong khi Tây Ninh có 3 cửa khẩu phụ, có lực lượng chuyên ngành quản lý tại cửa khẩu chính và quốc tế. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đang hợp tác hay thuê đất trồng mía tại Campuchia theo chủ trương được Chính phủ hai nước cho phép vì làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, làm giảm trữ lượng đường nguyên liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành mía đường vốn đã khó khăn trong cạnh tranh quốc tế, ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình hợp tác hữu nghị mang tính đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Tây Ninh với các tỉnh giáp biên. 

Vấn đề này Tây Ninh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, các Bộ Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng đều ủng hộ kiến nghị của Tây Ninh khi được Bộ Công Thương xin ý kiến cho phép mía cây được đưa về qua cửa khẩu phụ. Vụ mía năm 2024 đang đến gần, xin phép hỏi Bộ trưởng, Bộ có thể tháo gỡ khó khăn này, cho phép mía cây được nhập qua cửa khẩu phụ với đầy đủ hồ sơ, thủ tục như ở cửa khẩu quốc tế trước khi vào vụ mùa mới tháng 11 sắp tới hay không?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Lúc nãy Bộ trưởng trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) liên quan đến vấn đề xây dựng biểu giá điện, nhưng cử tri và nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay cho rằng việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập và chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023. Vậy Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này không và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới? 

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Theo Mục 9.2 Báo cáo số 318 ngày 14/6/2024 của Chính phủ, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt là có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật. Xin Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng bảo kê như báo cáo đã nêu? Kết quả của Bộ trưởng về xử lý cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm bản kê cho người có hành vi vi phạm pháp luật, giải pháp của Bộ trưởng để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Hiện nay việc kinh doanh điện được quản lý bởi Bộ Công Thương, chỉ có EVN là đơn vị duy nhất kinh doanh điện giữa điện lực Việt Nam và các hộ tiêu dùng. Thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn, nhưng hiện nay Nhà nước không còn chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình. Để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm được tiêu thụ của nguồn điện quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương có hướng giải quyết gì, tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này cho các hộ xung quanh, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu, đồng thời cũng là tránh lãng phí chi phí đầu tư chung cho xã hội?

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Với mức tiêu thụ xăng dầu như hiện tại thì dự trữ xăng dầu của các thương nhân đầu mối và của quốc gia đáp ứng được thời gian bao lâu và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về dự trữ sai dầu trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

1. Theo quy định hiện hành, mặt hàng mía cây không thuộc danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu. Về cơ bản, việc cho phép nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh nguồn cung chưa dồi dào là cần thiết. Tuy nhiên, với ngành sản xuất mía đường hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá vấn đề này để bảo đảm nhu cầu nguyên liệu mía đường sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, báo cáo của tỉnh Tây Ninh cũng không đề cập đến phương án tiêu thụ cho nông dân trồng mía trong tỉnh trước khi thực hiện việc nhập khẩu này. Để bảo đảm bình ổn thị trường, vừa qua Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó Bộ Công Thương và các Bộ Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao đều không có ý kiến phản đối với đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về vấn đề như đại biểu nêu.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì đang có ý kiến khác nhau. Ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đề nghị Bộ Công Thương xem xét cân đối cung cầu trong nước để cân nhắc cho phép nhập khẩu mặt hàng mía cây để phục vụ sản xuất trong nước, vừa bảo đảm bình ổn thị trường, vừa bảo vệ, thúc đẩy ngành sản xuất mía đường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía.

Ý kiến của Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại cho rằng, kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu tại Tây Ninh và bổ sung mặt hàng mía cây vào danh mục hàng hóa nhập khẩu là không phù hợp với phương hướng và mục tiêu phát triển ngành mía đường Việt Nam và có dấu hiệu của hành vi trốn thuế và cũng không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy ý kiến còn đang khác nhau. Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam để trình Chính phủ đề xuất liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi đang trong quá trình tiếp tục tiếp thu và giải trình báo cáo với Chính phủ, theo đó, Chính phủ quyết theo phương án nào thì chúng tôi sẽ tuân thủ theo phương đó nhưng có lẽ là những ý kiến của các Bộ như Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao,… cũng cần xem xét trong bối cảnh cụ thể để giải quyết vấn đề mà Tây Ninh vừa nêu.

2. Đối với ý kiến thứ hai, có đại biểu cho rằng việc điều hành giá điện vừa qua là bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện thì tôi xin thưa là không có chuyện đó. Tôi khẳng định, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản (i) vấn đề quy hoạch, kế hoạch; (ii) cơ chế chính sách và (iii) thanh tra, kiểm tra.

Chúng tôi tự thấy rằng quá trình tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua, đã thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước, đầu vào hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia thì phải mua với cơ chế giá thị trường, nhưng đầu ra phải bảo đảm bình ổn giá, bởi giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác, cho nên sẽ có sự chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra.

Như một vài lần tôi đã báo cáo với Quốc hội là chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của EVN là khoảng 208-216 đồng/kWh. Còn quá trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế điều hành như thế nào để cho EVN sẽ không bị lỗ trong tương lai thì ngành Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây, theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, các khách hàng sử dụng điện; bên cạnh đó, phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan.

Và hiện nay, Chính phủ đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về trực thuộc Bộ Công Thương. Điều đó sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện giữa doanh nghiệp phát điện và công bằng với các đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và sắp tới sẽ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điều đó sẽ từng bước làm cho thị trường điện của chúng ta trở nên hoàn hảo hơn.

Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường mua buôn điện cạnh tranh đã được thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong Dự thảo Luật Điện lực cũng như sửa đổi những quy định hiện hành.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

3. Đối với ý kiến thứ ba, đại biểu nêu rằng hiện nay có một bộ phận cán bộ trong Cục Quản lý thị trường bảo kê cho người có hành vi sai phạm, cán bộ quản lý thị trường hoạt động theo cơ chế đơn tuyến, từng người trên từng vị trí có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không xử phạt, hoặc xác định hành vi đó là vi phạm hay không vi phạm các quy định của pháp luật.

Vì tính chất công việc của lực lượng này như vậy, nên ngành Công Thương đã chỉ đạo là thường xuyên phải có sự luân chuyển địa bàn công tác của các cán bộ phụ trách địa bàn.

Thứ hai, quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, phải xử lý rất nghiêm theo quy định pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế chính sách, nhất là trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những hiện tượng vi phạm.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu và xử lý rất nhiều trường hợp từ cán bộ quản lý cấp Đội đến cấp Cục ở địa phương và xử lý đối với cán bộ trực tiếp xử lý trên từng địa bàn, cũng có hàng chục cán bộ trong lực lượng này đã được chuyển lên cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này, kể cả là sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng quản lý thị trường và sẽ tiếp tục làm tốt việc luân chuyển địa bàn để bảo đảm hoạt động của các lực lượng này công khai, minh bạch.

 

Tạp chí Công Thương tiếp tục cập nhật thông tin...

Nhóm PV